Nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) là điểm giao của hai trục đường chính của TP.HCM. Trong đó có trục đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định là đường vào cảng Cát Lái, với lượng xe vận chuyển hàng hóa lên tới 20.000 lượt ôtô tải mỗi ngày.
Xe cộ di chuyển theo hướng bắc - nam phải xếp hàng dài nhiều cây số nếu muốn đi qua vòng xoay này, nhiều tài xế chia sẻ phải mang theo đồ ăn phòng những trận kẹt xe có thể kéo dài đến 6 tiếng.
Đoạn đường dài 8 km nhưng khi kẹt xe có thể phải cần tới 6 tiếng để di chuyển. Ảnh: Lê Quân. |
Quá tải
Quận 2 đang là khu vực trung tâm mới của TP.HCM, với hàng loạt dự án hạ tầng liên tục khởi công. Đây cũng nơi phát triển giao thông đường thủy, với cảng Cát Lái - nơi chiếm 89% lượng hàng hóa của khu vực phía nam và 50% của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đóng góp không nhỏ vào việc đẩy mạnh kinh tế địa phương, nơi đây cũng tạo sức ép lên hạ tầng giao thông và cư dân sinh sống tại quận 2, đặc biệt là lưu lượng xe đầu kéo container di chuyển mỗi ngày.
Thường xuyên phải đi qua đoạn đường này, anh Bùi Đức Thiện cho hay hiện tại tất cả xe vào cảng đều phải lưu thông qua đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, với hai làn ôtô và một làn xe máy ở mỗi chiều. Thậm chí các cổng ra vào cảng dù nằm trên các đường nhánh nhưng đều phải lưu thông qua 2 tuyến đường huyết mạch này.
"Buổi sáng kẹt từ 6-10h. Buổi chiều tối phải đến 20h mới thoát được khỏi điểm ùn tắc này. Làn đường xe máy thì ôtô chiếm hết, đường sá xuống cấp, ý thức tham gia giao thông kém. Tai nạn cứ xảy ra hoài", anh Thiện kể khổ.
Anh Trần Minh Cường (32 tuổi) cho biết xe đầu kéo container từ bãi Tân Cảng - Mỹ Thủy ra đường vành đai 2 thường đậu cắt ngang hoàn toàn làn đường dành cho xe máy, khiến các xe muốn đi phải len lách qua đầu và đuôi container.
"Lượng xe lớn tăng cao khiến những người đi xe máy liều mình, điều khiển xe đi lên vỉa hè hoặc chen vào dòng ôtô, container, rất nguy hiểm. Sợ nhất là lúc 3-4h sáng, trời tối, nếu phải qua phà Cát Lái thì rất khổ sở. Thời gian gần đây đường Võ Chí Công còn xuống cấp nghiêm trọng do có nhiều ổ gà, ổ voi khiến giao thông thêm hỗn loạn. Ngoài ra, quanh khu vực này cũng có hàng chục bãi đỗ xe, bãi chứa container khiến đoạn đường luôn trong tình trạng đông đúc", anh Cường chia sẻ.
Tài xế đi qua đoạn đường này phải chuẩn bị đồ ăn, sách báo trong khi chờ kẹt xe. Ảnh: Lê Quân. |
Đoạn đường Võ Chí Công - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định (từ nút giao với đại lộ Mai Chí Thọ vào cảng Cát Lái) cùng nhiều cung đường khác thường xuyên phải gánh chịu số lượng lớn xe container.
Các xe thường phải xếp hàng dài chờ vào làm thủ tục giao nhận hàng, gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Thế nhưng, dù có nhiều cổng ra vào, các tuyến đường trên gần như ở thế độc đạo nên việc ùn tắc, kẹt xe là không tránh khỏi.
Quy hoạch 'thắt cổ'
Việc ùn tắc tại đoạn đường này đã xảy ra từ nhiều năm nay, từ những ngày bắt đầu khai thác Tân Cảng.
Độc giả Trương Vũ tâm tư: "Với số lượng dân cư đông, lượng xe trọng tải lớn, ôtô, xe máy nhiều như thế này đáng lẽ không nên làm quá nhiều ngã tư, vòng xoay, bùng binh mà thay vào đó phải làm cầu vượt hoặc hầm chui".
Anh cũng chỉ ra sự thật rằng ở xung quanh khu vực này, ngoài các xe tải chở hàng hóa, còn có hàng loạt các dự án mới đang xây dựng ngày đêm. "Khu vực này như một đại công trường, từ vòng xoay Mỹ Thủy đang xây dựng đến một loạt dự án với hàng trăm căn hộ chờ bàn giao. Hiện tại đã tắc đường, chắc chắn trong tương lai gần cũng khó mà giải quyết được", anh Vũ viết.
Không những thế, việc một cảng lớn lại nằm trong khu dân cư, đô thị mới trong khi đáng lẽ phải gắn với các khu công nghiệp cũng là lý do gây ra tình trạng giao thông kẹt cứng, độc giả Vũ Trường Minh đánh giá.
"Tuyến đường quy hoạch chưa hợp lý, không có điểm lập chốt, dừng xe. Chỉ cần 1-2 xe đầu kéo container bị kiểm tra, cân tải trọng là khiến dòng xe kẹt cứng. Đơn giản nhất là nếu một xe xảy ra sự cố nhỏ như bể lốp, chết máy, hết dầu,... cũng khiến kẹt xe kéo dài", anh Minh cho hay.
Công trường vòng xoay Mỹ Thủy cũng là lý do gây ùn tắc kéo dài. Ảnh: Lê Quân. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP.HCM), cho biết hạng mục hầm chui từ đường Đồng Văn Cống rẽ trái vào đường Nguyễn Thị Định tới cảng sẽ được thông xe trong tháng 1/2018. Phần cầu vượt dự kiến hoàn thành vào tháng 4 tới, được kỳ vọng sẽ giải quyết điểm nóng giao thông xung quanh các tuyến đường ở Cát Lái.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, người dân di chuyển qua đây vẫn phải kiên nhẫn xếp hàng dài hàng tiếng đồng hồ tại đoạn đường này.