Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phần lớn biển miền Trung an toàn để tắm, nuôi trồng thủy sản

Nhóm nghiên cứu cho hay, chỉ còn một số khu vực cách bờ biển 15 km, Sơn Dương, phía đông biển Nhật Lệ và hòn Sơn Chà… cần theo dõi thêm về mức độ an toàn.

Sáng nay, 22/8, tại TP Đông Hà (Quảng Trị) Hội nghị "Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế" diễn ra.

Chủ trì là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ông Châu Văn Minh (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường) và đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị...

Bộ ảnh đáy biển 4 tỉnh miền Trung bị hủy diệt

Các nhà khoa học đã tổ chức những đợt lặn xuống đáy biển 4 tỉnh miền Trung, sau sự cố cá chết. Kết quả cho thấy, hệ sinh thái biển 4 tỉnh này bị hủy diệt.

 

cong bo hien trang bien mien Trung anh 1
 San hô chết trắng tại Hòn Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế) sau sự cố cá chết. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  • Formosa gây ô nhiễm

    Hơn 4 tháng trước, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh lao đao. 

    Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Sau gần 2 tháng, Công ty Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.

    Lãnh đạo Bộ TNMT từng khẳng định mức độ ô nhiễm môi trường nước tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng có xu hướng giảm dần, chất lượng nước biển đảm bảo an toàn cho mục đích tắm biển, du lịch.

    Lãnh đạo bộ này cũng hứa và sẽ công bố mức độ an toàn của môi trường nước biển sau khi kết thúc chương trình điều tra, đánh giá, phân tích mẫu nước biển đối chiếu với quy chuẩn về chất lượng môi trường.

  • Giám sát thường xuyên

    Liên quan tới việc khắc phục sự cố Formosa, Bộ TNMT đã lắp đặt 2 camera theo dõi, giám sát hoạt động trạm quan trắc liên tục, tự động của Công ty Formosa về Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, Tổng cục Môi trường.

    Công ty phải có giải pháp kiểm soát nước thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hóa và kiểm soát nước thải, phòng ngừa sự cố trước khi xả ra biển; lắp đặt quan trắc nước thải của hệ thống xử lý sinh hóa và bể tràn lưu giữ nước thải một thời gian trước khi xả ra biển, sử dụng bể chỉ thị sinh học để kiểm soát chất lượng nước thải.

    Mới đây, một Tổ giám sát trực tiếp tại Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng vừa được thành lập. Nhiệm vụ của tổ này là thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện các cam kết khắc phục sự cố môi trường cũng như các hành vi vi phạm của công ty. Bộ TNMT đã triển khai chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

  • Yêu cầu chính đáng của dân

    cong bo hien trang bien mien Trung anh 2
     

    Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, sự cố cá chết ở các tỉnh miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Công ty Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Xác định vụ việc này là nghiêm trọng, Bộ đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học trong và ngoài nước tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng nước biển ở các tỉnh miền Trung.

    “Tôi luôn ý thức được, người dân luôn mong muốn biết được thông tin về việc nước biển đã sạch và an toàn chưa. Đây là yêu cầu chính đáng mà bất cứ người dân nào cũng có quyền được biết. Trước yêu cầu cấp bách đó, các nhà khoa học cũng đã làm việc khẩn trương nghiêm túc trong suốt thời gian qua”, ông Hà nói.

     

     


  • Mức độ an toàn: Nhiều khu vực cần theo dõi thêm

     

    Theo giáo sư Mai Trọng Nhuận, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10- MT: 2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản.

    Tuy nhiên, ở một số khu vực cách bờ 15 km, một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương, phía Đông của Nhật Lệ, hòn Sơn Chà), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.

    Hệ sinh thái, san hô, cỏ biển, nguồn lợi thủy sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường đã có dấu hiệu hồi phục. Đại diện Bộ Y tế cũng kết luận, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát hải sản tại các vùng iển an toàn mà Bộ TNMT đã công bố.

    Vị này cũng cho hay, hàm lượng các chất như sắt, đồng, kẽm trong nước biển thời gian qua mặc dù dưới ngưỡng cho phép nhưng liên tục thay đổi. Đối với hệ sinh thái, thời điểm tháng 4, 5 hầu hết rạng san hô đã bị chết. Đến tháng 6 và tháng 7 thì rạng san hô và rong biển đã bắt đầu có dấu hiệu khôi phục. Các loại cá cũng bắt đầu sinh sản trở lại. Điều đó chứng tỏ, nước biển đang có dấu hiệu phục hồi tốt. 

    “Thời điểm tháng 4, tháng 5 hầu như không thấy con cá nào ở biển Sơn Dương cả. Nhưng đến tháng 7 và tháng 8 thì có nhiều con cá với kích thước rất nhỏ vẫn sống và xuất hiện ngày càng nhiều”, giáo sư Nhuận cho hay.

     

     

     

  • Cần công bố cụ thể hơn

    cong bo hien trang bien mien Trung anh 3
     

    Giáo sư Nguyễn Chu Hồi (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo) đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả do giáo sư Mai Trọng Nhuận và các cộng sự nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông cần phải giải đáp cụ thể hơn các câu hỏi: Bãi biển nào đã an toàn, bãi biển nào chưa; hải sản ngư dân đánh bắt về đã ăn được chưa; du khách đến miền Trung tắm biển có bị sao không.

    “Báo cáo kết quả trên có nhiều thông số đã giải thích được những điều bất thường của vùng biển nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi mà người dân cần thì chưa giải đáp được”, ông Hồi nói. Vị này cũng lo lắng vì kết quả nghiên cứu chưa đưa ra được mức độ cảnh báo đối với hai khu bảo tồn: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Sơn Trà (Đà Nẵng). Ông cho rằng, đây là hai khu vực nằm trong số 16 bãi biển cần được bảo tồn nên các nhà khoa học phải đưa ra khuyến cáo cụ thể đối với các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương.

  • Chiều nay, tôi sẽ đi tắm biển

    TS Frirdhelm đến từ Viện Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường Đức cho hay ông được Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường mời sang nghiên cứu đánh giá tác động môi trường biển miền Trung sau sự cố cá chết hàng loạt.

    “Tôi đã thảo luận rất kỹ với các nhà khoa học Việt Nam. Những góc tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các nhà khoa học đã cơ bản tiếp cận với trình độ thể giới. Tôi có một số thông tin muốn gửi đến các bạn là nước biển đang nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng ở một số vùng biển, có một số thông số về các chất vẫn còn dao động, cần theo dõi thêm", TS Fridehelm nói.

    "Tôi có thể khẳng định nước biển miền trung an toàn và tắm thoải mái. Chiều nay, nếu có cơ hội tôi sẽ ra tắm biển để chứng minh điều này”, vị TS này khẳng định.

    Về hải sản, ông Fridehelm cho hay số liệu quan trắc của nhóm nghiên cứu cho thấy cá nhỏ đã sống lại. tuy nhiên, cá này ăn được chưa thì cần phải có Bộ Y tế vào cuộc. “Các chuyên gia y tế phải lấy mẫu hải sản ở từng vùng biển mà ngư dân đánh bắt để phân tích mới kết luận được”, TS Frirdhelm, nói.

    Tuy nhiên, vị chuyên gia đến từ nước Đức cũng cảnh báo, Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam phải quản lý chặt chẽ các nguồn nước thải ra biển. Ông cho rằng, ở các nước trên thế giới họ kiểm soát rất chặt vấn đề môi trường, nhất là nguồn nước biển. Theo ông, Việt Nam cũng nên học cách quản lý này để đừng cho các doanh nghiệp lén lút xả thải ra môi trường.

    cong bo hien trang bien mien Trung anh 4
    TS Frirdhelm đến từ Viện Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường Đức. Ảnh: Đoàn Nguyên.
  • Mỗi ngày Formosa Hà Tĩnh xả ra 1 tạ cyanua

    Giáo sư, tiến sĩ Chu Văn Minh cho biết, chất độc cyanua và phenol xuất xứ từ quá trình luyện cốc do nhà máy của Formosa xả ra. Theo tính toán, trong khoảng thời gian chạy thử nghiệm, mỗi ngày Formosa xả ra tương đương khoảng 3 kg phenol và 1 tạ cyanua.

     

     

     

     

     

     

  • GS.TS Trần Nghi (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt câu hỏi: “Chiếu theo quy luật tự nhiên, muốn biết được cơ chế lắng đọng của trầm tích, dung dịch hòa tan trong nước sau sự cố Formosa thì hàm lượng các chất vẫn đang di chuyển theo dòng chảy từ bắc tới nam. Vấn đề đặt ra bao giờ mình “chặn” được những chất ô nhiễm ban đầu để nó không chảy ra biển để trôi lơ lửng trong dòng nước?”.

  • Chất lượng hải sản miền Trung giảm

    Trước thắc mắc của các đại biểu về quy chuẩn an toàn đối với hải sản, đại diện Bộ Y tế cho hay, bộ đang nghiên cứu xây dựng đánh giá mức độ an toàn của hải sản. Theo vị này, qua nghiên cứu ban đầu, sau sự cố về môi trường ở vùng biển ở miền Trung thì chất lượng hải sản đang giảm dần. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chưa có nên chưa thể khẳng định được hải sản có an toàn không.

  • Liệu có thêm một Formosa khác?

    Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học cũng bày tỏ lo lắng khi vấn đề quản lý ô nhiễm môi trường nói chung và môi trưởng biển nói riêng đang bị xem nhẹ. Hầu như dọc các tỉnh miền Trung, các khu công nghiệp và chế xuất đều gần biển. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa đảm bảo hệ thống xử lý chất thải từ các khu công nghiệp ra môi trường chưa đạt chuẩn.

    “Vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ TNMT và các cơ quan chức năng đã buộc Công ty Formosa xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề hậu kiểm đối với công ty này vẫn đang là bài toán khó. Điều mà người dân lo lắng nữa là chúng ta mới phát hiện được một công ty có liên quan. Vậy ai sẽ đảm bảo trong thời gian tới có một Formosa nào khác?”, một đại biểu lo lắng và kiến nghị Bộ TNMT, lãnh đạo các tỉnh thành phải coi ô nhiễm môi trường như một loại “tội phạm”.

  • Cơ bản nguồn nước biển đã an toàn

    Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Hội nghị hôm nay có mục đích trả lời các câu hỏi của người dân như: Môi trường biển đã an toàn chưa? Hải sản đã ăn được chưa? Việc nuôi trồng hải sản đã an toàn? Theo ông Hà, những câu hỏi trên là rất cấp bách và cũng là điều mà Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành quan tâm, lo lắng trong suốt thời gian qua.

    Bộ trưởng Hà cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn mà các nhà khoa học đã có những kết luận ban đầu về tình trạng môi trường biển ở miền Trung là rất đáng hoan nghênh. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu này có sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

    “Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, về cơ bản nguồn nước biển đã an toàn. Các nhà khoa học đã công bố được các vùng biển an toàn. Người dân và du khách có thể yên tâm tắm biển ở các bãi biển miền Trung”, ông Hà nhấn mạnh.

    Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, người đứng đầu Bộ TNMT cho rằng, người dân kiên trì và chờ thêm một thời gian nữa. Bởi theo ông, việc ăn hải sản liên quan trực tiếp đến tính mạng của tất cả mọi người nên các nghiên cứu phải chặt chẽ từng bước một.

    “Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm có câu trả lời”, ông Hà nói.

    cong bo hien trang bien mien Trung anh 5

 


Đoàn Nguyên - Văn Được

Bạn có thể quan tâm