Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phan Khoang và một góc nhìn sử khác

Phan Khoang mở ra một cách nhìn mới về các sự kiện lịch sử, đặc biệt là mối bang giao giữa Pháp và Việt Nam thời kỳ đầu và công cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn.

Một số tác phẩm của nhà sử học Phan Khoang được tái bản gần đây cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn mới mẻ và thú vị về nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam.

Sách sử Phan Khoang

Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam là một tác phẩm sử học rất có giá trị về công cuộc mở rộng bờ cõi của nhân dân Nam bộ dưới sự trị vì của chúa Nguyễn. Tác phẩm này đã được xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn năm 1969. Cuốn sách được tái bản hai lần tại Việt Nam vào năm 2006 và hồi tháng 3/2017 mới đây.

Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (1558 -1777) bắt nguồn từ cục diện chính trị Trịnh - Nguyễn phân tranh ở hai bờ sông Gianh. Theo Phan Khoang, thử thách lớn đầu tiên của các chúa Nguyễn, “công việc các chúa Nguyễn làm ở Nam Hà” không chỉ là việc xây dựng lực lượng để “Bắc cự” (chữ dùng lột tả 200 năm nội chiến Trịnh - Nguyễn) mà còn lần lượt giải quyết các vấn đề như vương quốc Chămpa (Phan Khoang gọi là Chiêm Thành) và Thủy Chân Lạp.

bo ba tac pham lich su cua Phan Khoang anh 1
Tác phẩm Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam của Phan Khoang vừa được tái bản gần đây.

Tiếp đến, cuốn Việt - Pháp bang giao sử lược - Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX bắt đầu từ câu chuyện của những ngày người châu Âu mới đặt chân lên đất Việt Nam giao thiệp, buôn bán, tiếp đó là sự cầu cứu Pháp và Hiệp ước Versailles không hiệu quả.

Phan Khoang cũng công minh đề cập việc vua Minh Mạng có ý tưởng tự cường, tự chủ và vua Thiệu Trị lo lập đồn để giữ bờ biển Đà Nẵng, rồi việc quân Pháp và quân Y Pha Nho đánh Gia Định. Tác phẩm này miêu tả tài thao lược của Nguyễn Tri Phương, nghĩa khí Trương Định.

Cuốn sách cũng còn nói về cách triều đình chống sự bành trước của Pháp, cầu thân với các nước châu Âu, rồi câu chuyện vua Hàm Nghi xuất bôn và tấn bi kịch cuộc đời đã được Phan Khoang miêu tả chi tiết rất cảm động. Sự nổi dậy của đảng Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu… cũng đều được đề cập tương đối tường tận trong sách.

Một góc nhìn sử Việt

Bộ ba tác phẩmcủa Phan Khoang là Việt sử: Xứ Đàng Trong (1558 - 1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Việt Nam Pháp thuộc sửViệt - Pháp bang giao sử lược - Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX được giới nghiên cứu lịch sử đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của ông.

Sử gia Phan Khoang đã viết sử dựa trên căn bản hệ thống tư liệu rất đồ sộ, quý hiếm để phục dựng các chi tiết lịch sử cận đại Việt Nam, kể từ thời Chúa Nguyễn vào Nam “khai hoang mở cõi” cho đến khi nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược. Bên cạnh đó, nhờ được thừa hưởng vốn Hán văn của thân phụ, Phan Khoang đã chú giải các nhân vật, địa danh cẩn trọng, tường minh, bảo đảm khách quan trong tường thuật các chi tiết lịch sử.

bo ba tac pham lich su cua Phan Khoang anh 2
Xứ Đàng Trong qua một bức tranh cổ.

Về văn phong, ông có lối viết sử rất lịch lãm mà giản dị, uyên thâm mà rất bình dân. Điều này khiến độc giả có thể đọc một mạch tác phẩm của ông như những “tiểu thuyết lịch sử” đầy cuốn hút. Thêm vào đó, các tác phẩm của Phan Khoang có thể đại diện cho nhận thức của giới sử học miền Nam trước năm 1975 về lịch sử xứ Đàng Trong, vai trò mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, cuộc xâm lược của thực dân Pháp…

Phan Khoang có những nhận định tương đối khác biệt về phương châm Nam tiến của các Chúa Nguyễn suốt dặm dài lịch sử: “Như đã thấy, khi cuộc chiếm cứ hết đất Chiêm Thành gần như hoàn tất, với những hoạt động ngoại giao, quân sự, các chúa Nguyễn lần lượt xâm lấn Thủy Chân Lạp để đem vào bản đồ miền Nam rộng rãi, phì nhiêu. Ngoại giao để can thiệp nội tình Hoàng gia Chân Lạp mà nhất là Tiêm La... Còn quân sự chỉ khi cần mới dùng đến”.

Nói gì thì nói, vai trò của chúa Nguyễn trong việc mở rộng bờ cõi đất nước về phía Nam trù phú là không thể phủ nhận.

Sử gia Phan Khoang sinh năm 1906 tại xã Phước Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trong gia đình nhà nho. Cha ông là Tiến sĩ Phan Quang, người đứng thứ hai trong nhóm Ngũ Phụng Tề Phi của Quảng Nam. Ông từng giảng dạy sử học tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Huế. Ông mất năm 1971 tại Sài Gòn.

Phạm Quang Huy

Bạn có thể quan tâm