Nếu như tiểu thuyết hiện thực phê phán của những Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụ, Tô Hoài… phát triển mạnh mẽ, trong không khí sôi nổi, rầm rộ trong thời kỳ Mặt trận Dân Chủ thì tiểu thuyết lãng mạn của Tự lực văn đoàn xuất hiện trong không khí u ám, buồn thảm của thời kì thoái trào và khủng hoảng kinh tế.
Sau năm 1930 các khuynh hướng tiểu thuyết hiện đại phát triển mạnh mẽ và phức tạp, lắt léo hơn trước. Tự lực văn đoàn ra đời mang không khí văn chương nặng trĩu “chàng” và “nàng” trong các tiểu thuyết lãng mạn của Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Vỹ, Lưu Trọng Lư…. Từ đó, Tự lực văn đoàn nhanh chóng trở thành một văn phái có tuyên ngôn, có báo chí, có nhà xuất bản riêng.
Đương thời, họ nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả và có sức hút nhất định, cụ thể với con số 58.000 tiểu thuyết với thơ. Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, chính là tiếng súng đầu tiên phát nổ trên văn đàn, đánh dấu sự tồn tại và bành trướng của các cây viết có lối suy nghĩ mộng mơ.
Hồn bướm mơ tiên là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng viết năm 1933, và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Mặc dù chỉ là truyện ngắn vỏn vẹn chừng một trăm trang giấy, nhưng nó lại là tác phẩm tạo nên tiếng vang nổi nhất của Khái Hưng, được nhiều người say mê, hâm mộ.
Thông qua một cốt truyện giản dị, không khai thác sâu vào những quan hệ éo le, phức tạp của đời sống xã hội, nhưng Hồn bướm mơ tiên có thể chiếm trọn cảm tình của người đọc.
Nếu đối chiếu với tôn chỉ mục đích của Tự Lực văn đoàn và khuynh hướng chung của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn thì tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên lại đứng ở một vị trí độc lập nếu không nói là đối lập khi hướng về Đạo Phật rất rõ.
Tác phẩm Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng.
|
Chuyện bắt đầu trong một cảnh chùa chiền tĩnh lặng. Ngọc, một học sinh trong dịp nghỉ hè lên thăm người bác tu hành ở chùa Giáng Long và gặp Lan, một chú tiểu giả trai. Hữu cảnh sinh tình âu cũng là tất yếu, Ngọc nhanh chóng phải lòng Lan.
Cốt truyện tạo một sức hấp dẫn đến lạ với một câu hỏi được truy vấn liên hồi. Liệu Lan là con gái hay con trai? Đâu là thực? Đâu là hư ảo? Tại sao một cô gái xinh đẹp thế này phải nương thân nơi cửa Phật? Điều bí ẩn đó được Khải Hưng giấu kín, đánh lên một hồi chuông báo hiệu sự suy đồi của xã hội.
Khác với khuynh hướng tiểu thuyết hiện thực phê phán, Khái Hưng không đi sâu vào vấn đề này. Ông muốn tập trung miêu tả tình yêu của đôi nam thanh nữ tú trong chốn đền thương của tôn giáo.
Khái Hưng là một người mang tâm hồn nhạy cảm, lại ý thức được bối cảnh hiện tại bấy giờ nên Hồn bướm mơ tiên chịu ảnh hưởng nhiều bởi những sắc thái tôn giáo.
Khái Hưng đã lấy môi trường tôn giáo để biểu hiện tình yêu. Tác giả miêu tả sự đối lập giữa tình yêu tự do và khoái cảm hạnh phúc đời thường với sự gò bó và hà khắc giáo lý tôn giáo. Theo như quan điểm của nhà văn, hạnh phúc trong tôn giáo là những hẹn ước xa xôi của thiên đường ảo tưởng khiến mỗi cá nhân bị lệ thuộc, thụ động trước những rung động chân thành.
Cụ thể ở đây là chú tiểu Lan, một người đàn bà vì lý do đặc biệt mà phải cải nam để tu hành. Khi gặp Ngọc, tình cảm của hai người cứ tự nhiên mà sinh sôi như nam nữ bình thường. Nhưng giữa họ bị cản trở bởi một bức tường tôn giáo chắc chắn, khắc nghiệt không dễ dàng phá đổ.
Trong tình yêu sự quyện hòa tạo nên khoái cảm thân xác và hạnh phúc của đôi lứa thì tôn giáo xem sự hạn chế, khổ hạnh về mặt thể xác, tinh thần là phương thức thanh thản để giải phúc.
“Chú” Lan nói rất nhiều về đạo Phật, dưới con đường tu hành, nam hay nữ có khác gì nhau, cơm rau cũng đạm bạc, giản dị không cầu kì. Một kẻ như Lan hoàn toàn thuộc về thế giới của tôn giáo. Nàng là nàng như không phải là nàng khi “lòng trần tục chưa được rũ sạch”.
Sự có mặt của Ngọc đã đánh thức trong nàng cái gọi là tình yêu, gieo vào tim nàng những tiếng yêu êm ả. Một sắc màu của tình cảm được định hình trong màu vẽ ổn định dưới môi trường tu hành. Khái Hưng thật liều lĩnh khi dám đụng chạm một góc cạnh nhạy cảm như vậy.
Mặc dù là tác phẩm đầu tay, Hồn bướm mơ tiên cho thấy một bút pháp vững vàng của Khái Hưng. Đây là một tác phẩm cân đối và hoàn chỉnh, bố cục rõ ràng, hành văn lưu loát và sáng sủa. Ông không đi vào lối miêu tả dài dòng, lan man, chỉ sử dụng những cảnh sắc đình chùa, bối cảnh tự nhiên như một sự điểm xuyết.
Một thế giới xa lạ với chốn phồn hoa đô thị, ông viết: “Mấy nóc nhà rêu mốc chen lẫn trong đám cây rậm rạp, bốn góc, bốn gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um. Phía Tây, sau dãy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng lấp loáng qua các khe đám lá xanh đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn cùng màu đất, cùng cây, cùng cỏ. Khoảnh khắc mấy bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cái cảnh nhuộm đồng một màu tím thẫm.”
Về quan điểm triết học, Tự lực văn đoàn nói chung và Khái Hưng nói riêng đã nằm trong khoảng rơi của chủ nghĩa duy tâm siêu hình. Hồn bướm mơ tiên như một lời thú nhận bất lực của con người đứng trước tôn giáo và các thứ giáo điều của chủ nghĩa định mệnh.
Điểm sáng khác biệt trong Hồn bướm mơ tiên được người đời bấy giờ ngợi ca chính là cái tài xây dựng tâm lý nhân vật. Giống như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng cũng lấy trái tim là đối tượng duy nhất cho nghệ thuật của mình. “Chú” Lan bị hai mạnh lực giằng xé.
Đến với ái tình Lan như được sống đúng với bản thân nhưng sâu trong thâm tâm nàng lại thấy tội lỗi với Phật tổ. Không khỏi những lần nàng tự dối lòng mình đó là sự nhỏ nhen, ái kỷ, nhưng càng gạt đi tình yêu ấy càng lộ rõ, càng xâm chiến đến nàng.
Phật dạy: “Chiến thắng lớn nhất là chiến thắng bản thân”, trước những đợt sóng tình yêu cứ xô đẩy, nàng đã vượt qua được những giới hạn vô hình dù nó có trần tục và rất mông lung. Hồn bướm mơ tiên có ý nghĩa cách tân về thể loại tiểu thuyết. Tác giả đã biết hướng cuộc đời về một thế giới ảo tưởng của tôn giáo, của tình yêu lãng mạn. Khái Hưng đã biết tạo hiệu quả trong cuốn sách mở đầu trào lưu lãng mạn trong tiểu thuyết giai đoạn 1930 – 1945.