Victoria trốn tránh ánh mắt của tất cả mọi người. Cô lẳng lặng cúi mặt xuống đất rồi lại bâng quơ nhìn về phía chân trời qua ô kính cửa sổ.
Trên thực tế, Victoria là một trong 55 phụ nữ nhận sự đỡ hàng năm từ một chương trình của Tổ chức Di cư quốc tế và Bộ Lao động tại thủ đô Chisinau của Moldova.
“Một người bạn thuở nhỏ nói cô ấy làm việc trong một cửa hàng tại thành phố Dubai và có thể giúp tôi tìm một công việc tương tự. Cô ấy đưa cho tôi số điện thoại của một người đàn ông. Anh ta đã sắp xếp cho tôi tới Odessa, Ukraina. Từ Odessa, chúng tôi hướng về Kiev rồi lại từ Kiev tới Dubai", Victoria lặng lẽ kể về câu chuyện kinh khủng đã xảy ra với mình.
Cô gái cho biết, tại Dubai, cô đã gặp một người phụ nữ mang tên Oxana. Bà ta dẫn cô vào một căn hộ cùng với 6 cô gái khác cũng tới từ đông Âu.
"Sau đó, Oxana tuyên bố người ta đã bán chúng tôi. Họ lấy hộ chiếu và bắt tôi tiếp khách. Khi tôi từ chối, họ bỏ đói rồi đánh đập tôi. Họ phớt lờ những tiếng than khóc, cầu xin”, Victoria bần thần nhớ lại.
Khoảng 800.000 người là nạn nhân của nạn buôn người mỗi năm. Phần lớn họ là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Stela Brinzeanu |
Tại Moldova, buôn bán người là một vấn nạn lớn. Theo Cục Thống kê Moldova, vào năm 2008, khoảng 25.000 người Moldova là nạn nhân của bọn buôn người. Chúng đưa những người đàn ông tới các công trường và trang trại để làm việc, trong khi phần lớn phụ nữ phải tới các nhà chứa ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Cộng hòa Síp và những nơi khác.
Nạn nhân có thể là những đứa trẻ chỉ mới 12 tuổi. Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính khoảng 10% nạn nhân của nạn buôn bán người ở Moldova là trẻ em. Các nạn nhân cho biết nhiều người trong số những kẻ lừa họ là phụ nữ và lại chính là người họ quen biết.
Một số cô gái thậm chí còn không nghĩ họ là nạn nhân bởi trước đó chính những người thân trong gia đình từng lạm dụng họ. Họ đã coi bạo lực là vấn đề bình thường. Irina là một cô gái như vậy.
"Cũng như bao gia đình khác ở Moldova, gia đình tôi rất nghèo. Sau khi mẹ tôi mất vì bệnh ung thư, cha tôi phải vào tù vì tội cưỡng hiếp tôi. Từ đó, tôi phải ở một mình với cái thai trong bụng. Mẹ đỡ đầu ngỏ ý muốn giúp đỡ tôi bỏ cái thai và sắp xếp cho tôi tới Thổ Nhĩ Kỳ", Irina hồi tưởng.
Tại sân bay ở thành phố Istanbul, Irina gặp hai người đàn ông. Chúng đưa cô tới một căn hộ và sống cùng ba cô gái khác từ Moldova và Ukraina. Sau đó, chúng thông báo rằng cô phải tiếp khách.
"Tôi kể với họ tôi đang mang thai. Nhưng họ cưỡng hiếp tôi trong căn phòng bên cạnh ngay ngày hôm đó”, Irena tiếp tục nói.
Tại nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp cao, bạo lực gia đình phổ biến và nghiện rượu trầm trọng là những nguyên nhân chính khiến những cô gái như Irina dễ rơi vào tay bọn buôn người.
Hầu hết các nạn nhân phải chịu đựng sự tra tấn, đánh đập và lạm dụng trong hàng tháng, thậm chí hàng năm trước khi ai đó cứu họ. Ảnh: Stela Brinzeanu |
Mặc dù nhiều người cuối cùng cũng thoát khỏi những kẻ bắt cóc, quá khứ đau thương đã tác động mạnh tới tinh thần và tình cảm, khiến họ trở nên lầm lũi với cuộc sống giống như Victoria.
“Chúng nhốt tôi rất cẩn thận rồi thường xuyên bỏ đói, đánh đập tôi. Cuối cùng, tôi chấp nhận tiếp khách vì cảm thấy không có lối thoát. Chúng tôi phải mời khách trên đường phố và trong những hộp đêm mỗi ngày. Đôi khi chúng tôi phải phục vụ hơn chục khách", Victoria nói.
Những kẻ buôn người nói Victoria nợ chúng tiền rồi lấy toàn bộ tiền mà cô kiếm được. Ngay cả tên bảo vệ, kẻ đưa cô đi khắp mọi nơi bằng ô tô, cũng thường xuyên cưỡng hiếp cô bất cứ khi nào hắn muốn.
"Tôi phải che lấp những vết bầm tím và những vết xước bằng mỹ phẩm rẻ tiền", cô gái lặng lẽ nói.
Vận may đã đến với Victoria khi một người khách cho phép cô sử dụng điện thoại. Ngay lập tức, cô đã gọi điện cho một người quen ở Dubai. Người này đã liên lạc với một tổ chức từ thiện, thông báo hoàn cảnh của Victoria. Tổ chức từ thiện giúp cô trốn rồi về nước.
Tuy nhiên, những người khác, chẳng hạn như Irina, lại tìm cách thích ứng với hoàn cảnh.
“Tôi đã khóc và cầu xin chúng tha cho tôi. Nhưng chúng nói chúng đã phải trả một khoản tiền lớn để mua tôi về”, Irina kể.
Lũ bắt cóc đưa Irina tới khách sạn, nhà nghỉ để tiếp khách ngay cả trước và sau khi cô phá thai.
"Ban đầu tôi rất sợ hãi. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy cuộc sống ở đây có vẻ tốt hơn nhiều so với lúc ở nhà. Họ cho chúng tôi ăn no", cô nói.
Trong một cuộc đột kích của cảnh sát, Irina bị bắt. Tuy đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một năm trước đó, cô vẫn về nước trong tình trạng trắng tay.
Đối với Irina và Victoria, những việc họ trải qua tựa như một cơn ác mộng. Nhưng với tình hình nghèo đói và thất nghiệp tràn lan ở Moldova, cơn ác mộng của họ có thể sẽ tiếp tục tái diễn.
Các tổ chức từ thiện cho rằng việc cảnh báo cho các cô gái về những rủi ro khi ở nước ngoài không phải là giải pháp hiệu quả. Các quốc gia cần phải có những lựa chọn khả thi hơn - như mở rộng chương trình đào tạo kỹ năng, tạo cơ hội việc làm và đầu tiềm năng con người. Nếu các chính phủ không hành động quyết liệt, vấn nạn buôn bán người vẫn sẽ vẫn tiếp diễn. Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em của Moldola sẽ tiếp tục là những nạn nhân của bọn buôn người bởi sự thiếu hiểu biết.