Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phân bón hữu cơ góp phần nâng cao chuẩn chất lượng nông sản Việt

CEO Asanzo ra mắt thương hiệu phân bón hữu cơ Ba con bò, góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020 tổng sản lượng phân bón hữu cơ cả nước đạt trên 3,5 triệu tấn, chiếm khoảng 10% tổng công suất các nhà máy phân bón tại Việt Nam. Theo kế hoạch, mục tiêu trong năm nay, lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.

Chìa khoá để có nền nông nghiệp sạch

Khi đời sống kinh tế ngày càng cao, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong nước cũng tăng theo. Bên cạnh đó, nhu cầu về thực phẩm hữu cơ bùng nổ trên toàn cầu, đặc biệt là các nước phát triển. Theo Hiệp hội thương mại hữu cơ Mỹ (OTA), giai đoạn 2013-2018, doanh số thực phẩm hữu cơ tại nước này tăng gần 53%, lên gần 48 tỷ USD. Việc phát triển nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ mở ra cơ hội lớn cho nền nông nghiệp Việt.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng phân bón vô cơ, hoá học là 90%, theo thống kê của Bộ NN&PTNT. Thực tế này khiến nông sản Việt vướng rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm khi tiếp cận những thị trường khó tính. Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón vô cơ gây ô nhiễm môi trường canh tác cũng như môi trường sống.

ong Pham Van Tam anh 1

Việc phát triển nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ mở ra cơ hội lớn cho nền nông nghiệp Việt.

Nguyên nhân là trong quá trình canh tác, do không nắm rõ kỹ thuật và loại phân sử dụng, nông dân dùng phân bón có hàm lượng không phù hợp, khiến hiệu quả kinh tế giảm, dễ bị ngộ độc bởi sự tồn lưu phân trong đất, trong nước.

Để khắc phục tình trạng này, việc sử dụng cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ là cấp thiết. Phân bón hữu cơ giúp bảo đảm môi trường sống và nguồn nước sạch hơn; tạo môi trường tốt cho việc canh tác, cây trồng khỏe hơn để không phụ thuộc vào thuốc trừ sâu cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật khác; tăng giá trị nông sản, tiếp cận thị trường khó tính; nông dân có thể tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để tái sử dụng vào sản xuất phân bón hữu cơ.

“Lợi ích của phân bón hữu cơ là rõ ràng, Việt Nam cũng có không ít doanh nghiệp sản xuất loại phân bón này. Tuy nhiên, để người nông dân cũng hiểu, thay đổi thói quen canh tác đòi hỏi doanh nghiệp phải đồng hành, giúp họ tiếp cận sản phẩm và theo đuổi lợi ích lâu dài”, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Công ty cổ phần phân bón Ba con bò chia sẻ.

ong Pham Van Tam anh 2

Để chuyển đổi phương thức canh tác, nông dân cần doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ.

Không chỉ tăng sản lượng phân bón hữu cơ, các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần phối hợp để giúp nông dân hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ. Điều này giúp họ không chỉ quan tâm đến số lượng, lợi nhuận mà còn chú trọng chất lượng và giá trị nông sản, hướng phát triển bền vững.

Mới đây, công ty Ba con bò vừa có buổi tập huấn cho hơn 200 nông dân tại huyện Ba Vì về chủ đề kinh tế tuần hoàn, sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học, đảm bảo chất lượng khoai lang và các nông sản khác khi ra thị trường. Đây là một trong những hoạt động quan trọng mà công ty hướng đến, góp phần chuyển đổi thói quen canh tác của nông dân, nâng cao giá trị nông sản, hạn chế xuất khẩu thô và tiếp cận những thị trường khó tính.

Hiện nay, chuỗi trang trại bò với quy mô 25.000 con của T&T 159 Group được chăn nuôi tại khu chuồng trại khép kín, không nước thải nhờ hệ thống đệm sinh học. Công ty vừa ra mắt trang trại sinh thái và thương hiệu phân bón hữu cơ Ba con bò tại Hòa Bình vào tháng 3 vừa qua.

Phải đặt người nông dân ở trung tâm của hệ sinh thái

Đây là bài học quan trọng từ các nước phát triển. Tờ New York Times dẫn lại câu chuyện điển hình tại Mỹ vào những năm 1980. Lúc bấy giờ, nông dân Mỹ buộc phải từ bỏ việc canh tác các loại cây hữu cơ vì không nhận được sự hỗ trợ, dẫn đến thu nhập kém.

Tuy nhiên, đến nay, thị trường hữu cơ sôi động đến mức hàng loạt tên tuổi lớn tại Mỹ như General Mills, Kellogg và Ardent Mills đã vào cuộc, nhằm cải thiện nguồn cung, giúp nông dân chuyển đổi cây trồng. Việc canh tác hữu cơ buộc nông dân loại bỏ sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu thông thường. “Nhu cầu về loại thực phẩm hữu cơ này quá lớn, cầu vượt xa cung, đòi hỏi nông dân phải chuyển đổi đất, cách thức sản xuất. Đó là một quá trình lâu dài và tốn kém”, tờ NYT viết.

Do đó, để đón đầu xu hướng hữu cơ và thị trường hàng tỷ USD này, nông nghiệp Việt cần những doanh nghiệp tiên phong, đồng hành nông dân.

“Covid-19 cho chúng ta nhận thức rõ hơn sự cần thiết của phát triển bền vững, đặc biệt là lĩnh vực cốt lõi như nông nghiệp. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn, tạo ra hệ sinh thái khép kín mà ở đó lợi ích người nông dân được đảm bảo sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình này”, ông Phạm Văn Tam chia sẻ.

ong Pham Van Tam anh 3

Mô hình chăn nuôi tại khu chuồng trại khép kín không nước thải nhờ hệ thống đệm sinh học tỉnh Hòa Bình.

Công ty phân bón Ba con bò theo mô hình chăn nuôi tại khu chuồng trại khép kín không nước thải nhờ hệ thống đệm sinh học. Các trang trại này được bố trí với mật độ thưa, đảm bảo nguồn cung thức ăn là phế phẩm, rơm rạ trong quá trình trồng trọt của người nông dân quanh vùng. Theo đó, thay vì phải đốt bỏ các phế phẩm, nông dân có thể bán cho doanh nghiệp, được hỗ trợ cán ép, thu gom tại chỗ và có thêm thu nhập.

“Nông dân sẽ có tiền ngay khi bán nguyên liệu, giúp họ xoay vòng vốn, cảm thấy hứng thú, yên tâm với mô hình. Từ đó, các nông hộ có thể yên tâm canh tác, không chuyển đổi đất, góp phần phá vỡ vòng lẩn quẩn được mùa mất giá, mất mùa được giá, khiến cuộc sống bấp bênh”, ông Phạm Văn Tam chia sẻ.

Lợi thế của công ty là thừa hưởng nền tảng công nghệ cũng như mô hình kinh doanh từ Asanzo. “Nền tảng công nghệ giúp số hóa dây chuyền và phương thức sản xuất, hạn chế sự hiện diện của con người ở những khâu độc hại, vừa tăng năng suất vừa đảm bảo tính an toàn”, ông Tam giải thích.

ong Pham Van Tam anh 4

Kênh phân phối, tạo thói quen người dùng và phát triển sản phẩm gần gũi với nông dân là chiến lược giúp phân bón Ba con bò có được thị trường.

Ngoài ra, các yếu tố gồm: Kênh phân phối - hệ thống bán lẻ, xây dựng thói quen sử dụng, phát triển sản phẩm gần gũi với nông dân được đặc biệt chú trọng. Cách đặt tên sản phẩm là “Ba con bò” cũng nhằm giúp nông dân thấy gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ.

Theo đó, sản phẩm phân bón Ba con bò sẽ có mức giá rẻ hơn 60% so với phân vô cơ hay hóa học, thậm chí được công ty tặng miễn phí tại một số vùng để nông dân có thể tiếp cận, trải nghiệm và hiểu được lợi ích của cách thức sản xuất mới này.

ong Pham Van Tam anh 5

Nền tảng công nghệ, mô hình của Asanzo sẽ giúp thương hiệu Ba Con Bò tiếp cận nông dân dễ dàng hơn.

Ông Phạm Văn Tam cho rằng việc doanh nghiệp Việt am hiểu về con người, thói quen, tập quán canh tác, biết cách ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp góp phần đưa kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững hơn, tăng giá trị, cải thiện đời sống nông dân. Việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu của Asanzo, không chỉ tạo ra lợi nhuận lớn mà còn mang đến lợi ích cho cộng đồng.

Quá trình đầu tư vào nông nghiệp, thay đổi thói quen canh tác của nông dân và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững đòi hỏi sự kiên trì, đầu tư lâu dài và khó thấy ngay lợi nhuận. Phân bón Ba con bò vừa ra mắt, thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe để được lưu hành tại Việt Nam, như một cam kết lẫn tham vọng của ông Tam trong lĩnh vực mới.

Giải thích cho sự lấn sân này, ông Tam nói: “Đây là hành trình dài và khó nhưng tôi thích chọn việc khó để làm. Bao năm qua tôi sống nhờ nông dân với các sản phẩm điện tử vừa túi tiền, nay là lúc tôi tham gia giúp họ kiếm được tiền".

Trong tháng 4 vừa qua, sản phẩm phân bón Ba con bò chính thức nhận giấy phép lưu hành trên toàn quốc. Theo ông Tam, đây là thành công ban đầu của đội ngũ cán bộ kỹ sư trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ của doanh nghiệp. Giấy phép cũng là cơ sở để phân bón Ba con bò lưu hành rộng rãi tại nhiều địa phương cả nước. Hiện doanh nghiệp xây dựng các kênh phân phối rộng khắp, trong đó khu vực phía nam là thị trường như: Tây Ninh, An Giang, Bến Tre…

Vũ Đức - Giang Phan Ninh

Bạn có thể quan tâm