Bánh mứt ngày Tết với muôn vàn chủng loại, màu sắc rực rỡ, nguy cơ ngộ độc vì phẩm màu hóa học rất cao.
Lo thực phẩm chứa màu hóa học
Nhiều bạn đọc cho biết, dịp tết đến, phải mua sắm thực phẩm cho gia đình, họ cảm thấy rất lo lắng khi không phân biệt được đâu là thực phẩm dùng màu tự nhiên, đâu là màu hóa học.
Điểm chế biến mứt từ dừa phế thải của bà Dung nằm trên đường Trần Quốc Toản, quận 3, TP HCM. |
“Dịp tết dùng nhiều loại bánh mứt thì nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn vì phẩm màu tích tụ lại trong cơ thể. Bạn bè tôi từng bị tiêu chảy do ăn quá nhiều sản phẩm chứa phẩm màu, không được kiểm định về an toàn thực phẩm”, chị Ngọc Diễm (Lâm Đồng) nói.
Gia đình có trẻ em và người già nên chị Thiên Kim (Đồng Tháp) rất chú trọng việc lựa chọn thực phẩm cho ngày tết, đặc biệt là các loại bánh mứt.
Chị Kim cho biết: “Thị trường bánh mứt rất đa dạng, nhiều màu sắc. Nhà có con nhỏ và người già phải chọn kĩ để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng, chứa phẩm màu độc hại”.
Quay lại nếp xưa, tự tay làm bánh mứt
Lo ngại về chất lượng bánh mứt trên thị trường với nhiều loại phẩm màu độc hại, chị Thiên Kim cho biết: “Tôi tự tìm hiểu, học hỏi để tự tay mình làm ra những loại bánh mứt hợp với khẩu vị gia đình, giúp nhà tôi có cái tết đầm ấm, an toàn”.
Chia sẻ thêm, chị Kim bật mí, những loại mứt thông thường như chùm ruột, chị sẽ phơi nắng trước khi sên để có màu tự nhiên, tuy không bắt mắt bằng hàng ngoài chợ nhưng vẫn đẹp.
Phần bánh in, chị lấy màu trắng và màu xanh lá dứa. Mứt dừa thì dùng màu trắng, màu xanh lá dứa và màu hồng lá cẩm. Mứt chuối ngào gừng thì để màu tự nhiên. Tự nhận mình không khéo tay, dẫu vậy chị Kim cho biết người thân rất thích những loại mứt do chị làm vì không dùng phẩm màu hóa học.
Với chị Tuyết Sương thì mối quan tâm lớn nhất là nguồn gốc xuất xứ và màu sắc của thực phẩm. Bên cạnh đó, hương vị có hợp khẩu vị gia đình hay không cũng là điều quan trọng.
Chị Sương nói: “nếu phải mua thực phẩm có màu thì tôi chọn những loại trên bao bì có ghi rõ nguồn gốc. Nếu là thực phẩm sản xuất công nghiệp thì màu phải ít gây tác động xấu nhất đến sức khỏe chứ không phải là loại màu trôi nổi. Mứt mình tự làm là ngon và an toàn nhất”. Chị Sương cho biết, hằng năm chị đều làm các loại mứt dừa, chùm ruột, mứt gừng,…
Màu càng sặc sỡ, càng dễ "đi tong”
Bác sĩ (BS) Trần Ngọc Lưu Phương (chuyên khoa nội tiêu hóa - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM) cho biết khó có thể phân biệt bằng mắt thường đâu thực phẩm dùng màu tự nhiên đâu là dùng phẩm màu hóa học.
Người bán hàng ở một gian hàng mứt, đồ khô tại chợ Bến Thành luôn tay đóng gói bánh mứt, thịt khô cho khách Việt Kiều mang ra nước ngoài ăn tết. |
Tuy nhiên, BS Phương lưu ý, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng. Theo BS Phương, phẩm màu có hai loại: tự nhiên (chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá,….) và hóa học.
Màu tự nhiên thường không rực rỡ và cần sử dụng lượng lớn mới lên màu. Màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng rất rực rỡ. BS Phương cho biết, vì là chất tổng hợp nên thực phẩm chứa loại màu này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nếu sử dụng lượng lớn.
Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm tuy nhiên phải dùng theo mức độ quy định.
BS Phương cho rằng: “Thông thường, không ai dùng quá ngưỡng cho phép của màu tự nhiên vì nó quá đắt tiền nhưng thường vượt ngưỡng ở màu hóa học hoặc phẩm màu công nghiệp (loại màu tuyệt đối không được sử dụng cho thực phẩm)”.
Khi sử dụng nhiều những loại thực phẩm này, có thể gây ngộ độc cấp tính như nôn ói, suy gan, suy thận, tiểu ít thậm chí nghiêm trọng hơn là không có nước tiểu dẫn đến phù nề. Riêng các phẩm màu công nghiệp là tác nhân dẫn đến nguy cơ ung thư bàng quang, gan, phổi, ruột, thận, tuyến thượng thận,… Với trẻ em, năng lực trí tuệ, chỉ số IQ sẽ giảm đi.
Lưu ý về việc sử dung thực phẩm ngày tết, BS Phương cho rằng đừng ham sử dụng thực phẩm có màu sắc rực rỡ, nếu buộc phải chọn mua loại này thì nên mua ở những nơi có giấy chứng nhận rõ ràng.
BS Phương nhấn mạnh, ngộ độc cấp tính vì phẩm màu thường ít gặp do hiếm khi người sản xuất sử dụng ở mức độ nhiều nhưng nếu sử dụng lâu dài thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Khi có hiện tượng nôn ói nhiều, không nên dùng các loại thuốc chống nôn ói mà nên uống nhiều oresol để tránh mất nước, mất muối và đến ngay cơ cở y tế gần nhất nếu triệu chứng kéo dài quá 2 tiếng.
Dù đã chọn được những thực phẩm có uy tín, chất lượng, người tiêu dùng cũng cần lưu ý đến mức độ sử dụng, đặc biệt vì những loại bánh mứt có lượng đường lớn. Ngày tết, ai cũng mong đĩa bánh mứt, trái cây phải đẹp nhưng nếu sử dụng quá nhiều, chất độc tích tụ lâu ngày dễ dẫn đến những triệu chứng bệnh lý khó chữa.