Đời văn của một người, dù có là tài năng thì cũng không tránh khỏi những thăng trầm trồi sụt. Điều đó tưởng cũng chẳng có gì đáng để làm buồn. Trường hợp Phạm Duy Nghĩa là một ví dụ. Lẽ thường, trong sáng tác văn chương, người cầm bút phải khổ công kiếm tìm danh tính cho mình. Phạm Duy Nghĩa có nỗi khổ kép: phải tạo ra danh tiếng, để rồi phải vượt qua chính danh tiếng ấy.
Phạm Duy Nghĩa sáng tác không nhiều. Phải đến hơn 10 năm, Phạm Duy Nghĩa mới trở lại với Người bay trong gió xanh (NXB Hội Nhà văn liên kết Tao Đàn, 2022). Đây cũng là tác phẩm duy nhất đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2022. Người bay trong gió xanh gồm 12 truyện, ghi lại dấu ấn “giai đoạn Hà Nội” của anh. Một giai đoạn không ít lần nằm “chung cư ngoại thành” còn thảng thốt ngỡ mình đang bay trên một thảo nguyên đầy hoa cỏ và nắng gió.
Trong miền ký ức xa xôi…
Ấn tượng, gai ngạnh và kiêu hãnh trong khuôn hình cổ điển
Đọc Người bay trong gió xanh, có thể nhận ra sự chuyển dịch mạnh mẽ của Phạm Duy Nghĩa về mã truyện. Người bay trong gió xanh chạm sâu vào các vấn đề xã hội, văn hóa, tâm linh. Có thể nói, chính những suy tư về thời cuộc và luận đề thế sự đã giúp Phạm Duy Nghĩa trở lại và vượt qua chính mình, trong một chiều sâu mới.
Sài thục mở đầu tập truyện bằng một thế giới bưng bít, cô đơn. Một huyền thoại u sầu. Truyện có ba nhân vật chính, không rõ mặt. Một ông bố cục cằn, gia trưởng. Một bà mẹ nhẫn nhục. Một đứa con gái ngơ ngác, u hoài. Hành động trong truyện là những cú đấm, đá của người đàn ông bất nhẫn. Viền truyện đầy phân thải và máu huyết. Cộng hưởng với hình tượng bố (trật tự, đơn phiến, cố chấp, kẻ tạo ra và duy trì luật lệ), củ sài thục là một biểu tượng của luân lí, nam quyền.
Trong thung lũng hoang vắng, sài thục cũng là một ẩn dụ về bất hạnh khổ đau. Khi người mẹ chạy trốn, đứa con gái xót xa: “Ở trên núi buồn thê lương, và nhiều bất trắc nữa. Ai đó bảo rằng trên đó có tự do. Tự do là gì, cái đó có thật sự cần không, nếu con người ta vẫn có thể sống ở một nơi tù túng mà an toàn”. Sài thục cuối cùng cũng bị giải thiêng. Điều húy kị được xóa bỏ. Sau đổ vỡ đau đớn, một trật tự thế giới mới hình thành.
Sài thục còn choán ngợp bởi đồi hoang, giông gió, thảo nguyên, khe núi, đồng cỏ ngù gai, rất nhiều hoa mộc kinh và những tiếng lục lạc buồn. “Cũng mãi sau này” là sự điểm nhịp cho nỗi cô đơn truyền kiếp. Sài thục đánh dấu sự trở lại của Phạm Duy Nghĩa, ấn tượng, gai ngạnh và kiêu hãnh trong một khuôn hình cổ điển.
Người bay và Gió xanh có cùng mã truyện, song được triển hiện theo những cách thể khác nhau. Nếu Người bay là câu chuyện giả tưởng phản ánh cực thực hiện cảnh “chân trời không có người bay” thì Gió xanh lại là một truyện ngắn đậm tiếng cười. Trong Người bay, bị vây bủa bởi định kiến, hẹp hòi, ganh ghét, đố kị, khinh khi, giấc mơ cất cánh của cậu bé chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Nói khác đi, người ta chỉ có thể bay lên trong trời cao gió lộng, nơi không còn những sợi xích và trói buộc, nhưng đó chỉ là một giấc mơ.
Phạm Duy Nghĩa là nhà văn giỏi tạo tình huống. Bạn đọc hẳn còn nhớ hiện cảnh trớ trêu trong Cơn mưa hoa mận trắng mà Thuận và Kiên được đặt vào. Người bay trong gió xanh cũng vậy. Hầu như truyện nào trong đây cũng có một tình huống hấp dẫn gọi mời.
Nếu ở Người bay, một cậu bé đột nhiên biết bay thì trong Gió xanh, “đang yên đang lành”, thung lũng bỗng xuất hiện những cơn gió lạ. Cơn gió xanh mát lành, mộng mơ, làm đẹp cho đời. Có điều trớ trêu là, khởi nguồn từ gió xanh, “bệnh yêu đời”, “bệnh trong sáng” bộc phát trở thành những căn bệnh kinh niên, thậm chí nan y. Gió xanh, một mặt khác, cũng là ẩn ý về những hão huyền, phù phiếm, cái làm khô kiệt đời sống xác thân, thế tục và thế tất dẫn đến tiêu vong.
Thực tiễn cho thấy, đặc điểm tác phẩm tự sự phần lớn được quyết định bởi nhân dạng của người kể chuyện, chính xác hơn là bởi điểm nhìn của người kể chuyện. Đọc Phạm Duy Nghĩa, thường thấy xuất hiện kiểu nhân vật người kể chuyện là những cậu bé, cô bé ưa quan sát, pha chút mộng mơ.
Trong Con dê xanh trên núi tuyết, nếu con dê lông xanh là biểu tượng của cái đẹp thì cậu bé chăn dê tượng trưng cho khát khao thay đổi, khát khao về một cuộc đời đẹp đẽ hơn. Cự tuyệt lối sống bầy đàn, chấp nhận cô đơn, dê xanh, bù lại, được chết kiêu hãnh cho ước mộng tự do. Cậu bé chăn dê cuối cùng cũng nhận ra, thế giới thực khác xa với những viễn cảnh mà người ta nhào nặn ra cho cậu. Không phải ngẫu nhiên, cậu thường xuyên dự cảm về một ngày kia, “cơn bão sẽ đến”, cái cây đầy sâu sẽ đổ.
Phân tích truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, thấy hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn của anh thường hiện thể trong việc tự hình dung mình của chính nhà văn (tất nhiên, trong trường hợp gần gũi nhất, nó cũng không bao giờ là bản thân tác giả). Dễ nhận ra, có đến quá nửa số truyện trong tập có người kể chuyện hoặc điểm nhìn kể chuyện là nhà văn, nhà báo, trưởng ban nghệ thuật, cựu sinh viên đại học văn khoa, gã nghệ sĩ độc thân, nhà văn trên dưới bốn mươi, cơ quan văn hóa văn nghệ, miền núi, trường sư phạm, chung cư ngoại thành, độc thân...
Trong hiện dạng này, truyện thường mang tính tự trào, hoặc là sự ngoại hiện hóa những thương tổn nội tâm của chủ thể. Ở trường hợp thứ nhất, Bệnh tỉnh là câu chuyện thú vị pha chút trào tiếu của một gã trung niên muộn vợ. Điều bi hài là ở chỗ, gã luôn nhìn thấu hệ tiêu hóa của người nữ cùng những vận động đầu vào đầu ra của nó.
Bệnh tỉnh cũng đan xen những giễu nhại về vai trò, chức năng văn học và giải thiêng ảo tưởng văn chương (“chưa đầy ba mươi tuổi, văn học đã phá hỏng đời nàng”, “người có hộ khẩu thường trú trên mây”, những người làm thơ rẩm rít…). Tuy nhiên, trò chơi ngôn ngữ trong Bệnh tỉnh không khiến tác giả xao lãng những suy tư nhân thế. Thực tại chua chát ở đây là, nhân vật phải sống trong một xã hội mà ở đó mọi người càng nói dối nhiều càng hay, “mọi lời nói dối trơ trẽn đều được coi là thật theo một sự thỏa thuận ngầm”.
Khác với Bệnh tỉnh, Người hùng biết sợ là sự ngoại hiện hóa cái tôi người kể trong một câu chuyện chua xót về thân phận, về sự tha hóa đến đáng thương của con người. Người hùng cuối cùng cũng chẳng thể thoát khỏi cõi đời tục lụy. Điều đau khổ là anh ta cảm nhận được rất rõ sự tha hóa trong từng giây khắc sống của mình.
Sách Người bay trong gió xanh. Ảnh: P.T. |
Những vấn đề nhức nhối của đời sống
Cùng trong mạch truyện luận đề xã hội, Trong nắng huy hoàng đi sâu vào hiện cảnh bất công. Như một sự giễu nhại nhan đề, câu chuyện mở ra và khép lại bằng một ngày tàn. Nhân vật trung tâm, kẻ đấu tranh vì chính nghĩa luôn trong trạng thái bất lực, hư vô, ám ảnh bị đeo bám, và luôn dự cảm, hình dung về cái chết (đang đến rất gần) với mình. Ở đây, đô thị hóa đi liền với bần cùng hóa người dân, lưu manh hóa quan chức. Người có công với nước (như ông Thận) bị hắt hủi, xua đuổi, bị bỏ quên, “quanh năm lủi nhủi như con chồn con cáo”.
Truyện chạm vào những vấn đề nhức nhối của đời sống với tham quan lại nhũng và thói vô cảm, vô luân (“sông núi trong tay họ, muốn làm gì thì làm”). Điều trớ trêu là, trong hiện cảnh ấy, không phải con người, mà những hồn ma sẽ thực thi công lý. Kết truyện, một chân trời đỏ thẫm “ma quái” như đang báo hiệu những “cơn giông”.
Đọc Người bay trong gió xanh, có thể nhận ra một chuyển dịch mới trong thi pháp truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa: xu hướng viết truyện luận đề xã hội mang màu sắc tâm linh. Vấn đề ở đây không chỉ là thủ pháp thu hút độc giả, mà còn là những nghiền ngẫm của nhà văn về cõi thực và cõi khác. Con ma trong hội xô xe là sự đan dệt những câu chuyện tâm linh ma quái bí ẩn, hấp dẫn, mời gọi, đồng thời là những suy niệm sâu xa về ân oán, nghiệp quả báo ứng, tương khắc, tương sinh. Công lý ở đời trong đây, thêm một lần được giải quyết bởi người âm.
Đọc Chiếc áo second-hand, có thể nhận ra mô hình cấu trúc lắp ghép trong Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh. Tuy nhiên, đường biên truyện đã đi xa khỏi thực tại thuần túy, gắn với những suy niệm về luân hồi, chiêm mộng, quả báo, hồn ma. Trong một khung cảnh mà “đến cả ma cũng bị bịt mồm”, yếu tố kỳ ảo tâm linh khi ấy như một sự cứu rỗi con người khỏi thực tại. Câu chuyện phiêu lưu chiếc áo của Giotto cho thấy ở đời, mọi công danh tiền bạc, dẫu cần, song suy cho cùng cũng chỉ là phù du. Phép màu, điều tốt đẹp rồi cũng sẽ rời xa khi con người ta phai nhạt từ tâm, lương thiện, vướng vào vô độ sân si.
Trong các truyện mang màu sắc tâm linh, Khí lạ vừa u huyền vừa phảng phất sầu bi. Ngôi nhà hoa hồng kỳ bí. Những giấc mơ màu đỏ máu. Những hồn ma. Trong cái nhìn người kể chuyện, vạn vật hữu linh. Do đó, không chỉ có hồn ma người, vong nội, vong hài nhi, mà còn hồn ma của chó, rắn, đỉa, … khắp cõi nhân gian. Truyện đậm màu sắc ma mị. Nhân vật Lê Phong như một ẩn dụ về con rồng bị kìm chân, bị “khí lạ đè nén”, không sao cất đầu lên được.
Nếu Con ma trong hội xô xe, Chiếc áo second-hand, Khí lạ là những truyện ngắn mang bóng dáng tâm linh, kỳ ảo thì Thành phố biến mất lại là truyện ngắn đậm chất phi lý. Truyện chạm vào những vấn đề xã hội sâu xa. Tình huống truyện ở đây là nhân vật chính thức dậy khi mọi thứ xung quanh biến mất. Trạng thái “xóa đi làm lại” khiến các nhân vật phơi bày tận cùng bản chất của mình. Vấn đề đặt ra là cuộc sống sẽ đi đến đâu, hay lại dẫm lên vết xe đổ nếu nó được xây dựng thuần toàn bằng khiếm khuyết: “gầy”, “lùn”, “què”, “đầu đất” (cô gái có đuôi) và kẻ dẫn dắt độc tài.
Có thể nhận thấy, ở hiện tại, ít có cây bút văn xuôi nào miêu tả thiên nhiên đẹp, sinh động, hấp dẫn như Phạm Duy Nghĩa. Bước vào thế giới truyện Phạm Duy Nghĩa, là bước vào không gian lóng lánh của thiên nhiên. Người bay trong gió xanh trập trùng núi đồi, thảo nguyên, sơn cước khắc khoải, mộng mơ, phảng phất buồn. Cánh đồng cỏ ngù gai, bạt ngàn lau trắng, cây trắc bá xanh rờn, những rừng sồi, rừng thích, thung lũng hoang liêu, những dòng sông cạn.
Thiên nhiên trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa ngập tràn các loài hoa: hoa mộc kinh xanh lam, hoa dã xuân xanh biếc, hoa mạc thi long lanh như tuyết, hoa li la trắng muốt, “hoa sở ngào ngạt trắng”, “hoa mơ hoa táo nở trắng ngần”…
Có cảm giác, nhà văn như một họa sĩ, chớp rất nhanh những khoảnh khắc giao hòa màu sắc và ánh sáng của tự nhiên để đưa chúng vào thế giới của mình. “Hoa cải nở vàng sáng cả một dải đất ven sông, cái rét càng làm hoa sáng và lung linh hơn trong những buổi chiều đông ảm đạm”; “vào một buổi sáng mùa xuân trời đẹp, tại lối đi nhỏ bên bờ rào có những những cây mận nở đầy hoa”; “giữa màu xanh mướt của những dải đồi mênh mông, màu vàng tươi trong vắt của nắng, màu vàng rực của những cánh đồng hoa hướng dương nở rộ vào tháng bảy và màu vàng xuộm trù phú của những thảm lúa mì”; “một dải hồ xanh bạc mênh mông uốn quanh dãy đồi bạch đàn quanh năm không ngừng gió”…
Cùng thiên nhiên, truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa còn giàu chất thơ là bởi anh thường đưa các cụm từ chỉ thời gian, đặc biệt là thời gian mùa (phiếm chỉ năm) mang phong vị các câu chuyện cổ để khơi gợi vào cảm xúc: “mùa xuân sang, cây cổ thụ nảy nở hồi sinh”, “mùa xuân cây lá đỏ gọi về rất nhiều chim”; “mùa đông năm ấy vùng núi phía bắc trải qua một trận rét chưa từng có”, “Khi ấy là cuối mùa hè, những vệt nắng vàng ươm đang tắt và hoàng hôn xanh ngát dâng ngập núi đồi”…
Có thể nói, việc miêu tả điểm xuyết thiên nhiên và diễn giải cảm xúc khiến mạch truyện của Phạm Duy Nghĩa không bị nhấn chìm bởi sự kiện, tốc độ trần thuật được hãm chậm, văn bản truyện của anh, do thế luôn có sự căng, chùng, giàu nhịp điệu.
Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa còn hấp dẫn bởi không khí chuyện luôn lãng đãng khói sương. Nhà văn có xu hướng đẩy không gian, thời gian lùi ra xa để gợi vào luyến nhớ. Không phải ngẫu nhiên, truyện của anh thường xuất hiện cụm từ kiểu “ngày ấy”, “ngày đó”, miền núi phía Bắc những năm cuối thế kỷ trước, những năm tám mươi của thế kỷ trước, ban nhạc Boney M., bài hát Chủ nhật tươi hồng, đội chiếu bóng lưu động…
Mặc dù Người bay trong gió xanh đậm tính phúng dụ luận đề, không gian truyện đã mở sang tận cõi âm, song dường như đồi núi, chính xác hơn là thiên nhiên, con người đồi núi vẫn được nhà văn biệt đãi. Không phải ngẫu nhiên, Phạm Duy Nghĩa chọn Đi về vùng thảo nguyên để khép lại tập truyện của mình. Đi về vùng thảo nguyên là một giấc mơ đẹp đẽ, u sầu, gửi gắm niềm thương nỗi nhớ khôn khuây về người xưa chốn cũ. Có thể nhận ra, khi viết về miền núi, ngòi bút Phạm Duy Nghĩa luôn được thả lỏng, khoáng đạt, góc cạnh, phiêu lãng, mộng mơ.
Phạm Duy Nghĩa làm thơ, viết tiểu luận, nghiên cứu phê bình, song có lẽ truyện ngắn đã chọn anh để gửi bản mệnh người văn. Từ sau Cơn mưa hoa mận trắng, đặc biệt là với Người bay trong gió xanh, Phạm Duy Nghĩa đã trở lại đầy ấn tượng trong một nhân dạng mới: đẹp, sâu, hấp dẫn, ly kỳ.
Có thể khẳng định, với những tìm tòi bứt phá ở mạch truyện luận đề xã hội nhân sinh và tâm linh kỳ ảo, bằng lối viết gai góc, kỹ lưỡng, biến hóa tự nhiên, sát ván nhưng tinh tế, vừa chua chát đắng cay vừa lãng mạn u sầu, Phạm Duy Nghĩa tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu của mình trong bản đồ truyện ngắn Việt Nam đương đại. Có cảm giác, trong trùng điệp núi đồi truyện ngắn tiếng Việt hôm nay, đứng ở xa vẫn thấy Người bay trong gió xanh của Phạm Duy Nghĩa.