Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, kể lại câu chuyện bi hài về việc một người bạn đã mua phải thuốc nhuộm tóc rởm khi tin vào quảng cáo trên YouTube. Sau khi dùng sản phẩm, phẩm nhuộm liên tục theo mồ hôi chảy xuống quần áo.
“Là người có địa vị xã hội, có ngày anh ấy dở khóc dở mếu nói phải thay tới 3 cái áo. Trong túi phải có sẵn một chiếc sơ cua để thay khi có việc quan trọng”, ông Sơn kể lại.
Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có việc ngày càng nhiều người nổi tiếng tham gia, sẵn sàng quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng.
Nghệ sĩ quảng cáo trên mạng xã hội là phát sinh mới
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, việc quảng cáo sản phẩm hiện nay thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng mạng xã hội. Việc có người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm không phải là chuyện mới mẻ, mà đã phổ biến từ lâu. Tuy nhiên, việc người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội thì ngày càng phổ biến.
Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: SH. |
Ông cho rằng việc người nổi tiếng tham gia vào các quảng cáo sản phẩm đem lại hiệu quả cao về quảng bá. Tuy nhiên, vấn đề tuân thủ và thượng tôn pháp luật thì không phải người nổi tiếng nào cũng làm được.
Bằng chứng là gần đây đã xuất hiện một số người nổi tiếng quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, Bộ Y tế phải công khai và cảnh báo tới người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để xử lý người nổi tiếng tham gia vào những quảng cáo đó thì lại là vấn đề chưa có nhiều quy định cụ thể. Phân tích sâu hơn, ông Sơn nêu ra 4 chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo, để từ đó thấy được khó khăn trong quản lý quảng cáo và xử lý người nổi tiếng tham gia vào quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.
Chủ thể thứ nhất là đơn vị chủ sở hữu nhãn hàng, chi tiền ra để quảng cáo, hay nói cách khác là người có nhu cầu quảng cáo. Chủ thể này là người mong muốn quảng bá sản phẩm hàng hóa. Chủ thể thứ hai là các đơn vị thực hiện sản xuất sản phẩm quảng cáo, hay là các công ty quảng cáo. Các sản phẩm này có thể là video, ảnh, poster, đoạn ghi âm… Người nổi tiếng thường tham gia vào một phần của khâu này để sản xuất sản phẩm quảng cáo.
Chủ thể thứ ba là phương tiện truyền tải thông tin quảng cáo, ví dụ như truyền hình, radio, mạng xã hội, báo điện tử… Chủ thể này phải chịu trách nhiệm trong việc đưa các thông tin quảng cáo tới công chúng. Và chủ thể cuối cùng là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo.
Ông Sơn nói rằng nghệ sĩ, người nổi tiếng chỉ là một phần tham gia trong 4 chủ thể trên. Có người nổi tiếng trực tiếp sản xuất quảng cáo (như livestream, đăng tải bài viết trên trang cá nhân…), cũng có người được công ty quảng cáo mời để sản xuất sản phẩm quảng cáo… Do đó, đây là những phát sinh mới mà các quy định chưa có chế tài cụ thể.
Quy định rõ luật, chế tài thật nặng
Từ những phân tích trên, Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam chỉ ra một số bất cập trong hoạt động quảng cáo hiện nay.
Thứ nhất, ông Sơn nhấn mạnh Luật Quảng cáo có hiệu lực từ năm 2013 đã quá lâu, không phù hợp với thực tiễn hiện tại. Quốc hội đã lùi việc xem xét ban hành Luật Quảng cáo mới. Ông mong muốn trong thời gian tới, một trong những luật ưu tiên cần phải thông qua sớm là Luật Quảng cáo, vì nó liên quan đến mọi ngành nghề trong xã hội, liên quan đến cả bản quyền, đến hoạt động khác…
Nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư và dùng ngay trong video. |
Bất cập thứ hai được ông Sơn nêu ra là quảng cáo trên mạng xã hội hiện tại đang là lỗ hổng, cũng chưa có các chế tài một cách rõ ràng. Ông cho biết ở các loại hình quảng cáo như truyền hình, báo in, báo điện tử… các pháp nhân phải chịu trách nhiệm về nội dung, sự thật của quảng cáo với cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng với mạng xã hội, hiện tại chưa có quy định chủ thể nào phải chịu trách nhiệm.
Ông cũng đánh giá Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần ra các văn bản dưới luật để chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát… nhưng vẫn chưa đủ để quản lý vấn đề này. Do đó, vấn đề bức thiết là phải luật hóa các quy định, các chế tài xử lý cụ thể. Đặc biệt là các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cá nhân tham gia vào quảng cáo, trong đó có người nổi tiếng. Bởi người nổi tiếng dùng uy tín cá nhân quảng cáo như một thương hiệu nên đóng vai trò quan trọng, nghiêm trọng hơn việc người bình thường quảng cáo sai.
“Trách nhiệm hiện tại đang quy vào đơn vị kiểm duyệt và phát quảng cáo đó. Chứ người nổi tiếng tham gia vào quảng cáo thì lại không bị xử lý gì cả”, ông Sơn nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng khi quy định vào luật, các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ phải tự điều chỉnh hành vi, có trách nhiệm với hành động của mình. Người tham gia vào quảng cáo thấy rằng một khi đã nhận lời quảng cáo thì phải biết cách lựa chọn, có phù hợp với pháp luật không, cái gì mà luật pháp cấm thì không được làm. Song song với đó là phải có chế tài xử phạt.
“Phạt thật nặng một vài nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật để có tính răn đe, phải có chế tài cụ thể cho những hành vi đó. Người đứng ra quảng cáo sai cũng phải chịu trách nhiệm”, ông nói.
Tẩy chay người quảng cáo sai sự thật
Nói về trách nhiệm của những nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook gián tiếp tiếp tay lan truyền cho các quảng cáo sai sự thật, ông Sơn cho rằng cách giải quyết tốt nhất vẫn là phải có những quy định rõ ràng trong Luật Quảng cáo. Ông cho rằng đây là những nền tảng toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam gặp khó khăn trong việc giải quyết một số vấn đề đặt ra, mà còn nhiều nước trên thế giới.
“Một doanh nghiệp công nghệ xuyên quốc gia, nhưng ở trên lãnh thổ nước nào thì phải tuân thủ luật pháp nước đó. Muốn quản lý các vấn đề phát sinh trên mạng xã hội thì phải có hành lang pháp lý rõ ràng, không chung chung”, ông nêu quan điểm.
Một doanh nghiệp công nghệ xuyên quốc gia, nhưng ở trên lãnh thổ nước nào thì phải tuân thủ luật pháp nước đó
Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Nguyễn Trường Sơn
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh trong luật phải củng cố khái niệm một cách rạch ròi, đặc biệt là nói đến những phát sinh mới như người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội, người nổi tiếng quảng cáo trên trang cá nhân… Điều này không chỉ góp phần minh bạch hoạt động quảng cáo, mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trường Sơn cũng cho rằng cần tăng cường tuyên truyền để cộng đồng thấy được những quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội để tẩy chay sản phẩm được quảng cáo, và chính những người tham gia vào quảng cáo đó. Các truyên truyền hiệu quả là dùng chính mạng xã hội để lan truyền những tẩy chay đó.