Bé thứ nhất là Nuha Zahra Mohamad Adil, gia đình ở Abu Dhabi, thủ đô của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Cuốn sách của bé kể về tác động của dịch Covid-19 đối với môi trường, tựa là "The Cure" (tạm dịch: Liều thuốc chữa).
Bé sau là RaeAnne Tse, minh họa cuốn sách thiếu nhi do mẹ em viết về niềm vui khi ở nhà trong thời gian “circuit breaker” (nghĩa đen là ngắt mạch: Biện pháp khắt khe hơn về giãn cách xã hội ở Singapore). Sách có tựa là "I Wonder" (tạm dịch: Tôi tự hỏi).
Mong muốn giúp đỡ những công nhân kém may mắn
Bé Nuha đã học tại nhà từ tháng 11 năm trước. Cuốn sách ra đời khi các lớp ngoại khóa của em như bơi lội bị hủy bỏ từ tháng 3 vì lệnh cách ly do dịch.
Bé Nuha Zahra Mohamad Adil, 10 tuổi, tự viết sách đầu tay vì các lớp ngoại khóa bị hủy bỏ do dịch Covid-19. Ảnh: Dianah Suhaimi |
Mẹ em, cô Nur Dianah Suhaimi, 38 tuổi, là nội trợ và cựu nhà báo. Cô gợi ý Nuha hãy tận dụng thời gian này cho ước mơ viết sách của mình. Để hỗ trợ em, cô giúp viết lại câu chuyện trong khi Nuha đọc chính tả.
Sau đó, bản nháp đầu tiên của The Cure hoàn thành chưa đầy một ngày trong tháng 3.
Câu chuyện kể về sự tham lam của con người dẫn đến môi trường bị hủy hoại; và khi mọi người phải tự cách ly ở nhà do đại dịch, thiên nhiên bắt đầu phát triển mạnh mẽ trở lại.
Nhận thấy tiềm năng biến câu chuyện thành sách, cô Dianah đưa nó cho Hidayah Amin - một người họ hàng xa - là chủ sở hữu Helang Books, nhà xuất bản độc lập ở Singapore.
Cô rất ngạc nhiên khi bà Hidayah đồng ý. Sau đó, cuốn sách được chuyển đến ông Jafri Janif, một nghệ sĩ phức hợp phương tiện truyền thông. Ông đồng ý minh họa cuốn sách miễn phí.
Bà Hidaya còn đề nghị quyên góp tiền bán sách, 12USD một ấn phẩm, cho các tổ chức từ thiện người lao động nhập cư ở Singapore. Cô và bé Nuha sẵn sàng đồng ý.
Trước đây, cô Nur Dianah từng tận mắt thấy những điều kiện tồi tệ trong ký túc xá công nhân nước ngoài.
“Hãy nghĩ đến việc họ phải sống trong điều kiện như thế, và đồng thời chống chọi với Covid-19. Điều đó thật không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi nghĩ đây là nơi phù hợp nhất để giúp đỡ vào lúc này”, cô nói,
Đối với bé Nuha, niềm vui lớn nhất đơn giản là việc mọi người sẽ đọc một bản sao thật sự của cuốn sách đầu tay do em chấp bút..
“Cháu cảm thấy phấn khích và có chút ngạc nhiên vì những câu chuyện của cháu không thường được xuất bản. Hầu như cháu chỉ viết chúng vào vở và đọc lại khi cảm thấy không muốn đọc sách khác thôi”, bé chia sẻ.
The Cure sẽ được in vào 8/6 và lên kệ ở Wardah Books và Ungu Pen.
Tìm thấy “cơ hội hiếm” trong hoàn cảnh bất trắc
Trong khi đó, bé RaeAnna Tse, học sinh tiểu học 4 trường Methodist Girls, minh họa cuốn sách thiếu nhi do mẹ em sáng tác, cô Lynn Wong.
Bé RaeAnne Tse, 10 tuổi, vẽ tranh minh họa cho câu chuyện mẹ em sáng tác, về những niềm vui tìm được trong thời gian cách ly. Ảnh: Lynn Wong |
Cha bé, ông Eugene Tse, là giám đốc tài chính doanh nghiệp tại công ty kế toán Ernst & Young. Ông cho biết ý tưởng cho I Wonder lấy cảm hứng từ phản ứng tích cực đối với việc mở rộng lệnh “circuit breaker” của RaeAnne.
Cha mẹ thất vọng vì lệnh cách ly kéo dài đến 2/6, bé RaeAnne thì không như thế, ông thông tin.
“RaeAnne cho biết khá thích việc cách ly vì gia đình chúng tôi có thời gian làm nhiều việc vui vẻ hơn, như nấu ăn hoặc chơi cùng nhau. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội hiếm. Bạn có bao giờ mắc kẹt trong nhà suốt 2 tháng chưa?”, ông Tse nói.
Lấy cảm hứng từ góc nhìn tích cực của con, cô Wong thu thập những quan điểm về niềm vui mà cách ly mang đến cho trẻ em. Từ đó kết hợp chúng thành một câu chuyện. Sau đó, cô yêu cầu RaeAnne, vốn thích phác họa và vẽ nguệch ngoạc, tạo ra các hình ảnh minh họa.
Trong vài ngày cuối tuần tháng 5, RaeAnne phác thảo những bức tranh minh họa với chút giúp đỡ từ cha. Bao gồm những hình ảnh như xe đẩy siêu thị chất đầy thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Hôm 28/5, bản I Wonder hoàn thiện ra mắt trên trang web sách điện tử Smashwords. Cuốn sách, miễn phí tải về, được đề tặng cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Hiện sách nhận hơn 1.131 lượt tải.
Khi được hỏi về cảm nghĩ, bé RaeAnne chia sẻ: “Cháu đã không mong đợi việc này. Cha mẹ cháu chỉ muốn làm gì đó để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Cháu thậm chí không chắc về việc có thể làm một cuốn sách”.