Ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam): Tôi đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Thăng
Chính tôi là người đầu tiên kêu gọi công khai trên truyền hình là hành khách nên tẩy chay các doanh nghiệp (DN) vận tải không chịu giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm nhiều lần.
Còn Bộ trưởng Ðinh La Thăng phát biểu thế nào tôi không nghe được nguyên văn vì chỉ biết trên báo chí. Nhưng bản thân tôi thì tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Thăng.
Trong xu thế giá nhiên liệu giảm như hiện nay thì các DN cần phải giảm giá cước. Hiệp hội cũng khuyến khích việc này. Nếu không giảm thì DN cũng không chịu được áp lực xã hội. Vấn đề là mức giảm phù hợp với yếu tố đầu vào và chất lượng dịch vụ mà DN đó cung ứng cho hành khách.
Bộ trưởng Đinh La Thăng (giữa) đi kiểm tra công tác bán vé xe tết tại bến xe Miền Đông, TP HCM. |
Thông thường các DN “ngó” nhau khi giảm giá cước. Vì không giảm cước, hành khách tẩy chay cũng chết. Nhưng cũng có ý kiến nói trong chừng mực nào đó có sự liên kết lợi ích nhóm của những DN không giảm giá.
Bây giờ các đoàn của Bộ Tài chính, Bộ GTVT đi kiểm tra giá cước cần phải công khai minh bạch thông tin cả DN giảm lẫn không giảm.
Với DN giảm giá thì nói rõ giảm mức đó có đúng hay không. Không phải DN giảm giá 2% là không đúng, DN giảm 10% là đúng. Bởi vì phải căn cứ yếu tố đầu vào và chất lượng dịch vụ của DN.
Với các DN chây ỳ không giảm giá cước cũng cần công khai danh tính. Nếu không công khai được trên toàn quốc vì nhiều quá thì công khai trên các phương tiện đại chúng ở địa phương và niêm yết tại bến xe cho hành khách biết. Khi công khai như thế hành khách sẽ lựa chọn DN giảm giá và tẩy chay DN “móc túi” hành khách.
Ông Lâm Văn Phấn (Chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách liên tỉnh và du lịch Việt Thắng): Thể hiện trách nhiệm của Bộ trưởng
Hợp tác xã chúng tôi có 22 tuyến xe đò từ bến xe Miền Tây (TP HCM) về các tỉnh miền Tây, đến nay có ba đợt giảm giá cước ở tất cả 22 tuyến xe. Trong đó tuyến có mức giảm giá vé thấp nhất là 18%, tuyến có mức giảm giá vé nhiều nhất là 31%.
Chúng tôi còn quyết định giảm giá vé bốn tuyến xe buýt không trợ giá với mức giảm 16-20%. Như vậy, chúng tôi đã giảm giá vé đúng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Nếu xăng dầu còn giảm, chúng tôi tiếp tục giảm giá nữa.
Bộ trưởng Bộ GTVT nói đúng khi yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra các DN chưa giảm giá cước theo giá xăng dầu giảm. Tôi nghĩ là bộ trưởng đưa ra khuyến cáo người dân cần tẩy chay các DN không giảm giá vé là thể hiện vai trò về quản lý nhà nước.
Vấn đề còn lại là từ khuyến cáo của bộ trưởng Bộ GTVT, người tiêu dùng sẽ quyết định tẩy chay hay không tẩy chay DN chưa giảm giá cước.
Ông Tạ Long Hỷ (giám đốc điều hành Công ty taxi Vinasun): Cần xử lý doanh nghiệp chưa giảm giá
Thời gian qua Vinasun đã ba lần giảm giá cước với mức giảm 1.500 đồng/km, chúng tôi không thể giảm hơn được nữa. Ở các dịch vụ vận tải khác, khi hành khách lên xe nghĩa là có “sản phẩm”. Ðằng này nhiều khi taxi chạy xe vòng vòng cả buổi hoặc cả ngày mà không có khách nhưng vẫn phải tốn nhiên liệu.
Hiệu suất hoạt động kinh doanh taxi không thể đoán trước được. Ở lĩnh vực vận tải hành khách khác, họ điều chỉnh tăng, giảm giá cước nhanh chóng như trở bàn tay.
Trong khi đó, các hãng taxi muốn điều chỉnh giảm giá cước phải cho xe ngừng hoạt động kinh doanh, tốn nhiều chi phí để đưa xe đi kiểm định lại đồng hồ tính cước.
Vinasun có hơn 5.000 taxi, trong ba đợt giảm giá cước Vinasun tốn 1,8 tỷ đồng tiền kiểm định, tiền thay đổi các biểu giá cước dán trên xe...
Ông Nguyễn Văn Khải (Phó chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách Trung Nam): Giảm giá để chia sẻ với xã hội
Sau khi giá xăng dầu giảm, chúng tôi đã giảm giá cước toàn bộ hơn 20 tuyến xe đò từ bến xe Miền Ðông (TP HCM) đi các tỉnh miền Ðông, miền Trung, miền Bắc.
Thực tế những năm qua, khi giá xăng dầu tăng, nhiều tuyến xe của hợp tác xã không tăng giá cước để cạnh tranh với các hãng xe đò khác. Nhưng giá xăng dầu giảm thì chúng tôi đã giảm từ 15-20%, nghĩa là giảm giá cước rất nhiều.
Tôi có đọc báo thấy nói bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu: “Ðiểm mặt chỉ tên hết tất cả DN chưa chịu giảm giá cước. Nói với người dân hãng xe này “móc túi” dân”. Theo tôi, xăng dầu giảm, các DN cần giảm giá vé nhằm chia sẻ với xã hội. Nhưng tôi thấy có DN giá vé cao nhưng họ có chất lượng phục vụ tốt, hành khách vẫn thích đi loại xe đó, chứ không hẳn cứ giá cước thấp là người ta thích đi xe.
Ông Mai Văn Tú (giám đốc Công ty TNHH Phương Lâm): Không giảm giá, khách sẽ tẩy chay ngay
Một tháng qua, công ty chúng tôi hai lần hạ giá vé từ 120.000 đồng/vé xuống 110.000 đồng/vé và hiện nay đang là 100.000 đồng/vé.
Nếu giá nhiên liệu còn giảm, có thể sau tết giá vé chặng TP HCM - Vũng Tàu sẽ còn giảm xuống 80.000-90.000 đồng/vé, thậm chí giá xăng lên cũng không thể lên ngay lập tức được.
Ngay khi đọc tin giá xăng giảm, hành khách đi xe đặt vấn đề khi nào giá vé xe sẽ giảm theo, nếu không giảm họ sẽ chọn hãng khác có giá thành hợp lý hơn.
Người tiêu dùng bây giờ phản ứng nhanh lắm, không lắng nghe, quan tâm đến họ là sẽ mất khách. Thị trường vận chuyển hành khách hiện rất cạnh tranh, các hãng vận chuyển phải chủ động nghiên cứu phương thức giảm giá cho hợp lý, nếu không hành khách sẽ tẩy chay mình ngay.
Giờ đã có nhiều thông tin, sẽ rất khó trả lời khách vì sao không giảm giá vé trong khi giá nhiên liệu giảm liên tục.
Ông Ðỗ Phước Thới (Phó tổng giám đốc Công ty Comfort Savico taxi): Khách hàng quyết định
Chúng tôi đang làm thủ tục kiểm định điều chỉnh đồng hồ tính cước với xe bốn chỗ giảm 500 đồng/km, xe bảy chỗ giảm 800 đồng/km và áp dụng kể từ ngày 6-2. Với giá xăng hiện nay, giá cước giảm sát đáy rồi, không thể giảm hơn nữa.
Trong thời gian qua, xăng dầu có xuống nhưng nhiều loại phí lại tăng như phí bến bãi, tiền lương tối thiểu tăng, giá vật tư phụ tùng liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước.
Tôi không dám bình luận lời của bộ trưởng Bộ GTVT về các biện pháp xử lý DN chưa chịu giảm giá cước. Nhưng giá xăng dầu giảm thì các DN phải tính toán giảm giá cước cho phù hợp. Vấn đề là thị trường quyết định như dù có xe tốt, giá cước rẻ, dịch vụ không tốt thì người ta không đi.
Ngược lại xe có giá cước cao mà dịch vụ tốt người ta vẫn chấp nhận. Theo tôi, thị trường quyết định cạnh tranh, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương tiện đi lại.
Ông Trần Thanh Tân (tổng giám đốc Công ty cổ phần Én Việt): Khó giảm giá khi đối tác không giảm
Tôi nghĩ hoàn toàn có thể giảm thêm giá cước vận tải hành khách, hàng hóa khi giá xăng dầu đã liên tục giảm trong thời gian qua. Chúng tôi tính toán giá dịch vụ xe vận tải du lịch có thể giảm thêm nên chủ động giảm 5% so với giá thị trường.
Tuy nhiên khi đề nghị các đối tác cùng khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa giảm giá thì gần như chẳng có phản hồi tích cực nào.
Thực tế trên thị trường rất khó tìm được đối tác vận chuyển nào chủ động giảm giá nên giá cước vận chuyển hàng hóa của công ty gần như không thể giảm thêm.
Chúng tôi cũng muốn tìm kiếm nguồn cung ứng dịch vụ vận chuyển có giá thành giảm nhưng không có ai giảm giá thêm.
Hiện mỗi ngày công ty vận chuyển ít nhất 500kg hàng hóa theo đường hàng không, thế nhưng giá cước hàng không nội địa từ trước đến giờ vẫn giữ 15.000 đồng/kg trong khi giá xăng máy bay cũng giảm.
Ông Hoàng Thọ Xuân (nguyên thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước): Đáng ra hiệp hội phải làm
Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu khả năng tẩy chay hãng xe không chịu giảm giá cước, theo tôi là việc bình thường.
Với tư cách một người tiêu dùng, ai cũng có quyền bày tỏ thái độ của mình với giá cả, chất lượng dịch vụ, cũng giống như trước những vấn đề như hàng giả, hàng nhái...
Tẩy chay cũng là một giải pháp thị trường. Tuy nhiên, đáng ra cái này hiệp hội phải làm. Các nước cũng có nơi có vấn đề tương tự, khi có những doanh nghiệp cố tình không theo luật chơi chung, thì bên cạnh các biện pháp hành chính, pháp lý, đôi khi cũng phải vận dụng sức ép từ các phong trào, thậm chí là biểu tình, tẩy chay.
Riêng cơ quan chức năng thì không nên đưa ra văn bản yêu cầu tẩy chay một đối tượng nào đó, nhưng việc tạo những áp lực là cần thiết.
Dù chúng ta để thị trường vận hành, nhưng rõ ràng trong một số tình huống, có những đối tượng cố tình tạo rào cản giảm giá, ít quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng, coi cơ hội giảm giá là “trời cho”, cứ hưởng lợi nhuận siêu ngạch mà không quan tâm đến lợi ích số đông.
Khi xảy ra sự việc, chúng ta mới thấy rất quan trọng nếu tạo được một lực lượng gương mẫu trong một ngành nào đó. Như ngành vận tải, nếu bình thường ta tạo được một nhóm doanh nghiệp uy tín, làm ăn sòng phẳng, đàng hoàng, sẵn sàng chia sẻ lợi ích với cộng đồng thì khi “hữu sự”, những doanh nghiệp này sẽ tạo được tiếng nói quan trọng, tác động đến các nhóm khác.
Trong ngành vận tải, việc tính toán chi phí khá phức tạp, không đồng nhất. Chi phí phụ thuộc vào đầu tư, khấu hao, cung đường, tỷ lệ lỗ lãi... và mỗi đối tượng lại có đặc thù riêng. Nên khó có thể áp một giá chung cho tất cả.
Dù vậy cũng cần yêu cầu công khai cách tính giá, tạo sự minh bạch cho người tiêu dùng.