Bộ trưởng Thông tin cho biết sắp tới, khi cơ quan điều tra yêu cầu, nhà mạng nước ngoài phải cung cấp danh tính của chủ tài khoản. Điều này sẽ chặn người có ý định tung tin giả.
Tại phiên chất vấn sáng 8/11, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nam) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về hiện tượng chống phá, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Ông đề nghị Bộ trưởng Hùng trả lời, làm rõ những yếu kém, khó khăn của bộ trong giải quyết vấn đề này và yêu cầu làm rõ trách nhiệm Bộ trưởng và các biện pháp xử lý, giải quyết.
|
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trước Quốc hội. Ảnh: Hải Quân. |
Phát hiện 46 website mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho hay bộ vừa rồi đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhận định các trang này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đầu độc thông tin người dân.
“Đến ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi lấy niềm tin của người đọc, đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp”, ông Hùng nhận định.
Vừa qua, bộ đã phối hợp, có lực lượng để giải quyết vấn đề này. Trong 2 tháng vừa qua, bộ đã làm rất mạnh tay và gỡ, hạ 207 website. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn.
“Trong đó có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ TTTT sắp tới sẽ làm việc với các đồng chí lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này”, ông cho hay.
Cũng về vấn đề quản lý an ninh, an toàn trên mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi về bộ lọc để phát hiện tin xấu, độc trên không gian mạng. Bộ trưởng Hùng cho biết hiện nay có 2 bộ lọc đang được sử dụng.
"Bộ lọc đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp từ chối hợp tác xuất phát từ chỗ họ đến từ một nền văn hoá khác, thể chế khác. Cái đấy không đúng, nhập gia tuỳ tục. Hiện nay chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ", ông Hùng nhấn mạnh.
Các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus đều được yêu cầu phải có công cụ này, tức là tự động nhận dạng những thông tin xấu độc và tự chọn lọc. Ngoài ra, bộ cũng triển khai 2 cơ chế gỡ. Một là yêu cầu trực tiếp với nhà mạng thì nhà mạng sẽ gỡ và yêu cầu thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông.
"Tôi nghĩ đây là câu chuyện chung tay, công cụ có rồi, luật pháp cơ bản là có rồi. Bây giờ là hành động. Nhưng hiện nay thì đúng là các bộ, ngành, địa phương cũng phải đầu tư nguồn lực", ông nêu quan điểm.
Phải cung cấp thông tin tài khoản khi cơ quan điều tra yêu cầu
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về hành vi phát tán hình ảnh phản cảm, đăng bài viết không đúng sự thật lên mạng, Bộ trưởng Thông tin cho rằng phát hiện cá nhân nào thì phải báo ngay đến cơ quan chức năng để có hình thức xử lý.
“Gốc của nó vẫn là người tung tin, ví dụ như quảng cáo thiếu trách nhiệm xã hội, làm ăn không tử tế. Các nước thì người ta dồn hết trách nhiệm vào cơ quan sản xuất hàng hóa, chứ họ không đẩy trách nhiệm cho người đăng quảng cáo”, ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả đơn vị đăng quảng cáo và đơn vị sản xuất đều phải có trách nhiệm. Ông cho biết sắp tới, bộ sẽ hoàn thiện các quy định xử lý những người đưa tin sai. Hiện, các hành lang pháp lý cũng đã đầy đủ để xử lý. Ông nhận định khó khăn vì một số mạng xã hội nước ngoài khi được yêu cầu làm rõ ai là người sử dụng tên tài khoản thì họ không nắm được.
“Sắp tới, Luật An ninh mạng yêu cầu rất nghiêm ngặt việc này. Khi cơ quan điều tra yêu cầu, thì nhà mạng phải cung cấp danh tính của chủ tài khoản. Những người có ý định tung thông tin giả sẽ phải ngừng tay”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sắp tới, khi cơ quan điều tra yêu cầu, nhà mạng nước ngoài phải cung cấp danh tính của chủ tài khoản. Điều này sẽ ngăn chặn người có ý định tung tin giả.
Ông khẳng định từ giờ không có chuyện muốn nói gì thì nói trên mạng, không biết họ là ai, không tìm ra người tung tin thất thiệt.
“Không gian mạng ai cũng đeo mặt nạ hết, nhưng khi cần là chúng ta vẫn phát hiện được họ là ai”, tư lệnh ngành Thông tin nói.