Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Facebook, Google chưa lưu trữ dữ liệu theo Luật An ninh mạng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Facebook và Google chưa thực hiện lưu trữ dữ liệu. Sắp tới, nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng mới ban hành.

  • Sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn. Trước Bộ trưởng Hùng là các tư lệnh ngành Nông nghiệp, Công Thương và Nội vụ.
  • Nội dung trả lời chất vấn xoay quanh các nhóm vấn đề về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Bên cạnh đó là công tác quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Chính phủ điện tử.
  • Giải trình cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

  • 43 đại biểu chất vấn, 12 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Thông tin

    Kết luận phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, trách nhiệm và có tính xây dựng. Chủ tịch Quốc hội dành lời khen cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mặc dù mới nhận nhiệm vụ, nhưng bộ trưởng đã có kinh nghiệm thực tiễn, nắm chắc tình hình, các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực thông tin truyền thông.

    “Phần trả lời của bộ trưởng ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn và nhận trách nhiệm và có các giải pháp cho tương lai tương đối cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét. Bà cho rằng các vấn đề về thông tin, truyền thông là các vấn đề thời sự, được đông đảo người dân quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, một số nội dung đã được nêu trong Nghị quyết thuộc kỳ họp thứ IV, nhưng trong triển khai thực hiện chưa đáp ứng so với yêu cầu. Bà đề nghị Chính phủ, lãnh đạo Bộ TTTT, các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả, khắc phục các tồn tại hạn chế của lĩnh vực để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong thời gian tới.

    Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng TTTT, đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi, 12 đại biểu tranh luận và còn 30 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian tại hội trường xin gửi câu hỏi để bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

  • Bộ trưởng Công an: Không quốc gia nào có đủ lực đối phó với vấn đề an ninh mạng

    Báo cáo về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhắc đến vấn đề an ninh mạng. Ông nói, đây là một vấn đề toàn cầu toàn thế giới và tất các quốc gia đều quan tâm. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng không có một quốc gia nào có đủ lực để đối phó với vấn đề an ninh mạng, vì thế phải có liên minh, liên kết với nhau để xử lý vấn đề này.

    Với Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, thậm chí như có người nói, ta đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh mạng thực sự. Ông khẳng định chúng ta đã ban hành nhiều quy định để giữ gìn an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.

    Về vấn đề tội phạm mạng, đại tướng Tô Lâm thừa nhận có khó khăn khi đây là loại tội phạm ẩn danh, hoạt động trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội. Tội phạm mạng, theo Bộ trưởng Tô Lâm, không chỉ là khủng bố, tuyên truyền, chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, tạo ra khủng hoảng, thậm chí còn can thiệp bầu cử như một số nước trên thế giới. 

    Ông chia sẻ đang rất quan tâm đến vấn đề thương mại điện tử vì từ nguồn gốc xuất xứ hàng thật, hàng giả, buôn lậu hay trốn thuế đều có thể diễn ra trên không gian mạng với hình thức thương mại điện tử. Vấn đề tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ được Bộ trưởng Công an nhắc đến và cho rằng đã vượt lên trên sự quản lý của ngân hàng, vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia của nhiều quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cũng đề cập đến tội phạm về cờ bạc, xâm hại trẻ em. Ông cho biết Bộ Công an đang triển khai các công tác để đảm bảo an ninh, an toàn. 

    Về vấn đề dữ liệu dân cư quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm nói trước đây khó khăn về nguồn vốn nhưng nay đã giải quyết được một bước, và mọi việc đang tiến hành tốt. Ông nhấn mạnh việc kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở địa phương và người dân. Bên cạnh đó, phải quan tâm bảo vệ bí mật quốc gia bởi đây là tài nguyên quốc gia, liên quan đến chủ quyền. 

    Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng Công an nhắc tới. Ông nêu thực tế nhiều tổ chức, nhiều cơ quan hoặc cá nhân đã tạo ra những phương thức để thu thập những thông tin dữ liệu cá nhân này. “Ngoài việc có thông tin về dữ liệu quốc gia, ta phải có cách quản lý dữ liệu”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh và khẳng định đây là vấn đề quốc tế, đã nhiều lần được Việt Nam trao đổi với các nhà quản lý, hoạch định chính sách nước ngoài. Bộ trưởng Công an dẫn chứng ở một số nước, nhà mạng có thể bị phạt đến cả tỷ USD, thậm chí, bị mời ra điều trần trước Quốc hội. Ở Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm thể hiện quan điểm ủng hộ sự phát triển về công nghệ mạng, coi đây là hệ huyết mạch rất quan trọng, như mạch máu với cơ thể con người.

    “Mạng quốc gia phải có thông tin, có nguyên liệu mới có thể đảm bảo sức sống, giống như cơ thể con người. Nói nôm na, việc này là giữ cho hệ thống tuần hoàn trong cơ thể được thông suốt”, Bộ trưởng Tô Lâm nói. Ông khẳng định đó là nhiệm vụ của bộ và không có vấn đề gì cản trở trong phát triển hệ thống thông tin mạng.

  • Người dân sắp có thể nộp phạt giao thông qua mạng

    Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã dành khoảng 10 phút để báo cáo thêm về vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công, thu hút nguồn lực đẩy mạnh công nghệ thông tin, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

    Bộ trưởng cho biết việc xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Liên Hợp Quốc xếp Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia về Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, ông cho biết kết quả thực tế vẫn chưa đủ mong đợi. Chính phủ đang quyết liệt triển khai vấn đề này, xác định là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết như số 36, 17 để đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử.

    Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để huy động nguồn lực trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ đang đặt hàng nhiều doanh nghiệp đầu tư theo đề bài, từ đó Nhà nước sẽ thuê lại. Về cung cấp dịch vụ công, ông nhắc đến tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh việc cung cấp dựa trên nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, lấy công nghệ thông tin là phương tiện. Chính phủ sẽ triển khai các dịch vụ, tái cấu trúc thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cắt giảm điều kiện và khó khăn cho doanh nghiệp.

    Ông thông tin, trong tháng 11 này, Chính phủ sẽ chọn một số dịch vụ công thông dụng nhất để cung ứng qua mạng như: Nộp thuế doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép lái xe, đăng ký khuyến mại, cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), cấp điện hạ áp, trung áp, thu tiền điện… Đến quý I/2020, sẽ triển khai các dịch vụ khác như: Cấp giấy khai sinh, nộp thuế thu nhập cá nhân, nộp phí trước bạ, giao dịch đảm bảo, nộp phạt vi phạm Luật Giao thông, cấp lý lịch tư pháp, đăng ký kinh doanh…

    “Chúng tôi huy động các bộ, ngành tập trung triển khai quyết liệt việc cung cấp dịch vụ công qua mạng trong thời gian tới”, ông nói.

  • Gỡ các video độc hại cho trẻ em trên mạng xã hội

    Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chất vấn Bộ trưởng Thông tin về việc có ít nội dung dành cho trẻ em trên truyền hình hiện nhưng lại chiếu vào giờ các em không thể xem được.

    Bộ trưởng Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận có hiện trạng này và cho rằng do các yếu tố thương mại, lợi nhuận của nhà đài. “Giờ vàng thì tập trung vào khai thác thương mại là nhiều, đây là câu chuyện có thực vì giờ vàng là dành cho quảng cáo và các đối tượng trả tiền quảng cáo. Các cơ quan báo chí cũng hơi tận dụng thời gian này”, ông nhận xét.

    Ông cũng cho hay gia đình có thể chọn các nội dung dành cho con em mình thông qua các gói truyền hình trả tiền, nền tảng xã hội như Youtube. Người đứng đầu Bộ Thông tin cho biết sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa để ra các giải pháp, xem lại việc sử dụng các khung giờ vàng cho hợp lý, vừa khai thác thương mại nhưng cũng có tính tuyên truyền. 

    Người đứng đầu Bộ TTTT cũng cho biết các thông tư của bộ quy định thời lượng chương trình truyền hình dành cho trẻ em hiện nay là từ 2-5% và các chương trình không phù hợp với trẻ em bắt buộc phải cảnh báo. Ngoài ra, các video độc hại cho trẻ em trên mạng xã hội bộ cũng kiên quyết gỡ xuống. “Phải nhấn mạnh vai trò của bố mẹ là quan trọng, trong chuyện dùng smartphone, iPad. Ngoài ra, bộ cũng quy định đầu thu truyền hình phải có chức năng để phụ huynh chặn một số kênh để con em mình không xem được. Đây là tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc”, ông nói.

  • Khoảng 1 triệu người đã chuyển mạng giữ số

    Trả lời đại biểu Trần Đình Gia về việc chuyển mạng giữ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những ngày đầu chỉ có khoảng 10% thực hiện, nhưng bộ có rất nhiều biện pháp như mở số điện thoại khác để khách hàng phản ánh nếu không chuyển mạng được.

    “Tôi cũng nhận được nhiều thư điện tử gửi trực tiếp và tôi cũng phải can thiệp vào việc này”, ông nói. Theo ông Hùng, bộ giao chỉ tiêu tỷ lệ thành công chuyển mạng giữ số là 70% nhưng đến nay đã chuyển thành công 81%, đã có hơn 1 triệu người chuyển mạng giữ số, giúp mỗi người có một số điện thoại đi theo suốt cuộc đời và tránh số ảo.

  • Facebook, Google chưa thực hiện lưu trữ dữ liệu như Luật An ninh mạng

    Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) chất vấn về việc hiện nay Facebook và Google đã thực hiện lưu dữ liệu tại Việt Nam chưa? "Hành lang pháp lý của việc này như thế nào? Nếu giả sử sau này là đủ pháp lý liệu rằng có ngăn chặn triệt để những thông tin độc hại trên không gian mạng không?".

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận hiện nay về dữ liệu, Facebook và Google chưa thực hiện như Luật An ninh mạng. Nghị định hướng dẫn về việc này sắp tới sẽ được ban hành. Trước tiên là có hành lang pháp lý, sau đó sẽ thực thi rồi tiếp đến là ý thức của cộng đồng, vì phát tán tin vẫn là do con người.

    "Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo yêu cầu của Quốc hội và coi đây như một đạo luật đạo đức về ứng xử của không gian mạng. Chúng tôi nghĩ rằng cái xấu chỉ có thể hạn chế chứ cũng khó nói giải quyết triệt để vì ngay khi pháp luật vừa ban hành thì cuộc sống đã thay đổi rồi. Nếu cả xã hội chung tay thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng sau khi hệ thống văn bản pháp luật được đầy đủ", ông Hùng nói.

  • Đầu tư nguồn lực thí điểm đô thị thông minh ở 12 tỉnh

    Đại biểu Hà Thị Lan.

    chat van va tra loi chat van anh 1

    Trả lời đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) về vấn đề triển khai thí điểm đô thị thông minh, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nên có hướng dẫn để tránh tràn lan, lãng phí. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ trưởng cho biết sẽ làm thí điểm trong một quy mô giới hạn khoảng 1 năm, sau đó tổ chức đánh giá.

    Bộ trưởng nói bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về triển khai thí điểm và khuyến nghị mô hình mẫu giai đoạn thí điểm, thực hiện với quy mô phù hợp, trong đó chú ý đến một số điểm quan trọng là quản lý, điều hành tập trung. Bộ cũng khuyến nghị các địa phương khi làm đô thị thông minh sẽ tập trung, dùng công nghệ để xử lý những vấn đề cấp thiết. Ví dụ nếu có đông người vào ban đêm mình có thể dùng camera quan sát, một số thành phố du lịch muốn sạch sẽ, như ở Huế, có thể triển khai ứng dụng phản ánh hiện trường. Theo đó, người dân có thể chụp ảnh những vấn đề bất cập ở hiện trường và gửi về trung tâm điều hành của UBND để xử lý.

    “Bộ sẽ chọn một số tỉnh để làm mẫu, cùng với đó, tăng cường nguồn lực để làm 12 tỉnh cho tốt, từ đó nhân rộng ra”, ông Hùng cho hay.


  • Giải pháp cho các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy hoạch báo chí

    Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch báo chí có khó khăn, vướng mắc lớn nhất là gì, giải pháp ra sao?

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc quy hoạch báo chí khó khăn vì động đến nhiều cơ quan báo chí. Theo Bộ trưởng, những cơ quan báo chí liên quan đến quy hoạch là khoảng 8.000 người, chiếm 20% lực lượng người làm báo toàn quốc. Nhưng theo đánh giá sơ bộ ban đầu thì những người có thể bị ảnh hưởng đến vị trí làm việc chỉ có khoảng 1.500 người, chiếm khoảng 4%.

    Ông cho biết vừa rồi khi làm việc với từng cơ quan báo chí, có cơ quan khi chuyển cơ quan chủ quản thì 100% người chuyển đi. Hoặc khi quy hoạch lại chuyển người dôi dư sang vị trí khác. Như vậy người thực sự phải sắp xếp sau quy hoạch chỉ dưới 1%.

    Trăn trở của bộ khi quy hoạch, đó là công ăn việc làm, là có những người thực sự rất yêu nghề. Bộ làm việc với từng cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí để cố gắng giải quyết tốt nhất. Có một số cơ quan xin thực hiện trễ đi một chút nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng là cương quyết không thể chậm trễ, vì chúng ta chậm 4 năm rồi, đã tuyên bố rõ ràng đến 31/12/2019 mà không thực hiện xong quy hoạch báo chí thì đình bản, đợi quy hoạch xong thì làm tiếp.

  • Nhà mạng nước ngoài phải cung cấp thông tin tài khoản khi cơ quan điều tra yêu cầu

    Đại biểu Phạm Văn Hòa.

    chat van va tra loi chat van anh 2

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về hành vi phát tán hình ảnh phản cảm, đăng bài viết không đúng sự thật lên mạng, Bộ trưởng Thông tin cho rằng phát hiện cá nhân nào thì phải báo ngay đến cơ quan chức năng để có hình thức xử lý.

    “Gốc của nó vẫn là người tung tin, ví dụ như quảng cáo thiếu trách nhiệm xã hội, làm ăn không tử tế. Các nước thì người ta dồn hết trách nhiệm vào cơ quan sản xuất hàng hóa, chứ họ không đẩy trách nhiệm cho người đăng quảng cáo”, ông Hùng cho biết.

    Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả đơn vị đăng quảng cáo và đơn vị sản xuất đều phải có trách nhiệm. Ông cho biết sắp tới, bộ sẽ hoàn thiện các quy định xử lý những người đưa tin sai. Hiện, các hành lang pháp lý cũng đã đầy đủ để xử lý. Ông nhận định khó khăn vì một số mạng xã hội nước ngoài khi được yêu cầu làm rõ ai là người sử dụng tên tài khoản thì họ không nắm được.

    “Sắp tới, Luật An ninh mạng yêu cầu rất nghiêm ngặt việc này. Khi cơ quan điều tra yêu cầu, thì nhà mạng phải cung cấp danh tính của chủ tài khoản. Những người có ý định tung thông tin giả sẽ phải ngừng tay”, ông nói.

    Ông khẳng định từ giờ không có chuyện muốn nói gì thì nói trên mạng, không biết họ là ai, không tìm ra người tung tin thất thiệt. “Không gian mạng ai cũng đeo mặt nạ hết, nhưng khi cần là chúng ta vẫn phát hiện được họ là ai”, tư lệnh ngành Thông tin nói.


  • Về câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) về việc quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình còn để xảy ra nhiều sai phạm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trách nhiệm chính vẫn là của các cơ quan truyền hình.

    Theo lãnh đạo Bộ Thông tin, trách nhiệm của việc này thuộc nhiều ban, ngành, dưới sự quản lý của các bộ. “Luật Quảng cáo là phải của Bộ Văn hóa, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hay hàng này không đạt tiêu chuẩn là của Bộ Khoa học Công nghệ. Hàng không có giấy phép là của Bộ Công Thương. Nếu nói như vậy thì không làm được”, ông Hùng nêu ý kiến.

    Ông khẳng định cơ quan báo chí phải đảm bảo nội dung quảng cáo đầy đủ thông tin. Ví dụ như quảng cáo thuốc phải được sự cho phép của Bộ Y tế thì mới được đưa lên truyền hình. Tuy nhiên, bộ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm chính vẫn thuộc Bộ Thông tin. Ông đề nghị mỗi bộ, ngành liên quan nên chủ động, tích cực thêm, còn về phía bộ vẫn quản lý các phương tiện quảng cáo, tích cực thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm.

  • Tránh bảo hộ ngược cho doanh nghiệp nước ngoài

    Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tranh luận bàn về vấn đề phát triển MXH trong nước, làm thế nào để có MXH trong nước đủ sức cạnh tranh và nâng thị phần trong nước. “MXH không chỉ là vấn đề tư tưởng, đời sống, tâm lý, đạo đức, văn hoá mà nó còn là kinh tế và an ninh chính trị. Đồng ý mời gọi doanh nghiệp nước ngoài nhưng đặc biệt phải quan tâm MXH của ta”, bà Hoa nói.

    Bà cũng bày tỏ băn khoăn về cơ chế quản lý MXH phải chăng chưa rõ nên có tình trạng MXH dẫn dắt dư luận.

    chat van va tra loi chat van anh 3

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ câu chuyện khi cơ quan quản lý Nhà nước hỏi doanh nghiệp trong nước có muốn hỗ trợ gì không, có cần đầu tư tiền để xây dựng được MXH trong nước, nhưng họ nói không cần, chỉ mong doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt được “giống nhau”, tức là tránh chuyện bảo hộ ngược nước ngoài vào đây làm ăn.

    Thừa nhận đây là trách nhiệm của Bộ Thông tin truyền thông, ông Hùng cam kết sẽ làm tốt việc này nhằm phát triển mạnh mẽ, thậm chí có những mạng xã hội mới.


  • Đặt mục tiêu doanh nghiệp Việt làm chủ thiết bị viễn thông

    Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và hàng rào kỹ thuật bảo vệ hệ thống thông tin trước tấn công mạng?

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận nếu nói các thiết bị trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông mà 100% trong nước thì không làm được như thế. Nhưng khi các cơ quan mua thiết bị, Bộ trưởng Hùng nói ta phải có tiêu chuẩn về an toàn thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông phải đưa ra tiêu chuẩn đối với các thiết bị hạ tầng mạng lưới công nghệ thông, sau đó cùng các cơ quan chuyên môn kiểm định tiêu chuẩn.

    Ông Hùng cho rằng phải tăng cường việc này và nghĩ đến việc sản xuất một số thiết bị nền tảng của nền tảng.

    Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có lĩnh vực phát phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, công nghệ số.

    “Hiện rất vui là khoảng 75% các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được rồi. Chúng ta cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, cơ bản 100% các thiết bị hạ tầng mạng lưới viễn thông sản xuất được trong nước”, Bộ trưởng nói và chia sẻ thêm nếu chúng ta làm chủ được thiết bị viễn thông thì sẽ là một tin rất vui mừng.

  • Xử lý thế nào với video của giang hồ mạng, bạo lực trên YouTube?

    Trả lời ý kiến ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) về tình trạng sản xuất phim đăng YouTube kiếm tiền nhưng nội dung thiên về giang hồ mạng, bạo lực, có tác động xấu đến xã hội, giới trẻ, ông Hùng thừa nhận có việc này.

    “Các video này, bạo lực có, cờ bạc có. Công cụ phát hiện, cơ bản chúng ta có và càng ngày càng hoàn thiện. Các bộ, các ngành, địa phương chung tay. Cờ bạc thì Bộ TTTT nhận phát hiện là hạ xuống”, ông Hùng cho hay.

    Còn về những nội dung không đúng thuần phong, mỹ tục Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin cho rằng Bộ Văn hóa cũng cần phối hợp, vào cuộc. Nội dung ảnh hưởng đến trẻ em, thì những cơ quan liên quan cũng phải vào cuộc.

    “Chúng ta phải chung tay, chuyển tất cả lên không gian mạng, sống ở trên đấy, quản lý, dọn dẹp ở trên đấy”, tư lệnh ngành Thông tin ví von.

  • Sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

    Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hòa (Đồng Tháp) về việc có quản lý mạng xã hội như quản lý báo chí được không, Bộ trưởng TTTT cho biết mạng xã hội và báo chí là hai không gian khác nhau. “Nói đến báo chí là nói đến định hướng dư luận, sứ mệnh về thông tin, tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội”, Bộ trưởng Hùng nói.

    Người đứng đầu Bộ TTTT cũng khẳng định: "Trong khi đó, mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trách nhiệm của chúng ta là hạn chế tiêu cực để không gian lành mạnh hơn. Mọi người tham gia phải có trách nhiệm. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ và Bộ TTTT đã hoàn thành. Sắp tới bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đây là một khung mềm, chủ yếu hướng đến các tiêu chuẩn đạo đức".

    chat van va tra loi chat van anh 4

  • Mạng xã hội nước ngoài phải "nhập gia tùy tục"

    Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi về bộ lọc để phát hiện tin xấu, bộ trưởng cho biết hiện nay có 2 bộ lọc. Bộ lọc đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp từ chối hợp tác xuất phát từ chỗ họ đến từ một nền văn hoá khác, thể chế khác. Cái đấy không đúng, nhập gia tuỳ tục. Hiện nay chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ.

    Các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus thì phải có công cụ này, tức là tự động nhận dạng những thông tin xấu độc và tự chọn lọc. Hiện nay các nhà mạng mới đã có công cụ này. Hiện nay có hai cơ chế gỡ. Đã yêu cầu trực tiếp với nhà mạng thì nhà mạng sẽ gỡ và yêu cầu thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi nghĩ đây là câu chuyện chung tay, công cụ có rồi, luật pháp cơ bản là có rồi. Bây giờ là hành động. Nhưng hiện nay thì đúng là các bộ, ngành, địa phương cũng phải đầu tư nguồn lực.

  • 46 trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

    Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nam) về các thế lực chống phá, phá hoại nền tảng tư tưởng, Bộ trưởng Hùng cho hay Bộ vừa rồi đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

    “Đến một ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi lấy niềm tin của người đọc, đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp”, ông Hùng phân tích. Vừa qua, bộ đã phối hợp, có lực lượng để giải quyết vấn đề này. Trong 2 tháng vừa qua, Bộ đã làm rất mạnh tay và gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn.

    “Trong đó có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này”, ông cho hay.

  • Thí điểm công cụ chặn cuộc gọi rác trong năm 2019

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) về việc tung tin xấu độc lên mạng và việc lọc tin nhắn rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều quốc gia coi việc người dân phải có khả năng phân biệt tin xấu độc trên mạng xã hội là giải pháp căn cơ. 

    "Bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng. Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Nếu như nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại. Tôi vẫn nghĩ là câu chuyện giáo dục, đưa vào từ phổ thông giáo dục trong toàn xã hội. Với cách hành xử mới thì chúng ta phải quen dần".

    Về cuộc gọi rác thì mới nhưng tin nhắn rác thì nhiều năm rồi. Hiện nay, các nhà mạng mỗi một tháng ghi nhận được khoảng 10.000 số máy lạ thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Cách đây gần một tháng tôi đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý việc này. Trong năm 2019 này cơ bản sẽ thí điểm các công cụ chặn cuộc gọi rác giống như công cụ chặn tin rác.

    chat van va tra loi chat van anh 5

  • 50 triệu người Việt Nam dùng Facebook

    Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng TTTT nhấn mạnh quan điểm chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng. Theo ông, mạng xã hội cũng có 2 mặt, như Facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng bước.

    Về cơ sở luật pháp, theo ông sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

  • 75 triệu dữ liệu của người dân được quét, đưa lên hệ thống

    Trả lời đại biểu về cơ sở dữ liệu dùng chung, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện có 5 cơ sở dữ liệu mang tính quốc gia, trong đó có 3 cơ sở tương đối ổn và 2 cơ sở bị chậm là cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai.

    Trong tháng 10 vừa qua, ông cho biết đã trực tiếp làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cùng bàn bạc và tìm ra cách thực hiện. Theo đó, dự án này đã phê duyệt, có tiền ngân sách,  Bộ Công an đã triển khai và có 75 triệu dữ liệu của người dân đã được quét và đưa lên hệ thống. Mục tiêu cố gắng đến 2020, dự án dữ liệu dân cư cơ bản hoàn chỉnh. 

    Về dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã làm việc với Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà và tìm ra giải pháp. Năm nay sẽ xong một số nền tảng để đầu năm 2020 dần hoàn chỉnh.

    chat van va tra loi chat van anh 6

  • Facebook chặn quảng cáo chính trị

    Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về nguy cơ an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh mạng. Và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều. 

    Kết quả này thể hiện rõ nhất qua làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. “Trước đây với Facebook nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài”, Bộ trưởng thông tin.

    Ông cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

  • Đâu là ngưỡng của việc khai thác đời tư?

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về việc bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, Bộ trưởng TTTT cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết.

    “Bây giờ xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá. Chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo. Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Hùng nói.

    Người đứng đầu ngành TTTT cũng hứa sẽ cùng với Hội Nhà báo tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.

    Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy.

    chat van va tra loi chat van anh 7

  • Người Việt Nam dành 2,5-3 giờ/ngày trên mạng xã hội

    Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ, còn các đô thị thì đua nhau xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người.

    Trả lời, Bộ trưởng Hùng cho hay Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.

    “Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy”, Bộ trưởng Hùng phát biểu.

    Người đứng đầu ngành TTTT cho hay Bộ đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Ông đơn cử một số nước có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh, có nước thì hạn chế thời gian trẻ em chơi game. Ông cũng hứa Bộ TTTT sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển.

  • 83 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

    Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến quý báu đã đóng góp cho ngành trong suốt thời gian qua. Theo Bộ trưởng, được trực tiếp lắng nghe, trao đổi với các đại biểu Quốc hội về các vấn đề của ngành, khi các vấn đề được đưa ra với góc nhìn và những cách tiếp cận khác nhau sẽ giúp Bộ nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành của mình. Cùng với đó, thấy được những tồn tại, hạn chế cũng như trách nhiệm của mình để tìm ra cách làm mới, giải pháp mới, để chung tay làm cho lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông phát triển lành mạnh, bền vững, góp phần xây dựng Việt Nam thịnh vượng.

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) với doanh thu năm 2018 trên 100 tỷ USD. Với sứ mệnh đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số tiến tới kinh tế số.

    Bộ TTTT cũng là bộ quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông với sứ mạng truyền tải dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường. “Đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần, báo chí sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó, dù đưa tin tích cực hay tiêu cực thì cũng phải khích lệ tinh thần Việt Nam, làm cho Việt Nam ổn định chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước”, bộ trưởng nhấn mạnh.

    Bộ trưởng cho biết ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã có nhiều bước phát triển. Xếp hạng bưu chính tăng 5 hạng, chỉ số ứng dụng viễn thông và CNTT tăng hạng, xếp hạng an toàn thông tin mạng cũng tăng.

    Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại và những vấn đề nhức nhối như hàng lậu, hàng giả qua kênh bưu chính; rác viễn thông, sim rác, tin nhắn rác; bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới; quảng cáo sai sự thật; báo hoá tạp chí, trang tin điện tử…

    Bảng điện tử cho thấy có 83 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng TTTT.

    chat van va tra loi chat van anh 8chat van va tra loi chat van anh 9




  • Tăng 1 bậc về Chính phủ điện tử

    Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết theo kết quả đánh giá Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia được đánh giá, đứng thứ 6/11 quốc gia ASEAN. Với kết quả này, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016.

    Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử được đánh giá đã thực sự tác động tích cực cho công tác cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.

    Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại khi kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chưa được bảo đảm; một số cơ quan, người đứng đầu chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu trong khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin đã được triển khai.

    Đặc biệt, cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy tờ, không tích cực sử dụng các hệ thống thông tin trên môi trường điện tử.

    chat van va tra loi chat van anh 10



  • Báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi các đại biểu Quốc hội nêu nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc quản lý thông tin điện tử.

    Theo đó, một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động nhưng không có giấy phép hoặc tập trung trích dẫn những thông tin tiêu cực tạo cảm giác u ám, bất an, không phản ánh đúng hiện thực xã hội.

    Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng các tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tung tin giả, thông tin vi phạm pháp luật lên mạng xã hội nước ngoài.

    Công tác đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google để buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam đã có những kết quả bước đầu nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

  • Infographic 3 ngày đăng đàn trả lời chất vấn của Thủ tướng và 4 tư lệnh ngành

     

    chat van va tra loi chat van anh 11


Nhóm phóng viên

Ảnh: Hải Quân

Bạn có thể quan tâm