Sách Nguyễn Đức Cảnh của nhà văn Nghiêm Đa Văn. Ảnh: K.Đ. |
Chân dung người cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932) được thể hiện qua 13 chương sách. Độc giả sẽ được biết về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và sự hy sinh của ông.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đức Cảnh được chứng kiến đời sống khổ cực của đồng bào dưới áp bức thực dân. Sinh ra trong một gia đình nhà nho mẫu mực, Nguyễn Đức Cảnh có lòng yêu nước mạnh mẽ. Ông đã tham gia vào nhiều hoạt động cứu giúp người nghèo, đồng cam cộng khổ với người dân...
Trong khi tìm kiếm một con đường cách mạng đúng đắn để cống hiến, Nguyễn Đức Cảnh được biết đến các con đường cứu nước của Tôn Văn, của Gandhi, của cụ Phan Chu Trinh, của cụ Phan Bội Châu, về cách mạng quốc gia với cách mạng quốc tế…
Từ đó, ông đã đặt câu hỏi: “Tại sao cùng là người yêu nước, muốn cứu nước mà tất cả không hiệp đoàn góp sức để làm sự nghiệp lớn? Sao lại đi chia xu hướng, bè phái, bài bác lẫn nhau?”.
Nhận ra chỉ có tổ chức lại, đoàn kết thì những người yếu đuối mới có sức mạnh, giác ngộ tư tưởng của Đảng và chủ nghĩa Marx - Lenin, Nguyễn Đức Cảnh đã hăng hái hoạt động cách mạng, trở thành người lãnh đạo phong trào, tổ chức biểu tình nổi dậy, giúp nhân dân đấu tranh.
Khi bị địch bắt, Nguyễn Đức Cảnh đã phải trải qua những cực hình tra tấn và những đòn tâm lý dụ dỗ hiểm độc. Dù rơi vào cảnh hiểm nghèo như vậy, người chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết.
Nguyễn Đức Cảnh được coi như một tấm gương anh dũng, là niềm tự hào của thế hệ trẻ Việt Nam.
Tác giả Nghiêm Đa Văn là người có kinh nghiệm với dòng tiểu thuyết lịch sử, trong Nguyễn Đức Cảnh, ông kết hợp nhuần nhuyễn kiến thức, tư duy lịch sử với việc sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng… để xây dựng một bức chân dung chân thực về người anh hùng.