Ông Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; nguyên Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ); nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên như sau: “Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ, tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội... Đồng chí là người hoạt động thực tiễn sôi nổi, sâu sát, có hiệu quả, nói đi đôi với làm, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có tinh thần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm”.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh vị trung tướng (1/3/1923-1/3/2023), Nhân Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng gia đình tổ chức biên soạn, xuất bản bộ 3 cuốn sách về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cho độc giả đại chúng một góc nhìn mà theo lời nhà xuất bản là “đa chiều, đầy đủ và toàn diện” về vị tướng này.
Góc trưng bày những cuốn sách về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: MH. |
Đầu tiên là cuốn hồi ký Trọn một con đường. Đây là ấn phẩm tái bản dày 680 trang, gồm đầy đủ 3 cuốn hồi ký (Đường xuyên Trường Sơn, Với cả cuộc đời, Trọn một con đường). Sách tổng hợp gần 70 năm cống hiến của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, với những trọng trách do Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, những nhiệm vụ ông đã hoàn thành với sự quyết đoán, gan dạ và mưu trí.
Chia sẻ với báo chí, Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - nói: “Nhắc đến tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trước tiên người ta nhớ đến con đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu - đường Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nổi tiếng. Vị Tư lệnh Trường Sơn đã có gần mười năm gắn bó với chiến trường khốc liệt này, cùng hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hiện thực hóa chủ trương của Trung ương Đảng và mong muốn của Bác Hồ: Nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam để ‘đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào’”.
Để đem tới cho độc giả cái nhìn tường tận và trực quan về cuộc đời cách mạng của vị trung tướng, sách ảnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trình bày những hình ảnh, những lát cắt chân thực, tái hiện những nội dung nổi bật: Những tháng ngày khốc liệt trên chiến trường Trường Sơn khói lửa; Dấu ấn qua những công trình thế kỷ của Việt Nam thập niên 80-90 thế kỷ XX khi ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải và sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gắn với những công trình hiện đại với mục tiêu phục hồi kinh tế, phát triển đất nước sau chiến tranh; Hình ảnh với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế; Hình ảnh với quê hương yêu dấu, gia đình thân thương, đồng đội thủy chung… Những bức hình trong sách được chọn lọc từ tư liệu của gia đình, cơ quan, đơn vị lưu trữ.
Bên cạnh đó, cuốn Đồng Sỹ Nguyên - Tuyển tập là những bài viết lý luận, tổng kết bài học kinh nghiệm, công tác chỉ huy trong chiến đấu, lãnh đạo điều hành trong xây dựng và phát triển đất nước của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Sách gồm 4 phần: Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và nền quốc phòng toàn dân; Công tác vận tải quân sự và Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; Tầm nhìn và những trăn trở với các vấn đề thời sự của đất nước; Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với đồng chí, đồng đội.
Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cho rằng bộ sách có giá trị giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam; lòng dũng cảm, sự hy sinh của lớp lớp cha ông chúng ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; từ đó củng cố, bồi dưỡng niềm tin, quyết tâm phấn đấu, cống hiến cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.
Ông Nguyễn Duy Hưng, con cả của ông Đồng Sỹ Nguyên, đại diện gia đình, chia sẻ: “Ba cuốn sách này là di sản tinh thần của ba chúng tôi - ông Đồng Sỹ Nguyên".
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông Đồng Sỹ Nguyên đã giữ các cương vị Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Điện Biên Phủ, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là Cục phó, sau đó là Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Tham mưu phó; Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Mặt trận Trung - Hạ Lào; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Hậu cần Tiền phương.
Đặc biệt, từ tháng 1/1967 đến tháng 5/1976, ông được giao đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung - Hạ Lào. Đồng chí được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974.
Đất nước thống nhất, ông trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Xây dựng kinh tế; Thứ trưởng Thường trực, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Đến tháng 8 cùng năm, ông trở lại làm Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, ông còn giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982). Đến tháng 12/1986, ông làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1991, ông được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ thực hiện Chương trình 327 - trồng và bảo vệ rừng phòng hộ; tham gia chỉ đạo xây dựng Đường Hồ Chí Minh. Ông Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước cho nghỉ công tác từ tháng 10 năm 2006.
Để ghi nhận những công lao, đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.