Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phá sản dự án đóng tàu nghìn tỷ ở Cà Mau

Tỉnh Cà Mau đang giải tỏa những hộ thuê lại đất của nhà máy đóng tàu tại Khu kinh tế Năm Căn để sớm kêu gọi nhà đầu tư mới, tiếp tục dự án nghìn tỷ đang bỏ hoang.

Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) tỉnh Cà Mau Hứa Minh Hữu cho biết ông vừa ký công văn gửi UBND huyện Năm Căn về việc hối thúc bàn giao mặt bằng khu đất Nhà máy đóng tàu Cà Mau (nhà máy đóng tàu, tại Khu kinh tế Năm Căn) để kêu gọi nhà đầu tư mới. 

Bo hoang nha may dong tau nghin ty anh 1
Khu nhà xưởng của nhà máy đóng tàu bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo ông Hữu, Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy đóng tàu từ tháng 10/2017. Hiện, chủ đầu tư đang làm thủ tục phá sản nên không thể tiếp tục dự án.

Thu hồi đất của trên 120 hộ dân

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, nhà máy đóng tàu có tổng diện tích đất 588.891 m2 (gần 60 ha), thu hồi của 123 hộ dân tại ấp Xóm Lớn Trong, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Đến ngày bị chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau chưa được UBND tỉnh này giao đất và cho thuê đất. nhưng đã xây dựng nhà xưởng và đang làm thủ tục phá sản.

Về kinh phí bồi thường và giải phóng mặt bằng (trên 26,1 tỷ đồng), chủ đầu tư đã trả gần 23,6 tỷ, còn lại UBND huyện Năm Căn ứng ngân sách chi trả cho người dân. Hiện nay, đất của nhà máy đóng tàu có gần 16.000 m2 nằm trong trong dự án đường trục chính của Khu kinh tế Năm Căn.

Bo hoang nha may dong tau nghin ty anh 2
Cầu tàu chính tải trọng lên đến 200 tấn ngày càng gỉ sét, chưa từng hoạt động đúng chức năng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để tạo điều kiện thu hút, mời gọi đầu tư vào Khu kinh tế Năm Căn, UBND tỉnh Cà Mau tạm giao khu đất của nhà máy đóng tàu cho BQLKKT. Đối với tài sản Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau đã đầu tư vào nhà máy thì đơn vị này tự quản lý và thanh lý theo quy định.

Quá lãng phí

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết người dân phản ánh dự án này gây lãng phí, hiện trạng thì thấy nhếch nhác nên địa phương nhiều lần làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và Cảng vụ Hàng hải Việt Nam để bàn phương án xử lý. Mặc dù dự án nằm trên địa bàn Cà Mau nhưng thẩm quyền xử lý thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và việc khó khác là tòa án đang thụ lý hồ sơ phá sản của chủ đầu tư.

Bo hoang nha may dong tau nghin ty anh 3
Ban Quản lý Khu kinh tế Cà Mau cho biết vẫn còn trên 10 hộ dân thuê đất trong khu vực dự án. Ảnh: Phạm Ngôn.

Còn Trưởng BQLKKT Cà Mau Hứa Minh Hữu thì nói rằng UBND huyện Năm Căn quá chậm bàn giao khu đất của nhà máy đóng tàu nên chưa thể kêu gọi nhà đầu tư mới.

"Dự án này quá trời lãng phí. Đất sản xuất của người dân mình thu hồi mà không đầu tư được gì hết. Tỉnh có ý kiến thu hồi, kêu gọi các nhà đầu tư khác để triển khai tiếp, vì nhà đầu tư cũ hết khả năng rồi", ông Hữu chia sẻ với Zing.vn.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết những hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản đã ký cam kết di dời. Tuy nhiên, do họ mới thả tôm giống vụ mới nên xin chậm lại đến tháng 11/2019 sẽ bàn giao.

"Trên đất hiện nay có vài căn chòi để người dân giữ tôm chứ không phải nhà. Những hộ này không phải chủ đất trước đây nên việc di dời cũng dễ dàng và chúng tôi nghĩ tỉnh sẽ thông cảm cho người dân, chờ họ thu hoạch xong vụ tôm vừa thả giống", ông Phương nói.

Nhà máy đóng tàu Năm Căn được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) khởi công xây dựng từ tháng 3/2007, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Sau hơn 12 năm, nhà máy này vẫn hoang hóa, gỉ sét, chưa từng một lần hoạt động.

Ngày 17/10/2017, BQLKKT Cà Mau quyết định chấm dứt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu tỉnh Cà Mau bởi những vi phạm trong cam kết giấy chứng nhận đầu tư và quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Bo hoang nha may dong tau nghin ty anh 4
Nhà máy đóng tàu Cà Mau (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps.

Nhà máy đóng tàu nghìn tỷ ở Cà Mau hoang hóa, gỉ sét sau 12 năm

Nhà máy có năng lực đóng tàu tải trọng lên đến 10.000 tấn, cầu tàu chính tải trọng lên đến 200 tấn bị Ban Quản lý Khu kinh tế Cà Mau quyết định chấm dứt dự án đầu tư xây dựng.











Việt Tường

Bạn có thể quan tâm