Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết hai tác phẩm về Bác Hồ

Tiểu thuyết và kịch hát “Nợ nước non” dựa trên những lát cắt lịch sử, khắc họa tuổi thơ, quá trình phát triển tư tưởng, khát vọng của Người.

Tối 19/5, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, vở Nợ nước non (do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản) ra mắt. Tác phẩm là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Cùng tác phẩm sân khấu, tiểu thuyết Nợ nước non - tập 1 trong bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm - cũng ra mắt dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác giả, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chia sẻ về quá trình sáng tác hai tác phẩm.

No nuoc non anh 1

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Duy Hiệu.

Không làm việc của người chép sử

- Ông muốn gửi thông điệp gì khi lấy tên tập 1 bộ sách và tác phẩm sân khấu là “Nợ nước non”?

- Tên sách lấy tứ từ một câu trong lời bà Hoàng Thị Loan ru bé Nguyễn Sinh Cung khi còn trong nôi: “Con ơi, nhớ lấy câu này / Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm / Làm người đói sạch rách thơm / Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Lời ru có ý nhắc vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là sự đau đáu của người có nhiệt huyết, ý chí.

Tập 1 bộ tiểu thuyết khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung, lớn lên là Nguyễn Tất Thành, giai đoạn trước khi Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

- Đã có nhiều tác phẩm sáng tác với hình tượng Hồ Chí Minh, đâu là điểm khác biệt trong tác phẩm mà ông viết?

- Trong tiểu thuyết, việc để không giẫm lên bước chân những người đi trước cực khó. Tôi chọn những lát cắt trong tiểu sử của Bác, cố gắng không làm việc của người chép sử, không chép lại tiểu sử của Bác với những năm tháng, sự kiện. Công việc của một nhà văn là phải xây dựng hình tượng nghệ thuật.

Ở tập 1, khi xây dựng hình tượng Nguyễn Sinh Cung, tác giả không đi theo nếp trước đây một số người thường đi (dường như cậu bé sẽ thành tài). Trong sách, đây là cậu bé trong trẻo, nghịch ngợm như bao trẻ em khác, nhưng cậu có tố chất đặc biệt ham học.

Những chi tiết đời thường của một cậu bé được khắc họa, ví dụ chuyện cậu bé Cung và người bạn tên Điền đi câu cá; chuyện Cung chơi với người bạn tên Phúc và cứu bạn trên sông Phổ Lợi…

Nguyễn Sinh Cung được sinh ra trong vùng quê có bề dày lịch sử về văn hóa, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Những yếu tố của lịch sử văn hóa thấm vào trong con người cậu bé một cách tự nhiên. Lớn lên, cậu học những nhà nho tiết tháo, yêu nước, những người đã dạy học trò nghĩa khí làm người.

Sách cũng khắc họa chuyến đi đầu tiên của gia đình Nguyễn Sinh Sắc, hành trình thiên lý gần 400 km từ Nghệ An vào kinh thành Huế hơn nửa tháng. Cảnh chia tay giữa bé Khiêm, bé Cung với bà ngoại và chị Thanh đầy xúc động. Vào đến Huế là cảnh gia đình ông cử dùi mài kinh sử, bà Hoàng Thị Loan đêm ngày miệt mài bên khung cửi lo giúp chồng, nuôi nấng hai con.

Tập 1 kết thúc bằng việc người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến bến cảng, ra đi với khát vọng lớn lao.

No nuoc non anh 2

Sách Nợ nước non. Ảnh: Đỗ Thu.

Xử lý lượng tư liệu lớn

- Để thực hiện tiểu thuyết lịch sử, ông đã chuẩn bị tư liệu ra sao?

- Viết một tiểu thuyết, vở diễn, bao giờ tác giả cũng phải xử lý lượng tư liệu đồ sộ. Có những tư liệu người viết chỉ lấy một vài chi tiết nhưng phải đọc cả một cuốn sách dung lượng lớn. Muốn tác phẩm đạt chiều sâu văn hóa tư tưởng, tính khoa học, thuyết phục, người viết phải chịu khó, kỳ công.

- Ngoài tiểu thuyết, ông cũng viết kịch bản “Nợ nước non”. Tác phẩm sân khấu là chuyển thể của tiểu thuyết?

- Đêm 19/5 và 20/5, tại Nhà hát Lớn sẽ công diễn vở Nợ nước non do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp một số đoàn nghệ thuật dựng. Nội dung tiểu thuyết, vở diễn có những điểm tương đồng và khác nhau. Tác giả cùng lúc viết hai loại hình, mỗi loại hình văn học và sân khấu có đặc điểm khác nhau.

Sân khấu sử dụng cách bài trí, trang phục, ánh sáng, âm nhạc, đặc biệt bằng cách thể hiện của diễn viên để đưa đến công chúng cảm xúc thật, trực diện, trong không khí, không gian nghệ thuật đặc trưng.

Với tiểu thuyết, khi đọc sách, chỉ một mình người đọc với cuốn sách. Văn chương nói chung và tiểu thuyết nói riêng có thế mạnh đi vào nội tâm nhân vật.

- Ông có thể hé lộ về các tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết?

- Tập 2 (Lênh đênh bốn biển), tôi dự định viết về những năm tháng Bác hoạt động ở nước ngoài. Tập 3 (Người về) viết về giai đoạn Bác về nước lãnh đạo cách mạng. Dự kiến mỗi năm tôi viết một tập.

Phát động cuộc thi giới thiệu sách về Bác Hồ

Cuộc thi có chủ đề “Bác Hồ - Niềm tin yêu qua từng trang sách” sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ những ấn phẩm hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiểu thuyết về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Nợ nước non” cho thấy tư duy của nhân vật mỗi ngày một sâu sắc, rộng lớn. Trái tim chàng trai ấy mang nhịp đập của tình yêu thương con người, Tổ quốc, hé mở khát vọng lớn.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm