Tòa nhà Thành Công tọa lạc tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: PSC. |
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển - PGBank (UPCoM: PGB) vừa công bố Nghị quyết HĐQT, thông qua sửa đổi, bổ sung chương trình, tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 26/8 tại Hà Nội.
Trong tờ trình, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến chuyển trụ sở chính sang tầng 4, 5, 6 Toà nhà Thành Công, ô đất P-D17 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Trụ sở hiện tại của PGBank đang đặt tại tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo PGBank, Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 23/10/2023 đã thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về địa chỉ Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tuy nhiên, địa chỉ này đang tu sửa, dự kiến mất nhiều thời gian để hoàn thiện, không đáp ứng yêu cầu về việc đặt trụ sở chính PGBank. Do vậy, hiện trụ sở chính ngân hàng vẫn được đặt tại Tòa nhà Mipec.
"Để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về không gian làm việc phù hợp với chiến lược đề ra, HĐQT trình Đại hội cổ đông xem xét thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà Thành Công", lãnh đạo PGBank chia sẻ trong tờ trình.
Về địa điểm mới mà ban lãnh đạo PGBank mong muốn đặt trụ sở chính, theo thông tin giới thiệu trên website của Công ty TNHH Quản lý và Dịch vụ Tài sản Thành Công (PSC), Tòa nhà Thành Công (hay còn gọi là Thành Công Tower) được Tập đoàn Thành Công đầu tư với quy mô 40 triệu USD, đi vào hoạt động từ năm 2020.
Tòa văn phòng có quy mô 16 tầng nổi và 3 hầm đỗ xe, diện tích mặt sàn tiêu chuẩn là 1.763 m2/sàn, diện tích cho thuê là 1.200 m2/sàn. Trước đó vào tháng 4, PGBank đã khai trương một phòng giao dịch tại tòa nhà này.
Việc lựa chọn trụ sở chính tại Tòa nhà Thành Công diễn ra trong bối cảnh cổ đông lớn Petrolimex đã thoái vốn khỏi PGBank, nhóm 3 cổ đông tổ chức có liên quan tới Tập đoàn Thành Công xuất hiện gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh; CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP thương mại Vũ Anh Đức, hiện nắm tổng cộng 40% vốn ngân hàng.
Cũng trong tờ trình nội dung cuộc họp cổ đông bất thường, một nội dung đáng chú ý khác cần cổ đông PGBank thảo luận là việc bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 thay thế ông Nguyễn Thành Lâm và bà Đinh Thị Huyền Thanh vừa miễn nhiệm hồi tháng 4.
Hai ứng viên vào HĐQT PGBank lần này là ông Đào Quốc Tính và bà Cao Thị Thúy Nga. Bà Cao Thị Thúy Nga có thời gian dài làm Phó tổng giám đốc MBBank và ông Đào Quốc Tính có 8 năm đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Có thể thấy sau khi đổi tên thương mại, chuyển trụ sở, PGBank cũng đang trong quá trình kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao.
Đầu năm nay, ngân hàng này cũng đã có đợt tăng vốn đầu tiên sau 10 năm liên tiếp là nhà băng có vốn điều lệ thấp nhất ngành. PGBank đã phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên mức 4.200 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng đang có kế hoạch thông qua phương án chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm, PGBank báo lợi nhuận trước thuế gần 268 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.
Năm nay, nhà băng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 554 tỷ đồng, tăng 58% so với năm ngoái. Như vậy sau 2 quý đầu năm, PGBank mới chỉ thực hiện được 48% kế hoạch đặt ra.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.