Nhà báo Rory Smith của New York Times trích lại chi tiết thú vị ngày Pep Guardiola mới đến Man City. Một trong những cuộc họp của cựu HLV Bayern khi nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội chủ sân Etihad vào năm 2016 là với nhân viên quản lý sân đấu.
Hôm ấy, các bên thảo luận rất nhiều. Từng chi tiết một, Pep Guardiola phác thảo rất tỉ mỉ, muốn chiều cao mặt cỏ không được vượt quá 19 mm, tương tự như ở Barca và Bayern Munich, nơi Pep được mệnh danh "Vua Midas" với đôi bàn tay chạm vào đâu cũng thành vàng.
Pep Guardiola rất tỉ mỉ trong những việc nhỏ nhất. |
Một cách khéo léo, những người chăm sóc mặt sân Etihad chỉ ra thời tiết ở Manchester không phải lúc nào cũng đầy nắng và gió như Catalonia hay Bavaria. Nước Anh ẩm ướt hơn, vì vậy lớp cỏ thường phát triển rất nhanh.
Sau cùng, một thỏa thuận được thông qua, trong mùa đông, chiều cao lớp cỏ của sân Etihad được phép cao 23 mm.
Theo Telegraph, Pep là người luôn đòi hỏi sự hoàn hảo. Mọi việc được nhà cầm quân này tạo ra đều bắt nguồn bằng sự tỉ mỉ. Những chi tiết dù nhỏ nhất đều phải tuân nguyên tắc cơ bản của ông.
Lối chơi Guardiola theo đuổi dựa trên khả năng ban bật, kiểm soát bóng, vì vậy chiều cao mặt cỏ rất quan trọng.
Những gì Pep muốn, điều đó không phải vô lý. Nhà cầm quân 47 tuổi từng đấu tranh tới cùng vì muốn những sân tập của Man City đều phải đạt chuẩn giống nhau, từ chiều cao đến độ dày mặt cỏ. Những nhân viên chăm sóc sân không thích điều này, bởi họ phải làm việc nhiều hơn.
Song, yêu cầu của Pep bắt buộc phải được tuân theo.
Nhờ điều đó, ông đã xây dựng được thành công ở Man City. |
Hồi giữa tuần, Man City của Pep sụp đổ trước Liverpool nơi mặt trận Champions League. Nhưng chỉ với trận thua ấy để dè bỉu những điều đẹp nhất con người này tạo ra ở sân Etihad thật sự rất bất công.
Trong năm thứ hai dẫn dắt đại diện thành Manchester, Guardiola đang tạo ra những điều phi thường đến lạ lùng. Ngày hạ màn Premier League, Man City có thể vươn tới cột mốc 100 điểm. Thậm chí từ thời điểm mùa giải còn 10 vòng nữa mới hạ màn, đội bóng của Pep đã tạo ra cách biệt điểm số rất lớn với CLB bám đuổi phía sau.
Lối chơi Man City thể hiện cũng mang đến sự sôi động và đẹp mắt, làm phấn khích người xem. Giờ thì tất cả đều hiểu vì sao Pep lại tỉ mỉ đến từng chi tiết ngày mới đến sân Etihad.
Trong cuốn Marti Perarnau Pep Confidential, người bạn thân Perarnau của Pep kể lại với Bleacher Report: "Guardiola không bao giờ nghỉ ngơi tới khi tìm ra lời giải cho một vấn đề. Ông ấy nghiên cứu rất kỹ đối thủ, tìm hiểu cách họ tấn công, đội hình xuất phát thế nào".
Man City giờ đá hay, chơi với tinh thần tập thể đúng nghĩa. |
Thành công của Pep ở Man City không phải tự nhiên mà đến. Cựu thành viên tuyển Tây Ban Nha chẳng phải ảo thuật gia, người đến Man City với chiếc mũ và đọc "abracadabra" thì chú thỏ trắng sẽ biến mất. Pep là biểu tượng của sự tận hiến, theo đuổi sự hoàn hảo và quyết tâm không ngừng nghỉ.
Pep Guardiola của 10 năm trước hay bây giờ cũng thế. Từ Barca đến Bayern, ông không bao giờ hài lòng với những gì đã được xây dựng. Trước khi Guardiola đặt chân tới Bavaria, "Hùm xám" đã là CLB rất mạnh. Song, Pep muốn đội bóng nước Đức phải vươn tới một đỉnh cao mới.
Dưới triều đại của mình, những trận thắng của Bayern thôi chưa đủ, Pep muốn đó phải là trận đấu làm mãn nhãn người xem. Ở đó, "Hùm xám" không được phạm sai lầm nào và lối chơi phải thuyết phục.
Bayern đã rất tốt, nhưng dưới góc nhìn cựu HLV Barca, ông đòi hỏi đội bóng phải làm nhiều hơn.
Tới Man City, Pep không có quá nhiều việc để làm khi mọi thứ đều rất chuyên nghiệp. Cũng với những Aguero, Silva hay Kompany, Man City đã đứng trên đỉnh xứ sở sương mù. Nhưng khi Guardiola tới, tất cả đều phải hoàn hảo hơn.
Nhiệm vụ được đặt ra rất rõ ràng: lối chơi thật mềm mại, đội bóng phải gắn kết thành một khối.
Man City là đội chơi tấn công sôi động nhất Premier League mùa này. |
Nhiều điều đã thay đổi từ khi Man City được tiếp quản bởi Pep . Ông tạo ra sự gần gũi và thân thiện tại CLB. Trong suốt quá trình huấn luyện, Guardiola không hề tỏ ra cứng nhắn, ông cố gắng tỏ ra quan tâm mọi người, học thuộc tất cả biệt danh các cầu thủ và từng nhân viên làm việc ở mọi phòng ban.
Pep còn biến Man City thành một tập thể theo đúng nghĩa đen. Sau những bàn thắng, điều đọng lại trước nhất không phải kiểu ăn mừng theo chủ nghĩa cá nhân, đó là hình ảnh cả đội cùng nhau chung vui.
Guardiola còn khuyến khích học trò ra sân sớm nhất trước mỗi trận đấu, và ra về muộn hơn so với tất cả, theo New York Times.
Phong cách của Pep là như thế. Ông tạo ra một đội bóng có bản sắc riêng, điều những người tiền nhiệm không làm được. Man City phải là Man City. Tất cả cầu thủ cần thể hiện sao cho người xem cảm nhận được thứ bóng đá họ thể hiện đến từ thành Manchester và chỉ tồn tại trong riêng biệt đội bóng này.
Với Guardiola, Man City sau gần 10 năm đã tìm thấy HLV "toàn diện". Đó không phải cung cách của Roberto Mancini người bị sa thải vì chỉ biết chiêu mộ tân binh rồi huấn luyện họ, hay Manuel Pellegrini.
Đội chủ sân Etihad sau tất cả muốn thấy một chiến lược gia tạo ra tầm ảnh hưởng trên mọi phương diện của đội bóng.
Pep mới kết thúc năm thứ 2 dẫn dắt Man City, nhưng ông đã nhận rất nhiều sự kỳ vọng. Đội bóng Anh khao khát giữ chân con người này lâu hơn, tạo ra đế chế tại Premier League.
Tương lai chưa biết ra sao, tuy nhiên những hình mẫu và chuẩn mực được Guardiola áp dụng vẫn được lưu giữ mãi, thậm chí nếu ông ra đi sau năm 2020.
Hai năm làm việc nơi xứ sở sương mù cũng chứng kiến nhiều giá trị được Pep tạo ra. Như tiền vệ Thiago Alcantara của Bayern từng thổ lộ, Guardiola đã "thay đổi khái niệm của bóng đá Đức". Ở đó, việc cầm bóng trở nên rất quan trọng trên con đường tìm kiếm chiến thắng, thay vì chỉ tập trung vào "sức mạnh, năng lực và những bàn thắng".
Đã có chút khiêm tốn trong Pep khi được đề cập sẽ tạo ra điều gì đó trên đất Anh. Trong buổi trả lời báo chí những ngày đầu đặt chân tới Etihad, Guardiola cho rằng bản thân không muốn "quá tự tin" khi tìm đến nước Anh rồi phát minh ra điều gì đó ngay trên nơi bóng đá được ra đời.
Hành động của Pep đi ngược với lời nói. Guardiola cách mạng lối chơi Man City, với khởi nguồn từ vị trí người đứng trong khung thành. Một thủ môn phải bắt bóng tốt, có khả năng phán đoán điểm rơi chính xác và cản phá nhiều nhất có thể. Chừng ấy vẫn chưa đủ khi thủ môn phải tham gia vào lối chơi của đội và bằng đôi chân nữa.
Sau tất cả, ai cũng thấy thủ thành Ederson chuyển hóa thế nào.
Tính quan trọng của việc kiểm soát bóng cũng được Pep nâng lên tầm cao mới. Nhìn lại hai mùa giải Chelsea và Leicester City vô địch, họ đều kiểm soát bóng không quá vượt trội, trung bình 53% và 40%.
Thứ vũ khí lợi hại nhất của hai nhà cựu vô địch phụ thuộc nhiều vào các pha phản công. Pep không muốn điều đó và ông thay đổi.
Mùa này, Man City đạt tỷ lệ trung bình kiểm soát bóng 71,5% - cao nhất từ năm 2003. Ban đầu, Pep từng bị dè bỉu vì điều đó bởi lối chơi ông áp dụng đi ngược với truyền thống bóng đá Anh. Pep đang làm điều chưa từng có.
"Chúng ta không thấy một hàng công với 4 hay 6 người biết kiểm soát bóng, mà đó là cả đội hình", trang Yahoo.Sports viết.
Thứ bóng đá theo kiểu quyết tâm sở hữu bóng nhiều hơn và tránh xa đối thủ từng giúp Man City chỉ thủng lưới 7 bàn sau 12 trận. Con số này chỉ kém hơn so với MU (6 bàn thua). Nhưng một chiếc xe buýt sạch sẽ đâu nhất định phải đỗ trong nhà xe.
Sau 31 vòng, Man City là đội để thua ít nhất, với chỉ 21 bàn.
Pep đã đúng khi chứng minh cho Gary Neville, cựu sao MU, thấy rằng Man City có thể vô địch nhờ lối chơi kiểm soát bóng vượt trội và không ngại triết lý phòng ngự-phản công được Mourinho hay Pochettino thể hiện.
"Làm sao họ có thể đá như vậy. Chơi cách đó, liệu Man City có giành được chức vô địch không?", Neville nói.
Đêm tháng 4, Pep gửi lời hồi đáp rõ ràng nhất cho Gary Neville.
Mùa này, Man City đã ghi được 93 bàn. Họ có trung bình 2,81 bàn/trận.
Mỗi trận, Man City thực hiện trung bình 744,71 đường chuyền, đạt tỷ lệ chính xác 89%. Công tốt, họ cũng sở hữu hàng thủ rất kiên cố, với 15 trận giữ sạch lưới tại Premier League.