Năm ngoái, khi Man City bị loại khỏi Champions League ở vòng 1/8, Pep Guardiola đã nhận được tin nhắn từ Chủ tịch Khaldoon Al Mubarak. Không một lời trách móc trong đó, chỉ có sự khích lệ và tin tưởng. HLV người Tây Ban Nha đã cảm kích và nói rằng: “Rất muốn vô địch Champions League, nhưng vào thời điểm tồi tệ, phản ứng của ông ấy khiến tôi thực sự ấn tượng”.
Thật ra thì điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Man City khi ấy đang trong quá trình xây dựng và triết lý phức tạp của Guardiola cần thời gian cũng như con người để có thể triển khai. Là một người tôn sùng Pep tuyệt đối, Al Mubarak cũng tin rằng mọi thứ sẽ đổi khác vào năm sau.
Mùa thứ 2, Man City thất bại ở Champions League dù được Pep dẫn dắt. |
1 năm đã trôi qua, 16 cầu thủ bị đẩy đi và 14 ngôi sao khác được đưa về với tổng trị giá 439 triệu bảng, bình quân 31 triệu bảng cho mỗi người. Man City quả thực đã lột xác thành đội bóng khác đúng như Al Mubarak kỳ vọng, tiến lên cấp độ mới. Vào cuối mùa, họ chắc chắn lên ngôi ở Premier League với hàng loạt kỷ lục mới được thiết lập.
Chỉ có điều, nếu chỉ vô địch nước Anh, Man City không cần nhờ đến Pep. Cái đích họ nhắm tới là Champions League, qua đó xác lập vị thế ở châu Âu. Nhưng một lần nữa, huấn luyện viên người Tây Ban Nha lại lỡ hẹn với mục tiêu này. Sau khi bị AS Monaco loại ở vòng 1/8 mùa trước, "The Citizens" lại dừng chân ở tứ kết trước Liverpool.
Với cá nhân Guardiola, ông đang “phú quý giật lùi”. Được biết đến là chuyên gia ở Champions League với 2 chức vô địch cùng Barca, ông chỉ có thể đi tới bán kết trong thời gian dẫn dắt Bayern, và hiện cùng Man City, thậm chí còn không thể chạm tới ngưỡng bán kết.
Đây là mùa thứ 6 Pep không thể vào chung kết Champions League. |
Chuyện gì đang diễn ra với Pep? Để triển khai triết lý phức tạp của ông, Al Mubarak sẵn lòng bỏ ra 439 triệu bảng (riêng hàng thủ đã trị giá 275,6 triệu) chỉ trong 2 năm qua, gần bằng tổng số tiền Pep đã tiêu trong 8 năm dẫn dắt Barca và Bayern (487).
Đêm qua, đội hình xuất phát của Man City được xây dựng bởi 424,9 triệu bảng, cao gấp 3 lần tổng giá trị 11 cầu thủ Barca từng chiến thắng ở các trận chung kết 2008/09 (123,8) và 2010/11 (124,7). Vậy mà siêu đội bóng ấy chỉ có thể ghi 1 bàn vào lưới Liverpool, trong khi nhận tới 5 bàn thua trong cả hai lượt trận.
Đêm thứ ba, Man City rất tốt trong hiệp 1 và đem lại cảm giác sẽ sớm thổi bay các vị khách đến từ Merseyside. Thế nhưng mọi thứ tốt đẹp bỗng biến mất nhanh chóng, đội quân của Pep vỡ vụn trong hiệp 2. Kịch bản này giống như 3 ngày trước ở derby Manchester, và cũng khái quát mùa giải này của họ: rất tốt khi bắt đầu và lạc lối ở thời điểm kết thúc.
Man City của Pep không có phong độ nhất quán và sụp đổ ở thời điểm quan trọng. |
Pep có thể đổ lỗi cho thất bại ở lượt về bằng các quyết định sai lầm của trọng tài, về các bàn thắng bị từ chối, song không thể bào chữa cho sự sụp đổ trong suốt tuần qua. Man City đột ngột sa vào thảm họa bởi chính huấn luyện viên người Tây Ban Nha. Ông quá tin tưởng vào triết lý của mình và thay vì thêm vào chút thực dụng, lại chơi với quá nhiều rủi ro.
Tại Bayern, Pep cũng thất bại ở Champions League theo cùng một cách, dù nắm trong tay đội ngũ mạnh nhất nước Đức và 3 lần phá kỷ lục chuyển nhượng trong lịch sử CLB. Chỉ duy ở Barca, cách tiếp cận đầy phiêu lưu của ông mới phát huy tác dụng. Phải chăng vì có Lionel Messi?
Pep nói rằng Man City sẽ chắc chắn vô địch Champions League vào một ngày nào đó, nhưng liệu có tin được lời hứa hẹn này, hay lại giống như cách đây 1 năm, ông tuyên bố "The Citizens" sẽ trở lại tốt hơn?
Chấm điểm và thống kê sau trận đấu giữa Man City và Liverpool. |