Paulo Dybala phải trải qua một trò chơi ú tim khổng lồ của số phận để có được vị thế của một con Át sau tay áo tại ĐT Argentina ở World Cup 2018 như thế nào?
Giống hầu hết danh thủ Argentina trong lịch sử, Dybala là dân nhập cư. Nhưng khác với Diego Maradona hay Lionel Messi gốc Italy, Gonzalo Higuain gốc Pháp, những quốc gia tư bản Nam Âu có nền kinh tế tương đối phát triển, dòng họ của Dybala tới từ Đông Âu mà cụ thể là Ba Lan.
Ông nội của Dybala, Boleslaw sinh ra tại Krasniow, một ngôi làng ở vùng nông thôn Opatowiec tại Ba Lan. Trong thế chiến thứ hai, ông Boleslaw bị Đức quốc xã ép tới Đức làm việc. May mắn sống sót trở về quê hương nhưng ông Boleslaw đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Trong giới tù nhân bị Đức quốc xã cưỡng bức khổ sai khi đó có một tin đồn về chuyện vượt biên sang miền đất hứa Argentina, ông Boleslaw nghe được điều này và quyết định lên đường. Chỉ có điều, ông không có người dẫn đường, không có cả la bàn. Một cuộc ra đi tìm miền đất hứa một mất một còn theo đúng nghĩa đen chờ Boleslaw.
Sóng biển, bão táp không nhấn chìm con tàu đi tìm miền đất hứa, nhưng nó lại đưa Boleslaw tới… Mỹ thay vì Argentina. Ngay khi thấy đất liền, ông nội Dybala leo vội lên bờ trước khi thiếp đi bên một ruộng ngô. Hai tuần sau Boleslaw mới tỉnh dậy trong tình trạng suy kiệt trầm trọng, nhưng số phận đã mỉm cười khi nhóm người tìm ra Boleslaw nằm lăn lóc bên ruộng ngô tới từ chính Argentina.
Hiểu được nguyện vọng của ông, họ đưa ông tới miền đất hứa Tango với điểm đến sau cùng là ngôi làng Laguna Larga thuộc tỉnh Cordoba. Tại đây ông Boleslaw kết hôn, sinh con đẻ cái trước khi qua đời vào năm 1995, khi đứa cháu út Paulo Dybala mới chỉ 2 tuổi.
Dybala thừa hưởng đam mê bóng đá từ cha, ông Aldolfo, người vốn là tiền vệ của CLB thuộc biên chế phân xã thư viện Atletico. Năm 4 tuổi, Dybala đã lần đầu chơi đùa với trái bóng. Suốt những năm tháng thơ ấu, anh cùng những người bạn là con cái của đồng nghiệp ông Aldolfo mân mê quả bóng ở bãi phế liệu.
Năm lên 10, Dybala dễ dàng vượt qua vòng tuyển chọn học viên của Newell’s Old Boy, Nhưng vì nhà xa, ông Adolfo chỉ có thể cho cậu con trai đi học tại CLB Instituto Atletico thuộc vùng Cordoba. Nhưng tài năng của Dybala sớm vượt xa khỏi CLB bé nhỏ ấy.
Santos Turza, chuyên gia săn đầu người của CLB này đã ngỡ ngàng khi thấy màn trình diễn của Dybala trên sân tập và sớm bảo với ông Adolfo dồn toàn lực đầu tư cho cậu con trai. “Thằng bé xứng đáng với những điều tốt hơn thế”, Turza nói.
Ông Adolfo ngày qua ngày đưa Dybala vượt qua quãng đường 65 km để đi tập với ước nguyện được thấy cậu con trai trở thành một cầu thủ nổi tiếng. Nhưng rồi mọi chuyện đổ sụp xuống vào năm 2006 khi ông Adolfo bị phát hiện mình ung thư tuyến tụy.
Dybala sau này kể lại rằng ông Adolfo đã giấu nhẹm chuyện mình bị ung thư để dồn hết gia tài cho tương lai của anh.
Tháng 9/2008, ông Adolfo qua đời trước khi kịp thấy cậu con út của mình trở thành một cầu thủ bóng đá. Cái chết của cha ám ảnh tiền đạo người Argentina suốt một thời gian dài.
“Hôm nay, khi ngồi nói chuyện với mẹ, tôi vẫn bảo trong giấc mơ, thi thoảng tôi lại nhìn thấy cha và lúc thức dậy nước mắt cứ trào ra”, Dybala chia sẻ trên tờ Nacion
Tiền là điều duy nhất khiến Dybala phải cố gắng sống vào thời điểm đó. Anh cần tiền để trả hóa đơn tiền điện, học phí, thuốc men cho gia đình. Tiền cũng là lý do lớn nhất để Dybala gắn liền với bóng đá. Hãy nhớ rằng khi ấy Dybala mới chỉ 15 tuổi mà thôi.
Những đồng đội của anh tại CLB Instituto gọi Dybala với biệt danh “El Pibe De La Penssion”, có nghĩa là ông cụ non chưa đi làm đã lo sổ hưu. Thật sự Dybala đã muốn bỏ bóng đá ngay sau khi nhận ra rằng vì nó mà cha anh phải chết.
17 tuổi, hai năm sau cái chết của người cha, Dybala trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Sân khấu đầu tiên anh chơi là giải hạng nhì Argentina. Gần như ngay lập tức Dybala thổi một cơn cuồng phong khi ghi 17 bàn/40 trận, phá kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại sân chơi này của huyền thoại Mario Kempes.
Dybala được đặt biệt danh ngay sau chiến tích này, anh được các phóng viên ưu ái gọi với cái tên La Joya nghĩa là “Viên ngọc quý”. Có lẽ chính Dybala cũng không thể nghĩ rằng cái tên mỹ miều ấy sẽ sớm bùng nổ trên bầu trời bóng đá thế giới.
Kết thúc mùa giải bùng nổ ấy, Dybala lọt vào tầm ngắm của một vài những CLB lớn tại châu Âu. Nổi bật trong số này là Inter Milan. Nửa xanh thành Milan khi ấy đã cử hẳn Javier Zanetti tới để bí mật đàm phán mang Dybala về sân Giuseppe Meazza. Inter khá thoải mái vì không có CLB nào đủ tiềm lực cạnh tranh với họ.
Chính sự chủ quan ấy đã khiến Nerazzurri phải trả giá. Palermo, CLB thuộc đảo Sicilia với ông chủ nổi tiếng đồng bóng Maurizio Zamparini, đã cuỗm mất Dybala ngay trước mũi Inter. Câu chuyện Palermo “tìm ra” Dybala tới giờ vẫn hấp dẫn không kém gì kịch bản Hollywood.
Palermo khi ấy vốn đã nổi tiếng với tài tìm tài năng trẻ và đang có mặt tại Argentina để đưa Franco Vazquez khi đó đang khoác áo Belgrano về sân Renzo Barbera. Tại nhà hàng diễn ra bữa tối giữa GĐTT của Palermo, Luca Cattani và đại diện của Belgrano còn tình cờ có sự xuất hiện của chủ tịch Instituto, ông Juan Carlos Barrea.
Được mời dùng bữa tối, ông Barrea úp mở: “Tôi còn có một cầu thủ hay hơn cả Vazquez kia”. Đó chính là Dybala. Nuốt từng lời Barrea nói, Cattani bị thuyết phục hoàn toàn về việc Palermo phải có được Dybala.
GĐTT của Palermo nhanh chóng trở lại Italy với nguyện vọng thuyết phục ông chủ Zamparini chi tiền mua Dybala. Sau cùng với vô vàn khó khăn, Palermo cũng có La Joya với mức phí chuyển nhượng lên tới 15,6 triệu euro, cao nhất lịch sử CLB.
Chơi cho Palermo 3 năm, Dybala có 21 bàn thắng cho đội bóng đảo Sicilia, giúp CLB này thăng hạng Serie A trước khi chơi bùng nổ vào mùa giải 2014/15 với 13 bàn tại Serie A. Danh tiếng của Dybala sớm vượt khỏi sân Renzo Barbera. Câu chuyện chỉ còn là việc đâu là điểm đến của La Joya.
Juventus cuối cùng là CLB có được “Viên ngọc quý” xứ sở Tango với giá 32 triệu euro kèm 8 triệu phụ phí từ Palermo. Dybala tới Juve trong đợt biến động nhân sự lớn nhất trong nhiều năm của Juve.
Andrea Pirlo, Carlos Tevez, Arturo Vidal đều dứt áo ra đi, thay vào đó là Dybala, Mario Mandzukic, Simone Zaza... Không thể nói mọi thứ dễ dàng cho Dybala. Juve chơi rất tệ trong 10 vòng đầu mùa, họ thua Udinese, thua Roma thua cả Napoli lẫn Sassuolo.
Tình thế tại Juve căng như dây đàn, HLV trưởng Max Allegri đày Dybala lên ghế dự bị. “Họ đang giết chết thằng bé”, ông chủ Zamparini từ Palermo quả quyết từ xứ đảo Sicilia. Dybala khi ấy nhận chiếc áo số 21 mà Pirlo bỏ lại, nhưng phép màu của thiên tài người Italy không nảy lên dưới đôi chân Dybala.
Nhưng đó cũng là quãng thời gian cuối cùng mà Dybala bị nghi ngờ tại Juve. Sau 10 vòng đầu thảm họa, Juve thắng một mạch cho tới khi… vô địch. Dybala ghi 19 bàn sau 34 trận cả mùa tại Serie A. Ở Champions League anh sút tung lưới Manuel Neuer, không ai còn nghi ngờ La Joya nữa.
Sự nghiệp sau đó của Dybala căng vút như diều gặp gió. Anh giành Scudetto trong cả ba mùa khoác lên mình chiếc áo sọc trắng đen, từng lập cú đúp nhấn chìm Barcelona, và một lần lọt vào trận chung kết Champions League.
Những tin đồn về việc anh chuyển tới Real Madrid hay Barcelona ngày một gia tăng. Lúc này, Juve hiểu rằng họ phải trao cho Dybala vinh dự lớn bậc nhất lịch sử CLB: chiếc áo số 10.
Omar Sivori, Giampiero Boniperti, Michel Platini, Roberto Baggio, Alessandro Del Piero là những danh thủ lừng lẫy từng khoác lên mình chiếc áo số 10 màu trắng đen. Giống với chiếc áo số 7 tại MU, đây là số áo chỉ dành cho những biểu tượng của CLB. Dybala ở tuổi 24 đã có được vinh dự đó. Dĩ nhiên, La Joya không làm tất cả phải thất vọng.
Anh ghi 11 bàn/6 vòng đầu tại Serie A 2017/18. Lịch sử Juve chưa từng chứng kiến phong độ ghi bàn nào hủy diệt đến vậy. Kết thúc mùa giải, Dybala có được 22 bàn tại Serie A và là chân sút hay nhất cả đội, vượt mặt cả người đồng đội Gonzalo Higuain.
Kiểu ăn mừng để ngón tay ngang mặt của Dybala trở thành cơn sốt tại Italy. Những chiếc áo số 10 bán chạy như tôm tươi.
12 năm sau ngày ông Adolfo qua đời, Dybala đã thực hiện trọn vẹn nguyện vọng của người cha là trở thành danh thủ bóng đá thế giới. Anh không bao giờ quên mình xuất phát từ đâu và chiến đấu vì điều gì.
Mỗi lần ghi bàn Dybala đều giơ hai tay lên trời như một cách để ghi ân tới ông Adolfo, người cha quá cố đã hy sinh tất cả để anh có được cơ hội theo đuổi ước mơ trái bóng tròn.
Đá tiền đạo, thuận chân trái, biết sút phạt và đeo áo số 10, không ai không liên tưởng Dybala tới Lionel Messi. Không thể nói điều ấy dễ dàng gì với Dybala. Anh bị những HLV trưởng ĐT Argentina e ngại không dám sử dụng vì sợ dẫm chân ông chủ của cả đội.
Bản thân Dybala cũng “biết thân biết phận” mà nói khéo để xoa dịu cái tôi của Messi. “Messi là thần tượng của tôi”, Dybala nói vào tháng 4/2016. 16 tháng sau ngày thừa nhận sự yếm thế với bậc đàn anh, Dybala lần đầu lên tiếng về mối quan hệ của anh với El Pulga. “Tôi không thích chơi cạnh Messi”, Dybala thừa nhận.
Phát biểu này gây sốt vào thời điểm đó tới mức cả Mario Kempes lẫn HLV Jogre Sampaoli đều phải nói đỡ cho Dybala. “Tôi nghĩ cậu ấy không có ý xấu. Cậu ấy chỉ nói rằng là không vui khi đá cạnh Messi, chứ không nói rằng không cố gắng để cả 2 có thể chơi bên cạnh nhau”, ông Sampaoli xoa dịu dư luận.
Đó là thời điểm mà La Joya đang chơi bùng nổ trong màu áo Juve sau một mùa hè bị loại khỏi đội hình ĐT Argentina tham dự Copa America 2016. Dybala hiểu mình xứng đáng với điều gì. Phát biểu ấy cũng trực tiếp đặt anh vào thế đối đầu với Messi tại ĐT Argentina.
Câu chuyện xảy ra sau đó với Dybala thật khó tránh. Anh chỉ được triệu tập nhỏ giọt, và chơi bóng trong sự ghẻ lạnh của các đồng đội, những người đều theo “phe Messi’. Tháng 3/2018, ông Sampaoli thừa nhận Dybala khó có thể đến World Cup 2018 vì “không tương thích” với lối chơi của các đồng đội.
Nhưng rồi bằng cách nào đó ông Sampaoli đã đổi ý bất chấp chuyện Dybala chỉ nổ súng 1/7 trận cuối mùa tại Serie A. Dường như ông đã nhận ra rằng La Joya có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn bất kỳ ai tại đội hình ĐT Argentina. Anh mất cha khi chỉ mới 15 tuổi, phải sống cùng ám ảnh mình lấy hết tiền chữa bệnh của cha dưới sự nghèo túng và chỉ có thể vươn lên bằng tài năng bóng đá.
Tới khi sang châu Âu chơi bóng, Dybala sắm vai những hợp đồng đắt giá tại các CLB mình chơi để rồi cuối cùng là chiếc áo số 10 huyền thoại của Juventus.
Sức ép đặt lên vai Dybala luôn thường trực và chỉ tăng lên chứ không bao giờ giảm đi. Dybala không bao giờ chịu khuất phục trước điều ấy, anh sống cùng và tìm cách quật ngã nó.
Sampaoli cần điều ấy ở ĐT Argentina hè này. Ông có Lionel Messi, siêu sao với khả năng định đoạt bất kỳ trận cầu nào, nhưng Gonzalo Higuain hay Sergio Aguero không phải những mẫu cầu thủ chịu đựng được sức ép trong các trận cầu quyết định.
Dybala sẽ là hy vọng của Sampaoli dù chỉ từ băng ghế dự bị. Anh cũng sẽ là minh chứng cho chút quyền lực còn sót lại ít ỏi của Sampaoli tại ĐT Argentina vốn bị chi phối quá sâu đậm bởi Messi.
25 tuổi, Dybala sẽ tới World Cup không phải chỉ để dạo chơi. Ở một khía cạnh nào đó, anh mới là niềm hy vọng lớn nhất của Argentina, chứ không phải siêu sao Messi cùng những người bạn Higuain, Aguero đen đủi.