Cuốn sách Park Hang-seo - Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc của tác giả Lê Huy Khoa Kanata, do NXB Tổng hợp TP HCM phát hành. Là trợ lý ngôn ngữ của đội tuyển U23 Việt Nam, tác giả Lê Huy Khoa gần gũi và quan sát vị HLV trưởng, từ đó đưa ra phân tích những triết lý, bí quyết của HLV Park Hang-seo khi dẫn dắt đội U23 Việt Nam lập nhiều kỳ tích.
Thẳng thắn, trực tính, kỷ luật, thực dụng
Trong sách, tác giả Lê Huy Khoa cho rằng Park Hang-seo là một người Hàn Quốc điển hình. Người Hàn Quốc với những đặc điểm tính cách như nhanh, nóng vội, đặt nặng tính thực dụng, kỷ luật, trên dưới rõ ràng. “Ông Park Hang-seo là một người Hàn Quốc và cách cầm quân của ông cũng phản ánh tính cách của người Hàn Quốc”.
Cuốn sách của Lê Huy Khoa phân tích những tính cách, bí quyết, chiến thuật của HLV Park Hang-seo. |
Theo tác giả Lê Huy Khoa, Park Hang-seo là người luôn tạo áp lực lên người khác. Trên sân tập, nhiều khi thấy ông quát tháo. Nhiều khi tiếng quát làm cho người khác cảm thấy hết sức sợ hãi. Có khi ông nắm tay, nắm áo cầu thủ để làm mẫu mà khiến cho cầu thủ phải ngã dúi dụi hoặc lảo đảo. Không chỉ riêng cầu thủ, bất cứ ai ông cũng sẵn sàng tranh cãi, đôi co nếu có điều gì đó không hài lòng, kể cả trọng tài hay ban tổ chức.
Park Hang-seo chỉ cao 1,64 m, nhưng “gần như không ai đuổi kịp bước đi của ông”. Ông luôn yêu cầu “nhanh nhanh”, di chuyển và thực hiện mọi việc phải rất nhanh. Chậm chạp trong di chuyển một chút sẽ khiến ông nổi nóng. Cầu thủ chậm hiểu ý kiểu gì ông cũng để ý. Họp hành, ông yêu cầu phải truyền đạt nội dung khổng lồ trong vòng 5 - 10 phút khiến phiên dịch luôn “bở hơi tai với ông”.
Vị HLV người Hàn Quốc là người “ngoài bóng đá ra ông chẳng biết gì” và luôn hết lòng vì công việc. Ông chỉ nghĩ về bóng đá và nhiều đêm mất ngủ vì trận đấu. Khi các phóng viên hỏi ông về lịch nghỉ Tết sắp tới, ông đều quay sang trợ lý ngôn ngữ hỏi: Sao người Việt cứ nói về nghỉ Tết thế nhỉ, còn lâu mới Tết, mà sao chưa xong việc cứ hỏi Tết là sao?
Ở Hàn Quốc có một thế hệ đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra kỳ tích phát triển kinh tế, đó là thế hệ những người Hàn Quốc sinh ra từ những năm 1940-1960. Đặc tính của thế hệ này là hy sinh hết mực và nỗ lực hết mình cho sự phát triển toàn diện của Hàn Quốc. Park Hang-seo là người như vậy. Ông thừa nhận đã hy sinh tất cả vì công việc được giao: bóng đá.
Ở Hàn Quốc thế hệ trưởng thành luôn là tấm gương để các thế hệ tiếp theo phải noi gương. HLV Park áp dụng một phong cách quản lý nhiều khi hơi cũ, truyền thống, nhưng có sự khác biệt với những HLV trẻ trung ngày nay, điển hình là tôn ti trật tự rõ ràng, yêu cầu mọi người phải thực hiện mọi thứ có nề nếp, chào hỏi đúng theo phong cách lễ giáo truyền thống.
Thực dụng được coi là một trong những tính cách điển hình của người Hàn Quốc. Và ông Park Hang-seo lại là điển hình của tính cách điển hình đó. Những động tác thừa trong bóng đá là điều HLV trưởng cấm các cầu thủ. Mọi động tác phải nhắm đến động tác tiếp theo và có mục đích rõ ràng. Ông luôn yêu cầu cầu thủ phải đạt được mục tiêu đề ra cho từng trận đấu hay từng giai đoạn và quán triệt cụ thể mục tiêu này.
Park Hang-seo luôn yêu cầu cầu thủ đặt mục tiêu cho từng trận đấu. Ảnh: Việt Hùng. |
Ông có thể không đưa ra yêu cầu tối thiểu, nhưng kết quả thì phải đạt tối đa. Mỗi phương án hay đội hình thi đấu đều phục vụ một chiến thuật rất rõ ràng và bất cứ sự thay người nào cũng phải có mục tiêu chi tiết, chính xác.
Park Hang-seo thực tế tới mức hiểu rõ ưu nhược điểm của phía ta và phía đối phương, biết đối phương nghĩ gì, phân tích chắc chắn đối phương đang nhắm điều gì ở ta.
Park Hang-seo không bao giờ đề cập đến trận đấu tiếp theo, trận đấu trước mặt luôn là mục tiêu số 1. Ông không nói điều viển vông mà chỉ nói điều trực tiếp có thể xảy ra.
Trên sân ông sẵn sang đưa ra chỉ đạo cần thiết để tạo hiệu quả. Ông dặn không chơi tiểu xảo nhưng những gì cho phép thì cần phải thực hiện.
Ví dụ, thấy cầu thủ Việt thường thua “sấp mặt” khi đá 4 hậu vệ, ông đổi đội hình sang 3 hậu vệ, thực dụng là cách để giải quyết vấn đề phòng ngự tốt nhất. Khi thấy cầu thủ thường thua từ phút 75 trở đi, ông tập trung huấn luyện sửa và yêu cầu tập trung cao độ.
Park Hang-seo còn là người đề cao tính tập thể và kỷ luật. Ông đề ra 5 điều kỷ luật và yêu cầu cầu thủ thực hiện nghiêm chỉnh. Nếu vi phạm, mọi người sẽ tự chịu phạt, kể cả ông. Tất cả mọi thông tin, hành động đều phải được chia sẻ đầy đủ và thống nhất. Có 2 cộng sự người Hàn Quốc tham gia giúp ông luôn quản quân hiệu quả trên nền tảng kỷ luật và sức mạnh tập thể.
Lương duyên với bóng đá Việt Nam
Trước khi gắn bó với đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo chỉ sang Việt Nam hai lần. Lần đầu ông đưa tuyển Hàn Quốc thi đấu tại Việt Nam, lần sau khi ông dẫn dắt đội tuyển Chonbuk Huyndai thi đấu ở TP.HCM.
Khi HLV Hữu Thắng từ chức, Liên đoàn bóng đá Việt Nam tìm kiếm một HLV ngoại. Park Hang-seo không phải ứng cử viên hàng đầu mà chỉ là ứng viên số 3. Theo sách Park Hang-seo Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc, VFF đã không thuyết phục được 2 ứng cử viên đầu.
Người ta nghi ngờ một ông già 60 tuổi sẽ làm được gì ở một nơi mà nhiều HLV ngoại đã thất bại. Ảnh: Tùng Lê. |
Park Hang-seo không phải là cầu thủ giỏi hay một HLV tài năng tột bậc ở Hàn Quốc. Khi trả lời truyền thông, Park Hang-seo nói rằng ông ngạc nhiên khi thấy mình được chọn. “Trong việc lựa chọn lần này, có lẽ vai trò của bầu Đức là rất lớn. Hình như việc mời cặp bài trùng từng là trợ lý của Hiddink, một về nắm tuyển quốc gia, một nắm Hoàng Anh Gia Lai chính là nước cờ của bầu Đức” - sách viết.
Tới nay, mức lương và điều kiện hợp đồng với Park Hang-seo không được tiết lộ. Nhưng dường như bộ phận tài chính của VFF đã quyết định hỗ trợ tài chính để VFF có thể đưa về một vị huấn luyện viên cùng ê-kíp có mức lương được coi là cao nhất trong lịch sử.
Khi bức ảnh HLV Park Hang-seo, bầu Đức và Tổng thư ký Lê Hoài Anh chụp ở Seoul đăng tải, nhiều người không tin rằng ông sẽ làm HLV trưởng đội bóng Việt Nam. “Họ không tin rằng một ông già 60 tuổi, không có sự nghiệp gì lẫy lừng, có khi chọn Việt Nam để giải tỏa nỗi buồn sự nghiệp, có thể làm ra một trò trống gì ở đất nước mà tình yêu dành cho bóng đá nhiều hơn cả đức tin tôn giáo”.
Lúc ấy, nhật báo Hanbook còn đăng: Bán tín bán nghi, không biết ông ấy sẽ làm gì ở một đất nước được mệnh danh là “mồ chôn huấn luyện viên ngoại”. Trước đó, không ít HLV bóng đá Hàn Quốc dẫn dắt các đội tuyển quốc gia Myanmar, Campuchia nhưng đều thất bại.
Gắn bó chưa lâu, nhưng ông Park Hang-seo cùng bóng đá Việt đã lập nên những kỳ tích. |
Sau thành công của Park Hang-seo với U23 Việt Nam, vị trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đã đưa ra câu hỏi “tại sao không tuyển dụng Park Hang-seo trước đây?” cho nhiều người, kể cả người trong và ngoài ngành bóng đá Hàn Quốc.
Tác giả nhận được một câu trả lời đầy ý nhị: Ở Hàn Quốc, làm gì cũng phải có hệ thống, có mối quan hệ, mà tính của ông Park Hang-seo thẳng và trực tính nên có thể không hợp hay chăng.