Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Sống sao để khi mất đi, người đóng đinh cho quan tài mình cũng khóc’

Câu nói của Lưu Quang Vũ về việc phải sống tử tế khiến người em Lưu Quang Định luôn ghi nhớ và noi theo khi nghĩ về anh trai mình.

Nhà báo Lưu Quang Định kém anh trai Lưu Quang Vũ 18 tuổi. Về tuổi tác, Lưu Quang Định chỉ lớn hơn con trai của Lưu Quang Vũ (Lưu Minh Vũ) vài tuổi. “Anh Vũ học cấp 3, và thường bị bạn bè trêu chọc vì hai điểm: anh chuẩn bị tốt nghiệp rồi mà mẹ mới đẻ thêm em bé, và tới lúc đó anh mới tập đi xe đạp”, nhà báo Lưu Quang Định nói.

Nụ cười hiền của Lưu Quang Vũ

Do chênh lệch tuổi tác, nên thời gian hai anh em Lưu Quang Vũ - Lưu Quang Định không gần gũi nhau nhiều. Người em chưa kịp lớn để nhận thức sâu sắc nhiều điều thì người anh đi bộ đội. Khi Lưu Quang Định 18 tuổi thì đi du học nước ngoài, và thường liên lạc với “anh Vũ, chị Quỳnh” qua thư từ.

Luu Quang Vu va cach song tu te anh 1
Lưu Quang Vũ là người hiền lành, vui tính trong mắt em trai.

Những tháng ngày sống gần anh chị Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh để lại cho Lưu Quang Định nhiều kỷ niệm. Hồi đó, tại căn nhà tập thể văn nghệ sĩ số 96 phố Huế, Lưu Quang Định sống cùng mẹ trong một căn hộ tập thể tầng 2, nhà Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ở tầng 3, nhà chồng cũ của Xuân Quỳnh cùng con ở tầng 4. Lưu Quang Định là chú của Lưu Minh Vũ, lại thêm Lưu Tuấn Anh (con riêng của Xuân Quỳnh) ở chung số nhà, lại sàn sàn tuổi nhau nên khi đi học, ba người thường bị nhầm là có họ hàng, chú cháu với nhau.

Nói vậy để thấy, trong số họ, có người là máu mủ ruột rà, có người là ngoại tộc, nhưng họ đã sống chan hòa, yêu thương nhau như trong một gia đình.

Lưu Quang Vũ trong ký ức người em trai là người hiền lành, vui tính. Thời còn khó khăn, Lưu Quang Vũ không tâm sự nhiều với người em. “Nhà đông anh em, 6 người. Tôi nhỏ tuổi, nên anh Vũ không tâm sự nhiều. Nếu có tâm sự thì tâm sự với chị Khánh Thơ. Vũ hay đưa tôi đi chơi, nếu có tiền sẽ cho em đi ăn kem. Khi tôi làm bích báo, nếu cần thơ, họa, chỉ cần nhờ anh Vũ chưa tới 10 phút là có ngay bài đẹp”, nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại.

Ngày Lưu Quang Vũ mới lấy nghệ sĩ Tố Uyên, họ sống trong một căn phòng bé xíu. Tố Uyên là diễn viên xinh đẹp, nổi tiếng, có rất nhiều bạn bè tới chơi. Trong khi đó, Lưu Quang Vũ là thi sĩ thích tĩnh lặng. Bạn bè Tố Uyên tới chơi cười nói vui vẻ, mà Lưu Quang Vũ chẳng biết làm thế nào, chỉ ngồi cười hiền. Bạn bè Tố Uyên thấy vậy tưởng anh gặp vấn đề gì mà ngồi ngô nghê im lặng, liền chạy về, không dám ngồi lâu nữa.

Chạy trốn vì các đoàn kịch tới đặt hàng

Khi các vở diễn của Lưu Quang Vũ thành công, anh trở nên “đắt show”. Nhiều đoàn nghệ thuật đến đặt hàng viết kịch bản, có hôm Lưu Quang Vũ phải chạy trốn. Nhà báo Lưu Quang Định nhớ nhà Lưu Quang Vũ ở tầng 3 khu tập thể, nhà mẹ của Vũ ở tầng 2. Có những hôm Lưu Quang Vũ không dám về nhà mà trốn xuống nhà mẹ ngồi, sợ bị người từ các đoàn kịch tới bắt gặp.

Luu Quang Vu va cach song tu te anh 2
Nhà báo Lưu Quang Định (trái) và nhà thơ Xuân Quỳnh khi nữ sĩ tới Nga công tác. 

Chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi ngồi lâu thì ai cũng phải đi vệ sinh. Mà hồi đó nhà tập thể cũ không có nhà vệ sinh riêng; mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh cho nhiều hộ dùng chung. Nhà viết kịch nổi tiếng ngồi mãi trong nhà mẹ thì không thể nhịn, vừa lò dò ra ngoài đi vệ sinh đã bị người ta chờ ở đó: “A, bắt được ông Vũ rồi”.

Hồi ấy cả xã hội nghèo. Người ta cứ bảo Lưu Quang Vũ viết nhiều như thế, thành công thế phải giàu lắm. Nhưng khi anh chị mất rồi, gia đình lên nhà, căn phòng 9m2 chỉ toàn sách vở. Tìm mãi có 7 chỉ vàng kẹp trong quyển sách. Đó là tài sản hiện vật mà nhà viết kịch, nhà thơ nổi tiếng để lại.

Mùa hè định mệnh năm 1988, Lưu Quang Định là sinh viên du học nước ngoài được về nhà nghỉ phép 2 tháng. Ngày 25/8, gia đình Lưu Quang Vũ đi Hải Phòng, còn Lưu Quang Định chuẩn bị quay lại trường học. Trước khi đi, anh Vũ  xuống nhà cho em trai ít tiền, bảo để mua ít đồ khi đi học. Xuân Quỳnh trước khi đi cũng dặn dò người em chồng: “Định đi mạnh giỏi nhé! Khi nào anh chị sang Liên Xô thì Định đưa đi chơi nhé!”. Vậy mà họ không kịp đưa nhau đi chơi như lời Xuân Quỳnh nói.

Luu Quang Vu va cach song tu te anh 3
Hàng năm, các chương trình nghệ thuật tưởng nhớ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ vẫn được thực hiện. Trong ảnh là đêm nghệ thuật "Tình yêu ở lại" diễn ra tối 26/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Cho tới khi Lưu Quang Vũ qua đời, mỗi khi nhớ tới người anh, nhà báo Lưu Quang Định đều nghĩ về sự tử tế. “Anh Vũ vẫn nói: Sống ở trên đời làm sao để khi mình mất đi người đóng đinh cho quan tài của mình cũng phải khóc. Chúng tôi sống theo thế. Muốn tài năng hay không cũng phải sống tử tế, không làm điều ác gì cho ai. Chúng tôi mỗi người làm một nghề khác nhau, người làm kinh doanh, người thể thao, người làm khoa học, làm báo… nhưng đều yêu văn chương. Anh Vũ như một tấm gương để anh em nhìn vào”, nhà báo Lưu Quang Định nói. 

Theo nhà báo Lưu Quang Định, khi Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ mất đi, di sản của họ đã được khai thác và vinh danh. Cả hai đều được giải thưởng cao quý nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Tác phẩm của họ được thế hệ sau đón nhận. Con người họ được bạn hữu thương nhớ. Gia đình sẽ tiếp tục số hóa tác phẩm của họ để việc lưu giữ, truyền bá tác phẩm được tốt hơn. 



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm