Thương hiệu Paris Baguette đang bị tẩy chay ở Hàn Quốc vì "vô cảm" trước cái chết của một công nhân. Các cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay công ty mẹ SPC đang lan rộng, theo Korean Times. Tổng thống Hàn Quốc cũng đã phải lên tiếng về sự việc.
Biểu tình trước 1.000 cửa hàng
Hôm 15/10, một nữ nhân viên 23 tuổi tại nhà máy liên kết với tập đoàn SCP - chủ sở hữu thương hiệu Paris Baguette - ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi đã chết trong một vụ tai nạn khi bị cuốn vào phần trên của máy trộn sốt cho bánh mì sandwich. Vụ tai nạn đã khiến nhân viên này tử vong, thi thể của cô được đồng nghiệp tìm thấy sau đó.
Tuy nhiên, có thông tin tiết lộ rằng nhà máy vẫn tiếp tục vận hành hai máy tại nơi xảy ra vụ tai nạn một ngày sau khi nhân viên này thiệt mạng. Ngoài ra, một tuần trước đó, nhà máy đã xảy ra một vụ tai nạn khác khi tay của một nhân viên vướng vào máy móc của dây chuyền sản xuất khác nhưng không được đưa đến bệnh viện do là công nhân làm thời vụ.
Để lên án hành vi của SPC, một nhóm công đoàn viên và công chúng đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm trước trụ sở chính của công ty. Họ cũng tổ chức các cuộc biểu tình một người trước 1.000 cửa hàng Paris Baguette hôm thứ năm. Paris Baguette là thương hiệu nhượng quyền thương mại của SPC có hơn 3.400 chi nhánh trong cả nước.
Nhiều người đặt hoa tưởng niệm nữ công nhân qua đời trước trụ sở SPC ở Seoul. Ảnh: Yonhap News. |
Yim Min-gyung, một thành viên của Hiệp hội Lao động nữ Hàn Quốc đã tham gia lễ tưởng niệm, cho biết công ty này đã tiếp tục coi thường vấn đề an toàn và sức khỏe của người lao động. Khoảng 50% thợ làm bánh nữ mang thai khi làm việc tại SPC bị sảy thai do lao động quá sức và công ty đã gây bất lợi cho những người lao động phản đối bằng cách từ chối cho họ nghỉ việc, cô nói.
Tổng Liên đoàn Lao động CGT của Pháp (Confederation Generale du Travail) cũng bày tỏ sự tiếc thương về vụ tai nạn và tuyên bố sẽ tham gia biểu tình đoàn kết vào lúc 11h30 sáng thứ năm theo giờ địa phương. Công đoàn sẽ tập hợp trước chi nhánh Paris Baguette ở Chatelet, Paris để lên án việc SPC đối xử vô nhân đạo đối với công nhân và vi phạm các quyền cơ bản của con người. SPC điều hành năm chi nhánh Paris Baguette tại thủ đô của Pháp, đã ra mắt tại đây vào năm 2014.
Trong khi đó, sự phẫn nộ của công chúng đối với SPC ngày càng lớn, dẫn đến việc tẩy chay không chỉ Paris Baguette mà một số thương hiệu thực phẩm và đồ uống trực thuộc SPC khác. Tập đoàn này điều hành hàng chục thương hiệu thực phẩm, đồ uống và tráng miệng, bao gồm Baskin Robbins, Dunkin Donuts, Shake Shack và Samlip.
Một số người dùng viết: “Chúng tôi không ăn bánh mì dính máu của người lao động". Nhiều người chia sẻ logo của các thương hiệu liên kết với SPC trên mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến.
Yang Tae-hyeon, 30 tuổi, một nhân viên văn phòng cho biết: “Tôi quyết định tẩy chay vì tôi cảm thấy kinh hoàng trước quyết định của công ty để nhà máy tiếp tục hoạt động sau khi một công nhân mất mạng trong ca làm việc của cô ấy”.
Một nhân viên văn phòng khác, Kim Yoo-jin, 31 tuổi, cho biết: “Thật đáng tiếc là cuộc tẩy chay, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, có thể gây thiệt hại cho những người lao động khác và các công ty nhượng quyền. Tuy nhiên, tôi hy vọng SPC nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình và bắt đầu cung cấp một môi trường làm việc an toàn hơn".
Các hashtag bao gồm "Tẩy chay SPC" và "Phong trào không mua" đã trở thành xu hướng trên Twitter.
Art work tẩy chay các thương hiệu của SPC lan truyền trên MXH. Nguồn: Jo Jeong-eun. |
Theo phân tích của công ty dữ liệu lớn địa phương TDI về từ khóa "SPC", số lượng kết quả tìm kiếm đã tăng mạnh từ mức trung bình khoảng 2.000 lên hơn 164.000 vào thứ Ba. Các cụm từ tìm kiếm liên quan bao gồm "thương hiệu SPC", "tẩy chay", "tai nạn" và "tử vong".
Nhiều người đồng tình rằng các công ty lớn đã vượt qua ranh giới trong việc tầm thường hóa sự an toàn và tính mạng của người lao động. Công chúng đã biến sự tức giận của họ thành hành động biểu tình.
Tổng thống Hàn Quốc lên tiếng
Trong khi đó, Tòa án quận trung tâm Seoul đã ra phán quyết bác bỏ cuộc biểu tình của nhóm một ngày trước đó. Theo phán quyết của tòa án, các thành viên công đoàn và các tổ chức không được tổ chức biểu tình một người trong vòng 100 m trước bất kỳ cửa hàng SPC. Tòa án đã tuyên bố những ai vi phạm phán quyết sẽ bị phạt 1 triệu won (699 USD).
Tuy nhiên, các hội nhóm và đoàn thể cho rằng phán quyết của tòa án là không thể chấp nhận được và đã tổ chức các cuộc biểu tình một người trên toàn quốc theo kế hoạch.
Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết ông đã yêu cầu được thông báo về các chi tiết về vụ tai nạn. Trên đường tới văn phòng tổng thống hôm thứ năm, ông nói với các phóng viên Hàn Quốc rằng "đó là một sự kiện đáng thất vọng".
Vị tổng thống này cho biết Bộ Việc làm và Lao động đã điều tra hiện trường ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra và dừng hoạt động của các máy móc không có thiết bị bảo vệ tự động trong nhà máy.
"Chúng ta đang sống cùng nhau trong xã hội này. Vì vậy các chủ doanh nghiệp cũng như nhân viên, mọi người đều cần được tôn trọng" tổng thống nói.
Kể từ 17h thứ năm, Bộ Lao động và cảnh sát đã bắt đầu một cuộc điều tra khám xét và thu giữ tại trụ sở chính của nhà máy Pyeongtaek. Văn phòng Lao động và Việc làm quận Gyeonggi cho rằng vụ tai nạn chết người là do không có thiết bị bảo vệ tự động hoặc khóa liên động trên máy.