Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tính đến hết năm 2020, 100 người giàu nhất nước này sở hữu 20.689 căn bất động sản với tổng giá trị khoảng 1,77 tỷ USD. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi cá nhân sở hữu 207 căn hộ, tương đương 17,7 triệu USD.
Theo tờ Korea Times, con số này vào năm 2016 mới chỉ là 17.244 căn với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD. Tính đến đầu năm 2021, nghĩa là chỉ trong vòng 5 năm, khối tài sản của mỗi chủ sở hữu này đã tăng gần gấp đôi nhờ việc việc gia tăng số lượng và giá trị bất động sản.
Để tìm hiểu sâu hơn về khối tài sản của giới nhà giàu, vào tháng 4, tổ chức tư vấn trực thuộc Ngân hàng Hana đã cho ra mắt "Báo cáo về sự giàu có của Hàn Quốc năm 2022" (2022 Korean Wealth Report). Được biết, bản báo cáo tập trung vào so sánh đặc điểm của nhóm những người "trẻ và giàu" với những người "già và giàu".
Theo đó, cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2021. Điều kiện để trở thành "người giàu" trong nghiên cứu này là mỗi cá nhân tham gia phải có ít nhất 700.000 USD (1 tỷ won) tài sản cơ bản. Sau đó, những người tham gia sẽ được chia thành 2 nhóm, người trong độ tuổi từ 19 đến 49 được xếp vào nhóm "người trẻ" còn từ 50 tuổi trở lên là nhóm "người già".
Trung bình mỗi người giàu Hàn Quốc sở hữu hơn 200 bất động sản. Ảnh: Bloomberg. |
Báo cáo cho biết, mỗi người Hàn Quốc thuộc nhóm "trẻ và giàu" sở hữu khối tài sản trung bình trị giá gần 4,7 triệu USD (6,6 tỷ won) và thêm khoảng 2 bất động sản. 30% trong số họ hiện là nhân viên văn phòng, tiếp đến là các ngành nghề mang tính chuyên môn như bác sĩ và luật sư với tỷ lệ 20%. Đặc biệt, 37% trong số những họ cho biết mình đang sống ở khu Gangnam hoa lệ.
Trong khi đó, trung bình mỗi người thuộc nhóm "già và giàu có" đang sở hữu khối tài sản khoảng 5,6 triệu USD (8 tỷ won) cùng với 1,5 căn nhà.
Theo báo cáo, cả hai nhóm này đều có danh mục tài sản tương tự như nhau, với 60% là tài sản bất động sản và 40% là tài sản tài chính. Được biết, khối tài sản đến từ việc đầu tư và nắm giữ cổ phiếu chiếm 25% tổng giá trị tài sản tài chính.
Nhận xét về điều này, ông Hwang Sun-kyung - nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Tài chính Hana - cho biết: "Những người trẻ tuổi trở nên giàu có thường nhờ vào ý tưởng, còn những người già và giàu có kiếm tiền nhờ lao động".
Trong nhóm người "giàu và trẻ tuổi", có tới 65% đang nắm giữ tài sản ở nước ngoài bao gồm bất động sản và tài chính. Nhóm người này ưu tiên đầu tư vào bất động sản thương mại hơn là bất động sản nhà ở, và 34% cho biết rằng trong tương lai vẫn sẽ tập trung đầu tư vào đất đai.
21% trong số những người trẻ cũng chia sẻ rằng mình có đầu tư vào thị trường tiền mã hóa với số tiền khoảng 70.000 USD, tuy nhiên nhiều người trong số họ đang có ý định tạm dừng khoản đầu tư này vì thị trường bất ổn.
Quận Gangnam - "Beverly Hills của Hàn Quốc" - là nơi giới nhà giàu nước này tập trung. Ảnh: Business Insider. |
Cũng theo báo cáo trên, 45% người trẻ gây dựng khối tài sản của mình từ lương cứng và thu nhập của công việc chính, trong khi 23% cho biết phần lớn tài sản của họ là lợi nhuận kinh doanh. Đặc biệt, có tới gần 20% trong số này coi tiền thừa kế là nguồn tài sản chính.
Bên cạnh đó, 75% người trẻ cho biết thu nhập của mình đến từ 2 hoặc nhiều công việc, như văn phòng kết hợp kinh doanh và đầu tư tài sản khác.
Số triệu phú trẻ tuổi chỉ có 1 công việc và 1 nguồn thu nhập chính đều sở hữu mức lương từ 148.000 USD/năm trở lên. Mặt khác, những người có cả lương và thu nhập từ đầu tư tài sản đều kiếm được từ 340.000 USD/năm trở lên.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Hana, mặc dù cùng thuộc nhóm "trẻ và giàu", khoảng cách giữa những người được thừa kế tài sản và những người không thừa kế là rất lớn. Cụ thể, những người có tài sản thừa kế nắm giữ trung bình khoảng 9 triệu USD (12,8 tỷ won) với 70% là bất động sản. Trong khi đó, những người tự xây dựng khối tài sản của mình chỉ có trung bình khoảng 2,7 triệu USD (3,9 tỷ won) - bằng 1/3 của con số trên.