Bộ Nội vụ vừa có báo cáo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương (PAR Index). Đối tượng PAR Index ở cấp trung ương gồm 21 bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Văn phòng Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ) và 63 UBND tỉnh - thành phố.
Bộ Nội vụ dẫn đầu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết PAR Index cấp bộ gồm 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần; PAR Index cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Sau quá trình triển khai, đến tháng 8/2013, có 21 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh - thành phố gửi báo cáo tự đánh giá, chấm điểm.
“PAR Index thực hiện theo phương pháp tự đánh giá, chấm điểm theo thang điểm quy định. Bộ Nội vụ thẩm định điểm mà các bộ, tỉnh tự đánh giá, chấm điểm với sự tư vấn của hội đồng thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học. Việc điều tra xã hội học tại cấp bộ được tiến hành với 3 nhóm: Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp vụ, sở. Đối tượng được điều tra xã hội học đánh giá các tỉnh gồm đại biểu HĐND, lãnh đạo cấp sở, huyện, người dân và doanh nghiệp” - ông Bình giải thích.
TP.HCM là 1 trong 3 tỉnh, thành đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp địa phương. Trong ảnh: Nhân viên văn phòng UBND quận 1 hướng dẫn người dân làm thủ tục giấy tờ. |
Theo ông Bình, phần lớn báo cáo đều đầy đủ và hợp lệ song cũng có một số còn sơ sài, chưa rõ ràng, tài liệu kiểm chứng chưa đầy đủ. Trên cơ sở này, Bộ Nội vụ đã rà soát lại, chấm điểm theo quy định và đề xuất hội đồng thẩm định công nhận.
Kết quả, vị trí cuối bảng PAR Index cấp bộ là Bộ Y tế. Cùng nhóm đạt kết quả thấp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tư pháp đứng đầu bảng, cùng tốp với các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải.
Nhóm đạt kết quả khá gồm các bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao và Thanh tra Chính phủ. Nhóm thứ 3 - trung bình - là các bộ: Nội vụ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
TP.HCM đứng thứ 3
Kết quả PAR Index cấp địa phương cho thấy Đà Nẵng đứng đầu. Cùng nằm trong nhóm kết quả tốt là 18 địa phương khác, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Tháp, An Giang… Hà Nội được xếp ở vị trí thứ 7.
Nhóm kết quả khá có 33 địa phương, như: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Ninh… Nhóm xếp loại trung bình gồm 5 tỉnh: Bình Phước, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Kon Tum. Đặc biệt, 6 tỉnh bị liệt vào nhóm xếp loại thấp là: Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng và “đội sổ” là Điện Biên.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định PAR Index phản ánh tương đối khách quan, trung thực kết quả triển khai cải cách hành chính thực tế của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương. “Cách làm và kết quả đánh giá này sẽ có tác động tích cực đến chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan trong các năm tiếp theo” - ông Bình nhìn nhận.
Theo ông Bình, để việc xác định PAR Index các năm tiếp theo thêm chính xác, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia cải cách hành chính nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí thực chất, hiệu quả hơn.
Cần nền công vụ chuyên nghiệp
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng vì năm 2014 được xác định là “Năm cải cách thể chế” nên quan trọng nhất là phải xây dựng cho được nền công vụ chuyên nghiệp. “Nếu không có nền công vụ chuyên nghiệp thì rất khó cải cách thể chế cũng như cải cách hành chính. Không nên duy trì mãi chính trị hóa hệ thống hành chính theo cách sắp xếp nhân sự, công tác cán bộ hiện nay, như vậy sẽ làm méo mó hết nền hành chính công vụ” - ông Dũng thẳng thắn.
Để cải cách công vụ, ông Dũng đề nghị đánh giá các cơ quan theo sự hài lòng của người dân qua internet. “Chẳng hạn, tiêu chí tuyển và đánh giá giám đốc sở giao thông vận tải trước hết là địa phương ông ta quản lý không có tắc đường chứ không phải là tiêu chí “được lòng” mọi người. Phải coi tính chuyên nghiệp là đạo đức nghiệp vụ” - ông Dũng ví dụ.