Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đến thăm Palau tuần trước trong khuôn khổ chuyến công du Thái Bình Dương, cáo buộc Bắc Kinh "gây ảnh hưởng một cách thâm hiểm" và "đang theo đuổi các hoạt động gây bất ổn" tại khu vực.
Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. sau đó tiết lộ ông đã nói với ông Esper rằng quân đội Mỹ được hoan nghênh xây dựng căn cứ tại nước ông, quần đảo cách Philippines khoảng 1.500 km về phía đông, Guardian cho hay.
Trong một bức thư dường như được chuyển tận tay cho lãnh đạo Lầu Năm Góc, ông Remengesau kêu gọi Mỹ cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo của nước này.
"Đề nghị của Palau với quân đội Mỹ vẫn đơn giản - xây dựng các cơ sở sử dụng chung, sau đó đến và sử dụng chúng thường xuyên", thư của tổng thống viết.
Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Palau hôm 27/8. Ảnh: Military Times. |
Đề người nhận là ông Esper và được đánh dấu "giao tận tay, Koror, Palau", bức thư cho biết quốc gia 20.000 dân ở Tây Thái Bình Dương rất mong muốn trở thành nơi có các căn cứ trên bộ, cảng và sân bay của quân đội Mỹ.
Ông Remengesau cũng gợi ý rằng sự hiện diện của lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ giúp Palau tuần tra khu bảo tồn biển có diện tích bằng Tây Ban Nha và rất khó để quốc gia nhỏ bé này giám sát.
Palau là quốc gia độc lập, nhưng không có quân đội và Mỹ chịu trách nhiệm phòng thủ theo hiệp định được ký sau khi đảo quốc này độc lập vào năm 1994. Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ có quyền tiếp cận các hòn đảo, dù hiện tại lực lượng này không đóng quân thường trực ở đó.
“Chúng ta nên sử dụng các cơ chế của hiệp định này để thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên của Mỹ ở Palau", thư của ông Remengesau viết. "Quyền của quân đội Mỹ trong việc thiết lập các địa điểm phòng thủ ở Cộng hòa Palau đã không được sử dụng trong toàn bộ thời gian từ khi hiệp định có hiệu lực".
Ông cho biết các căn cứ ở Palau sẽ không chỉ giúp tăng khả năng sẵn sàng cho quân đội Mỹ mà còn giúp ích cho nền kinh tế địa phương, vốn đang gặp khó khăn khi đại dịch Covid-19 gây gián đoạn hoạt động du lịch, nguồn thu chính của nước này.
Ông Remengesau đã nhắc đến quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc để kêu gọi Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Palau.
Đảo quốc Palau. Ảnh: AP. |
Trước cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump năm ngoái, ông Remengesau đã kêu gọi "sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ ở Thái Bình Dương, chúng tôi muốn thấy điều đó xảy ra".
Trong khi Palau tìm cách chào đón khách du lịch và đầu tư của Trung Quốc, đảo quốc Thái Bình Dương vẫn liên tục chống lại ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh.
Palau là một trong bốn quốc gia Thái Bình Dương còn lại công nhận Đài Loan, sau khi Quần đảo Solomon và Kiribati chuyển sang thiết lập bang giao với Bắc Kinh vào năm ngoái.
Song áp lực tương tự đối với Palau là rất lớn. Du lịch chiếm hơn 40% GDP của đất nước, và kể từ tháng 11/2017, chính phủ Trung Quốc đã cấm các công ty lữ hành ở nước này bán tour du lịch trọn gói đến Palau.
Hiệp định giữa Palau với Mỹ - vốn mang lại hỗ trợ tài chính đáng kể và cho người Palau quyền đi lại, sống và làm việc ở Mỹ - đang được đàm phán lại trong năm nay. Thỏa thuận hiện tại sẽ hết hiệu lực vào năm 2024.