Đề nghị tham chiến của Saudi Arabia khiến Thủ tướng Pakistan, ông Nawaz Sharif, rơi vào thế khó xử. Ảnh: AFP |
Trong phần mở đầu của cuộc tranh luận tại Quốc hội hôm 6/4 về việc Pakistan nên tham gia chiến dịch quân sự do Saudi Arabia phát động tại Yemen hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, ông Khawaja Asif, thông báo Riyadh đã yêu cầu Islamabad tham chiến.
"Saudi Arabia yêu cầu chúng ta cung cấp máy bay chiến đấu, tàu chiến và binh sĩ", ông Asif thông báo, nhưng không nói rõ Saudi Arabia muốn Pakistan triển khai lực lượng quân sự ở đâu.
Saudi Arabia, cường quốc mà đa số người dân theo dòng Hồi giáo Sunni tại vùng Vịnh, đã yêu cầu Pakistan – cũng là một nước mà người Hồi giáo Sunni chiếm đa số - tham gia liên minh quân sự do Saudi dẫn đầu. Liên minh này bắt đầu thực hiện các cuộc công kích chống Houthi – lực lượng nổi dậy mà người Hồi giáo Shiite chiếm đa số - ở Yemen từ tháng trước.
Thủ tướng Nawaz Sharif đã dùng lời lẽ nước đôi. Ông liên tục nhắc lại rằng Pakistan sẽ ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với sự "toàn vẹn lãnh thổ" của Saudi Arabia, nhưng không nói cụ thể về bất kỳ mối đe dọa hay hành động nào.
Trước đó, Arif Rafiq, một học giả của Viện Trung Đông tại Washington, Mỹ, nhận định rằng Pakistan chỉ muốn thỏa mãn mong muốn của Saudi Arabia ở mức tối thiểu.
"Có lẽ Pakistan sẽ không tham gia bất kỳ hành động quân sự thực sự nào tại Yemen. Có thể họ sẽ tăng cường an ninh ở biên giới", ông nói với Reuters.
Saudi Arabia có ơn với Sharif. Nạn trốn thuế triền miên đồng nghĩa với việc Pakistan thường xuyên cần tiền mặt từ nước ngoài để tránh khủng hoảng kinh tế. Năm ngoái, Riyadh đã viện trợ 1,5 tỷ USD cho Pakistan. Saudi cũng che chở Sharif sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1999.
Nhưng việc Pakistan tham gia liên minh của Saudi Arabia có thể thổi bùng xung đột tôn giáo trong nước. 1/5 dân số Pakistan là tín đồ Hồi giáo Shiite và những vụ tấn công vào người Shiite đang tăng trong thời gian qua. Can thiệp vào Yemen sẽ khiến cho tình hình của Pakistan – đất nước có 180 triệu dân và sở hữu vũ khí hạt nhân – càng trở nên bất ổn hơn.
Sự can thiệp vào Yemen của Islamabad cũng có thể chọc giận Iran, nước có đường biên giới chung khá dài với Pakistan trong một khu vực đang sôi sục bởi phong trào nổi dậy.
Các đường biên giới chính khác của Pakistan giáp với hai đối thủ truyền kiếp là Ấn Độ và Afghanistan, nơi quân đội Pakistan đang thực hiện những chiến dịch chống phiến quân.
Aitzaz Ahsan, người đứng đầu phe đối lập tại Thượng viện, yêu cầu Sharif làm rõ những lời bình luận của ông.
"Ngài Khawaja Asif nên định nghĩa cụ thể những hành động xâm phạm chủ quyền của Saudi Arabia và phản ứng mạnh mẽ từ Pakistan. Nếu chính phủ muốn điều quân tới Yemen hay Saudi Arabia thì nhiệm vụ của họ là gì?", Aitzaz Ahsan phát biểu.
Những người tham gia cuộc thảo luận cũng chứng kiến những cảnh tượng ồn ào do một đảng đối lập lớn, Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI), đã chấm dứt hoạt động tẩy chay quốc hội trong 7 tháng qua và trở lại nghị viện.
PTI tẩy chay quốc hội và chiếm một phần thủ đô trong các cuộc biểu tình đường phố kéo dài nhiều tháng vào năm ngoái sau khi họ cáo buộc chính phủ gian lận trong bầu cử. Họ kiên quyết phản đối ý tưởng điều quân ra nước ngoài.
Pakistan từng nhiều lần đóng góp binh sĩ vào các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nhưng phần lớn người dân phản đối quân đội tham gia vào mọi chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.
"Pakistan không phải là đầy tớ của Saudi nên không phải thực hiện răm rắp mọi yêu cầu của họ", báo Express Tribune nhận định trong một bài xã luận.
Nhiều nhà phân tích cho rằng quân đội – lực lượng đã kiểm soát đất nước trong hơn một nửa thời gian từ khi Pakistan giành độc lập – sẽ có tiếng nói quyết định. Nhưng các tướng lĩnh vẫn chưa lên tiếng.
Pakistan có gần 1,5 triệu lính thường trực và dự bị nhưng khoảng 1/3 số đó đang làm nhiệm vụ dọc biên giới Afghanistan. Phần lớn lực lượng còn lại canh chừng Ấn Độ - quốc gia có vũ khí hạt nhân. Những lực lượng khác đang thi hành kế hoạch chống khủng bố mới của chính phủ.
Thiếu tướng đã nghỉ hưu Mahmud Ali Durrani, một cựu cố vấn an ninh quốc gia, cho rằng mặc dù Saudi Arabia là "đồng minh đặc biệt" của cả chính phủ và quân đội, sự can thiệp của Pakistan vào Yemen có thể là hành động ko sáng suốt".
Theo Mahmud Ali Durrani, mặc dù Pakistan đã cam kết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Saudi, chính phủ chỉ nên điều quân khi giúp Riyadh chống lại hành động gây hấn.
"Tôi nghĩ rằng phái quân sang một nước thứ ba sẽ là hành động liều lĩnh. Dù chính phủ phê chuẩn giải pháp nào thì nó cũng là một sự lựa chọn tồi tệ đối với Pakistan", ông bình luận.