Ôtô tồn kho hàng ngàn chiếc, giảm giá cả tỷ đồng
Sau tháng 3/2012 với số xe ô tô bán ra tăng, đạt 7.700 chiếc, nhiều DN ô tô đã nhen nhóm hy vọng về thị trường bắt đầu khởi sắc. Nhưng ngược lại, doanh số bán ô tô tháng 4 tụt dốc thê thảm.
>>Khuất tất trong việc nhập khẩu ôtô của Việt kiều
>>Ngân sách thất thu 4.360 tỷ đồng từ ôtô
Tồn kho và đóng cửa
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 4/2012 số lượng xe ô tô bán ra của toàn thị trường (kể cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu) chỉ đạt 6.982 xe, bao gồm 2.394 xe con và 4.588 xe tải. Trong đó, xe con và xe tải giảm lần lượt là 26% và 22% so với tháng trước. Còn tính riêng xe lắp ráp trong nước của 18 DN thành viên VAMA bán ra chỉ đạt 6.004 xe các loại, giảm 42% so với cùng kỳ 2011.
Sản lượng xe lắp ráp trong nước tháng 4 cũng giảm mạnh, chỉ đạt 5.504 xe, giảm 24% so với tháng trước trong khi xe nhập khẩu giảm 23%.
Đây là con số giảm thấp đáng kể từ đầu năm đến nay. Tất cả các DN đều có doanh số bán ra giảm. Các DN từ Trường Hải, Toyota đến Mercedes Benz, Honda, GM, Ford, Mitsubishi, Isuzu, VMC... lượng xe bán ra chỉ bằng 50%-70%, thậm chí có DN chỉ bằng 30% so với cùng 2011.
Theo VAMA, nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, dự báo nguồn thu từ thuế của nhà nước sẽ bị thiệt hại khoảng 60 nghìn tỷ đồng (290 triệu USD) trong năm 2012. |
Ông Laurent Charpentier, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có thông báo chính thức chưa đề xuất thu ngay phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn rất e ngại với các khoản tiền sẽ phát sinh khi sở hữu ôtô. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường ôtô kém sôi động từ đầu năm đến nay.
Theo các nhà kinh tế, tháng 4 vừa qua chỉ số giá tiêu dùng tăng rất thấp, ở mức 0,05%. Điều này nói lên rằng gần như mọi chi tiêu đều bị thắt chặt. Nhiều gia đình trong hoàn cảnh này chỉ ưu tiên chi trả cho những mặt hàng thiết yếu, còn ô tô, điện tử... không phải là những mặt hàng thiết yếu, vì vậy đã bị loại ra khỏi rổ hàng hóa dẫn đến ế ẩm là tất yếu.
Không những thế, giá xăng dầu lại tăng và thuế phí cao ngất ngưởng càng khiến cho nhu cầu về ôtô giảm mạnh, nhiều người có cũng muốn bán, nói gì tới chuyện mua xe.
Khảo sát trên thị trường ô tô ở Hà Nội những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 cho thấy các giao dịch mua bán ở các đại lý, salon ôtô của liên doanh và nhà nhập khẩu hầu như không có.
Tất cả các cửa hàng ô tô đều vắng bóng khách, một số cửa hàng tại Lê Văn Lương, Phạm Hùng đã đóng cửa, số lượng xe bán ra không đáng kể. Anh Nguyễn Hùng Bách, một nhân viên bán xe tại cửa hàng ô tô nhập khẩu trên đường Phạm Hùng cho biết, cả tháng 4 vừa qua cửa hàng bán được 3 chiếc xe các loại, giá thì giảm thấp, lợi nhuận gần như không còn, trong khi các chi phí thì vẫn không thay đổi, khó khăn quá, hầu hết các nhân viên đã phải tạm nghỉ việc. Với đà này thì tháng sau cửa hàng cũng phải đóng cửa.
Lượng khách hàng tới giao dịch mua bán ôtô trong những tháng đầu năm nay giảm chưa từng thấy, cảnh cả ngày không có khách hàng nào ghé thăm salon giờ đã trở thành chuyện bình thường.
Thị trường ô tô trước đây vốn sôi động bao nhiêu thì nay thê thảm bấy nhiêu. Hàng không bán được trong khi nhiều đại lý khi mua ô tô đang gặp khó khăn về vốn, trong khi phải vay ngân hàng, lãi suất cao cứ cộng vào hàng ngày, không biết lấy gì để trả, không khác nào như "ngồi trên lửa".
Dựa theo số liệu bán hàng thực tế của tháng 4, VAMA đã đưa ra dự báo, tổng doanh số bán hàng của toàn ngành trong cả năm 2012 sẽ giảm xuống chỉ còn 81.000 xe, bằng với doanh số bán năm 2007.
Xe không bán được nên tồn kho tăng cao, các DN như GM, Ford Việt Nam đang dẫn đầu về tồn kho với số lượng lên cả ngàn chiếc.
Giảm giá tiền tỷ cũng khó bán
Để "vượt khó" trong thời điểm hiện tại, các DN ô tô đã liên tiếp tung "chiêu" giảm giá, khuyến mãi khủng. Nhiều xe giảm giá, khuyến mãi lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng vẫn chưa ăn thua khi mới đây Mercedes-Benz Việt Nam đã phải giảm giá bán cho 4 mẫu xe thể thao hạng sang. Trong đó, có mẫu xe đã giảm giá tới 1,358 tỷ đồng, mức ưu đãi gây choáng nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Ba dòng xe còn lại cũng có mức giảm lớn từ 331 triệu đồng đến 959 triệu đồng. Có lẽ chưa bao giờ thị trường ô tô Việt Nam lại vào cuộc "khuyến mãi khủng" như vậy.
Trừ Toyota thì hầu hết các DN ô tô đã phải cho công nhân tạm nghỉ việc, giãn việc hay chuyển làm công việc khác. DN ít cũng đang cho lao động nghỉ 10 ngày. Một số DN như Ford thì từ tháng 2 đến nay đã 2 lần cho lao động tạm nghỉ việc mỗi lần 2 tuần; GM cũng đã cho lao động nghỉ việc. Các DN ô tô đang thực sự lâm vào cảnh khó khăn.
Nếu như giai đoạn 2009, kinh tế khó khăn các DN ô tô còn được Chính phủ hỗ trợ bằng cách giảm 50% thuế VAT và 50% lệ phí trước bạ thì thời điểm này họ không được hỗ trợ gì, ngay cả gói hỗ trợ do Bộ Tài chính soạn thảo mới đây thì cũng không có DN ô tô. Trong khi đó lệ phí trước bạ tại TP.HCM và Hà Nội hiện nay lại cao hơn từ 1,5 tới 2 lần so với 2009.
Với tác động này, theo ông Laurent Charpentier, thị trường ôtô không chỉ bị ảnh hưởng khi doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ôtô đều suy giảm mạnh, mà nguồn thu cho ngân sách qua ôtô năm nay cũng giảm theo.
Bộ Tài chính mới đây cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước đã thất thu 4.360 tỉ đồng do giá trị ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm 51%. Nếu tính cả phần giảm thu thuế tiêu thụ xe lắp ráp trong nước giảm, mức thất thu của nhà nước chắc chắn còn cao hơn nhiều.
Theo VAMA, nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, dự báo nguồn thu từ thuế của nhà nước sẽ bị thiệt hại khoảng 60 nghìn tỷ đồng (290 triệu USD) trong năm 2012.
Hiện VAMA đang có 18 doanh nghiệp thành viên với trên 60.000 lao động, nếu tính cả số lao động trong lĩnh vực cung cấp linh kiện, bán hàng và bảo dưỡng sửa chữa thì khoảng 200.000 người, đến nay nhiều lao động trong số này đã không có việc làm.
Theo VEF