Đây là nội dung được quy định trong Nghị định 47/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành.
Ngoài yêu cầu ôtô kinh doanh vận tải phải lắp camera hành trình, Nghị định 47 nêu rõ thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ yếu tố về thu thập và truyền tải dữ liệu theo quy định.
Ôtô kinh doanh vận tải phải lắp camera hành trình để được cấp phù hiệu. Ảnh: H.Q. |
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô cũng được quy định trong nghị định này. Theo đó, Chính phủ yêu cầu không sử dụng ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Nghị định cũng bổ sung quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Quy định này nêu rõ đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khi nhận hàng hóa ký gửi (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng, họ và tên, địa chỉ, số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Trước đó, Nghị định 10/2020 quy định từ 1/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Tiếp đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Nghị quyết 66 ngày 1/7, Chính phủ quyết định lùi thời hạn xử phạt hành chính đến hết ngày 31/12/2021 đối với xe kinh doanh vận tải chưa hoàn thành lắp camera. Kể từ 1/1/2022, các lực lượng chức năng bắt đầu xử lý vi phạm.