"Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn định, kể cả những cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 và 2008-2009", TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright) chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 chiều 5/6.
Kinh tế ổn định trong giông bão
Theo vị chuyên gia, Việt Nam đang được coi là "vịnh tránh bão trong cơn biến động". Do đó, càng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay, Việt Nam càng có cơ hội lớn để thu hút sự chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư.
Đồng tình với quan điểm này, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khẳng định sức hút của Việt Nam hiện nay không đơn thuần là lao động giá rẻ như trước, mà là bởi vị trí chiến lược ở khu vực năng động ASEAN, với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.
"Việt Nam là một quốc gia nổi bật trong số các nước đang phát triển nhờ thế mạnh về quản lý tài khóa và nợ công. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng có mặt tại Việt Nam chính là đặt chân vào ASEAN", ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Thực tế, cách đây hơn 1 tuần, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.
PGS TS Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lý giải sự ổn định bền vững của Việt Nam xuất phát từ tâm thế sẵn sàng ứng phó của một nền kinh tế tự chủ đầy bản lĩnh, năng lực, linh hoạt trong chính sách và quyết đoán trong hành động.
Tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế
Dù vậy, các chuyên gia vẫn đặt vấn đề duy trì sự ổn định trong tương lai. "Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, song thực lực chưa mạnh, trình độ phát triển còn thấp và sức cạnh tranh còn yếu. Vậy trong bối cảnh các rủi ro đều mang tính chất toàn cầu và xảy ra đồng thời, liên tục với tác động khủng khiếp, làm sao tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế?", PGS. TS Trần Đình Thiên nêu.
PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Phân tích rõ hơn về những rủi ro Việt Nam đang gặp phải trong tình trạng chung của toàn cầu, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng xung đột Nga - Ukraine tác động đến giá hàng hóa nguyên vật liệu toàn cầu, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến tốc độ phục hồi kinh tế hậu đại dịch của Việt Nam, bên cạnh những khó khăn từ chính sách "zero Covid-19" của Trung Quốc.
Song song đó, áp lực lạm phát dù chưa có dấu hiệu rõ nét ở Việt Nam nhưng vẫn phải được chú ý trong thời gian tới, bởi những nền kinh tế có sức ảnh hưởng lớn như Mỹ, EU đang có mức lạm phát trên 8%.
Mặt khác, do phụ thuộc kinh tế toàn cầu từ FDI đến xuất nhập khẩu nên sự suy thoái kinh tế thế giới sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chính vì vậy, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt. Trong đó, Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy nền kinh tế tư nhân, đồng thời tạo thuận lợi để triển khai cơ chế phòng thủ khi khó khăn bất ngờ xảy đến.
Theo ông, để có một nền kinh tế vừa bền vững vừa có tính bao trùm, Chính phủ phải chú trọng cải cách thể chế và tăng tính minh bạch của thị trường, song song với việc củng cố khuôn khổ quản lý tài khóa và giảm bảo hộ nền kinh tế.
Mặt khác, ông Francois Painchaud cho rằng cần giải quyết vấn đề phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu bằng cách hợp tác cùng nhau để cùng tăng trưởng. Nói cách khác, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để khi Trung Quốc hay Mỹ suy giảm kinh tế trong dài hạn, Việt Nam vẫn có thể đứng vững.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhắc nhở Việt Nam phải tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. "Không chỉ về số lượng mà còn là chất lượng FDI, Việt Nam phải khuyến khích các đầu tư giá trị gia tăng, tạo điều kiện để thu hút FDI giá trị cao, trong đó cũng đầu tư vào giáo dục, dạy nghề để tăng cường tính cạnh tranh, vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Andrew Jeffries nói rõ.