Trong cuộc thảo luận tại Nhà Trắng về nội chiến Syria vào ngày 16/10/2019, xích mích đã xảy ra giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Theo ghi chép của một đảng viên Dân chủ hiếm hoi được mời đến buổi họp, ông Trump gọi bà Pelosi là “chính trị gia hạng ba”.
Đáp lại, người phụ nữ 80 tuổi hét về phía Tổng thống Trump: “Ông thậm chí còn không phải là một chính trị gia!”.
“Tạm biệt. Ta sẽ gặp lại nhau vào đợt bầu cử”, người đầu Nhà Trắng lớn tiếng trả lời. Đó cũng là lần cuối ông Trump và bà Pelosi nói chuyện với nhau.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters. |
"Tôi không nói chuyện với tổng thống"
Trên thực tế, Hiến pháp Mỹ không bắt buộc tổng thống và chủ tịch hạ viện phải cư xử hòa hợp với nhau.
Lịch sử cũng ghi nhận nhiều trường hợp những người đứng đầu lưỡng viện quốc hội gặp xích mích khó giải quyết với tổng thống, đặc biệt là khi các vị trí quan trọng này được nắm giữ bởi những chính trị gia khác đảng.
Tuy nhiên, một số tổng thống Mỹ đã chọn bắt tay với lãnh đạo lưỡng viện thuộc đảng đối lập để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng ở quy mô quốc gia hoặc quốc tế.
Năm 1962, Tổng thống John F. Kennedy (đảng Dân chủ) đã sát cánh cùng Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Everett Dirksen (đảng Cộng hòa) để đối đầu với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Cả hai đã cùng tìm ra chính sách đối ngoại thích hợp khi tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Tổng thống Mỹ thứ 35 John F. Kennedy và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Everett Dirksen. Ảnh: Nhà Trắng. |
Gần 40 năm sau, sau vụ khủng bố 9/11/2001, Tổng thống George W. Bush (đảng Cộng hòa) đã hợp tác chặt chẽ cùng Lãnh đạo đa số Thượng viện Thomas A. Daschle (đảng Dân chủ) trong quá trình thiết lập và ban hành các đạo luật chống khủng bố.
Vào mùa thu năm 2008, cựu Tổng thống Bush đã mời bà Pelosi tham gia xây dựng chương trình cứu trợ khổng lồ cho các tổ chức tài chính với trị giá lên đến 700 tỷ USD.
Những trường hợp trên cho thấy nhiều chính trị gia sẵn sàng gác bỏ mâu thuẫn và căng thẳng chính trị để tìm tiếng nói chung giữa hai đảng, hướng đến lợi ích chung của nước Mỹ.
Nhưng mối quan hệ hiện tại giữa Tổng thống Trump và chủ tịch hạ viện không phản ánh tinh thần đó, tờ Washington Post nhận định.
Giới quan sát cho rằng bà Pelosi và Tổng thống Trump hiện vẫn khó tìm được tiếng nói chung. Ảnh: AP. |
Bà Pelosi đã khẳng định “tôi không nói chuyện với tổng thống” khi trả lời phỏng vấn của CNN hôm 13/10.
Thay vào đó, bà cho biết bản thân chỉ nói chuyện “người đại diện của ông ấy (Trump)”, thường là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hoặc Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.
"Không thể hàn gắn"
Giới chuyên gia cho rằng tình trạng rạn nứt sâu sắc như trường hợp của ông Trump và bà Pelosi là rất hiếm thấy trong lịch sử chính trường Mỹ.
Bà Pelosi là một trong những người có ảnh hưởng trực tiếp đối với quá trình dẫn đến việc Tổng thống Trump bị luận tội vào tháng 12/2019, xoay quanh nỗ lực của ông nhằm gây áp lực buộc các nhà chức trách Ukraine tiến hành điều tra những đối thủ chính trị của mình, bao gồm cả ông Biden.
Tuy nhiên, cuộc thảo luận tại Nhà Trắng vào tháng 10 không liên quan đến chủ đề đó. Trong cuộc họp, ông Trump tuyên bố rằng sẽ rút quân khỏi miền bắc Syria, khiến người Kurd, vốn là đồng minh lâu năm của Mỹ, đứng trước nguy cơ bị tấn công.
Mối quan hệ giữa hai nhân vật quyền lực trong chính phủ Mỹ đang ngày càng leo thang. Ảnh: Getty. |
Hạ viện Mỹ, thời điểm đó vốn bị chia rẽ sâu sắc vì cuộc điều tra luận tội tổng thống, đã đạt được sự nhất trí cao với 354 phiếu thuận và 60 phiếu chống trong việc lên án việc quyết định trên của ông Trump.
Các lãnh đạo cấp cao đảng Dân chủ sau đó đã bỏ ngang cuộc họp khi người đứng đầu Nhà Trắng và chủ tịch Hạ viện biến cuộc trao đổi thành màn la hét và chỉ trích lẫn nhau.
Khi trở lại Điện Capitol cùng ngày hôm đó, bà Pelosi nói với báo giới rằng ông Trump đã “bị kích động dữ dội” và “sụp đổ tương tự như phản ứng trong lò hạt nhân”.
“Liệu điều này có đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ không ngồi xuống đàm phán với nhau trong tương lai không? Không. Vẫn còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và chủ đề của cuộc gặp mặt, tôi đoán thế”, bà Pelosi nói thêm.
Bà Pelosi bỏ ngỏ khả năng nối lại hợp tác với ông Trump. Ảnh: People. |
Trong một cuộc họp mặt cử tri ở Dallas vào ngày hôm sau, Tổng thống Trump cho rằng bà Pelosi đã khiến mối quan hệ của cả hai rơi vào tình thế “không thể hàn gắn”.
“Nancy điên rồi. Cái bà Nancy ấy, bà ấy điên thật rồi”, ông Trump nói với đám đông ủng hộ có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri.
Từ đó trở đi, hai người chỉ chạm mặt nhau hai lần. Đáng chú ý, vào ngày 5/2, Tổng thống Trump có bài phát biểu tại Hạ viện trong bối cảnh sắp được xử trắng án trong phiên luận tội do đảng Dân chủ khởi xướng.
Đỉnh điểm của sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông Trump và bà Pelosi khi chủ tịch Hạ viện xé thông điệp liên bang của tổng thống ngay tại buổi phát biểu. Ảnh: Getty. |
Trong lúc tổng thống đưa 2 bản sao bài phát biểu cho Phó tổng thống Mike Pence và bà Pelosi, chủ tịch hạ viện chìa tay ra bắt nhưng ông Trump quay đi.
Sau khi tổng thống Mỹ đương nhiệm kết thúc phần nói của mình, bà Pelosi đứng lên và xé bản sao bài phát biểu thành nhiều mảnh trước ống kính của giới truyền thông.
Tình thế bế tắc
Vào tháng 3, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn nước Mỹ, bà Pelosi thường xuyên gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Tài chính Mnuchin xoay quanh vấn đề cứu trợ kinh tế.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu bà có nói chuyện với Tổng thống Trump không, chủ tịch Hạ viện cho rằng “điều đó không thực sự cần thiết”.
Giờ đây, quá trình đàm phán giữa bà Pelosi và ông Mnuchin đang lâm vào bế tắc. Theo văn phòng hạ viện, cả hai đã có 11 cuộc điện đàm tính từ đầu tháng 10 nhưng vẫn chưa đạt được tiếng nói chung.
Theo tờ Washington Post, trong bối cảnh hiện tại, sự tham gia của Tổng thống Trump là điều kiện tiên quyết để tiếp tục xây dựng các kế hoạch cứu trợ kinh tế. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng hiện vẫn một mực cáo buộc bà Pelosi đang tìm cách ngăn chặn thỏa thuận giữa đôi bên.