Tổng thống Donald Trump một lần nữa trở thành "kẻ thù" của giới tình báo Mỹ khi Washington Post khẳng định ông tiết lộ tin mật với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp vào ngày 10/5 tại Nhà Trắng.
Dù không phạm pháp, hành động này của tổng thống Mỹ gặp phải phản ứng gay gắt từ những nhà lập pháp và cộng đồng tình báo trong nước. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên tổng thống thứ 45 của Mỹ khiến những nhà tình báo nước này lo lắng.
Từ 'kẻ phát xít' đến 'cuộc tàn sát đêm thứ bảy'
Vài tuần trước khi Trump nhậm chức, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) khẳng định Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, gián tiếp dẫn đến chiến thắng bất ngờ của ông Trump trước đối thủ Hillary Clinton.
Đây được coi là nguyên nhân ban đầu dẫn tới mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa ông Trump và cộng đồng tình báo Mỹ. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi đắc cử vào ngày 11/1/2017, Tổng thống Trump gọi những nhân viên tình báo là “kẻ phát xít”.
“Tôi thấy rất nhục nhã khi cơ quan tình báo cho phép các thông tin quá sai, quá giả được công bố. Đó là nỗi nhục và... đó là cách phát xít Đức từng làm", ông Trump nói trong cuộc họp báo.
Trước đó, ông từng cáo buộc các cơ quan tình báo Mỹ đang tìm cách dựng chuyện nhằm vu khống Moscow can thiệp vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ. Không dừng lại ở đó, ông bày tỏ mong muốn tái cấu trúc và hạn chế quyền lực của tình báo Mỹ bằng cách cắt giảm nhân sự của các tổ chức tình báo, trong đó có CIA.
Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi đắc cử, ông Trump so sánh tình báo Mỹ với phát xít Đức. Ảnh: AP. |
Đáp trả những phát ngôn mang tính tiêu cực của ông chủ Nhà Trắng dành cho những điệp viên, Giám đốc CIA John Brenna xuất hiện trên sóng truyền hình hồi tháng 1 và cảnh báo tổng thống Mỹ có thể hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nếu coi thường thông tin từ giới tình báo.
Những tin đồn về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ tiếp tục trở thành đề tài bao trùm nền chính trị Mỹ trong nhiều tháng qua, khiến Cục Điều tra Liên bang (FBI) quyết định mở cuộc điều tra xoay quanh vấn đề này.
Tuy vậy, mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch của FBI. Ngày 9/5, Tổng thống Trump bất ngờ sa thải người đứng đầu cơ quan điều tra lớn nhất nước Mỹ James Comey, người được cho đang tiến hành cuộc điều tra về sự liên quan của Nga đối với đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Trước đó, giám đốc FBI nói trong phiên điều trần Quốc hội rằng cơ quan của ông đang điều tra nghi án chiến dịch của Trump có mối liên hệ với Moscow trong cuộc bầu cử tổng thống.
Giám đốc FBI James Comey bất ngờ bị sa thải hôm 9/5. Ảnh: Washington Post. |
Việc ông Trump bất ngờ sa thải giám đốc FBI, người đang ở năm thứ 3 trong nhiệm kỳ 10 năm, được so sánh với “cuộc tàn sát đêm thứ bảy” của cựu Tổng thống Richard Nixon vào năm 1973. Tháng 10 năm đó, ông Nixon sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox, người được Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson chỉ định triển khai cuộc điều tra xoay quanh vụ bê bối Watergate.
Sau đó một ngày, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Nhà Trắng, ông Trump được cho đã tiết lộ tin mật liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), gây nguy hiểm cho nguồn tin tình báo Mỹ tại Trung Đông.
Việc Tổng tư lệnh tối cao của Mỹ tự ý chia sẻ tin tình báo với Nga có thể khiến giới tình báo Mỹ gặp thêm khó khăn trong việc thu thập thông tin ở nước ngoài thông qua các đối tác, góp phần “đổ dầu vào lửa” trong mối quan hệ sóng gió giữa Nhà Trắng và các cơ quan tình báo Mỹ.
Khi những điệp viên mệt mỏi
Với 17 cơ quan chuyên trách cùng chi phí khoảng 50 tỷ USD mỗi năm, cộng đồng tình báo Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc tham vấn chính sách đối nội và đối ngoại cho tổng thống, người phải đọc báo cáo tình báo hàng ngày.
Cựu Phó giám đốc CIA Carmen Medina từng cảnh báo rằng những lời chỉ trích và thái độ của ông Trump có thể khiến ông nhận được ít thông tin tình báo hơn.
"Với những gì đã nói, ông Trump đang hạ thấp sự chuyên nghiệp của các chuyên gia tình báo", bà Medina nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ còn nhiều việc cần làm để hàn gắn mối quan hệ với cộng đồng tình báo Mỹ. Ảnh: The Daily Beast. |
Nhiều nhân viên tình báo Mỹ bày tỏ thất vọng đối với thái độ và phát ngôn của Tổng thống Trump dành cho họ. Ned Price, một điệp viên CIA đã quyết định nghỉ việc hồi tháng 2 do thất vọng với chính quyền mới.
"Chính quyền George W. Bush và Barack Obama tiếp nhận báo cáo của CIA một cách nghiêm túc. Không có phần thưởng nào giá trị bằng việc thông tin của mình được trình lên tổng thống và chứng kiến nó định hình các sự kiện. Đó là cách thông tin tình báo vận hành", cựu nhân viên tình báo chia sẻ.
Ông Price khẳng định không tin vào mắt mình khi Tổng thống Trump nghi ngờ kết luận của CIA về việc Nga đứng sau vụ tấn công mạng làm rò rỉ email liên quan đến bầu cử.
Nhiều cơ quan tình báo của chính phủ Mỹ cũng đang đối mặt với nguy cơ “chảy máu chất xám” trong những tháng vừa qua. Tỷ lệ nhân viên tình báo tìm kiếm công việc ở các tập đoàn, công ty tư nhân ngày càng tăng.
Theo Reuters, nhiều nhân viên an ninh và điệp viên mạng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nộp đơn xin nghỉ việc do lời mời gọi hấp dẫn từ Thung lũng Silicon cũng như những tập đoàn công nghệ lớn. Nguyên nhân của xu hướng này bắt nguồn từ lo ngại của họ về mối quan hệ sóng gió giữa Tổng thống Trump và cộng đồng tình báo trong nước.
Sau 4 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Trump còn nhiều việc phải làm để củng cố mối quan hệ với những nhà tình báo Mỹ đang hoang mang và mệt mỏi quanh hàng loạt phát ngôn của chính ông.