Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa vấp phải một cuộc khủng hoảng mới vào ngày 15/5. Lần này, ông Trump bị cáo buộc tiết lộ thông tin tình báo được xếp loại nhạy cảm cao cho ngoại trưởng và đại sứ Nga.
Người đứng ra "chịu trận" lần này là Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster. Dù được đánh giá là tiếng nói có uy tín, ông McMaster vẫn lúng túng và có phần bỡ ngỡ trong lần đầu đối phó với sự kiện kiểu này.
Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster trả lời báo chí về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với các nhà ngoại giao Nga. Ảnh: Getty. |
Vài phút sau khi Washington Post tung ra câu chuyện, McMaster chợt nhận ra mình đã ở sai chỗ, sai thời điểm: xuất hiện từ cửa ra Cánh Tây Nhà Trắng, bước xuống hành lang khi nhóm phóng viên đang chờ đợi ở bên ngoài và nhìn ông chằm chằm, háo hức đợi câu trả lời.
Các phóng viên tưởng rằng ông tới để thuật lại tình hình cho họ. Thay vào đó, ông lùi lại và mỉm cười. "Đây là chỗ cuối cùng trên đời mà tôi muốn rơi vào", ông nói trước khi rút lui vào phía trong, phớt lờ các câu hỏi.
McMaster đã vô tình bước vào trung tâm của "sân khấu", trở thành quan chức cao cấp duy nhất xuất hiện trong tầm mắt của các phóng viên ngay khi câu chuyện trở thành tiêu đề được chú ý trên báo chí.
Khi câu chuyện được lan truyền, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, phó phát ngôn viên Sarah Huckabee Sanders và giám đốc truyền thông Mike Dubke không ở trong văn phòng mà có mặt tại Cánh Tây cùng một số nhân viên khác họp bàn về một vấn đề không liên quan.
Bên ngoài văn phòng của Spicer, các phóng viên tụ tập tăng từ vài người lên 22 người. Một nhân viên cấp thấp yêu cầu các phóng viên giải tán và trở lại phòng họp nhưng không ai nhúc nhích. Một phóng viên nói qua điện thoại: "Tôi đang ở Nhà Trắng. Một tiếng trước tôi đang định rời đi rồi".
6h24, email thông báo đại sứ mới của chính quyền tại Bahamas. 10 phút sau, một email khác được gửi tới. Email có phát ngôn của Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, phó cố vấn Dina Powell và Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson.
Họ tuyên bố câu chuyện của Washington Post là "bịa đặt" và phủ nhận việc tổng thống đã tiết lộ các nguồn tin tình báo hoặc phương pháp hoạt động tình báo.
Cánh Tây của Nhà Trắng ở Washington DC, Mỹ, tối 15/5. Ảnh: Getty. |
6 phút sau, Spicer xuất hiện ở hành lang, nói với các phóng viên rằng McMaster sẽ thông tin cho họ ở bên ngoài. Tuy nhiên, tuyên bố cẩn trọng của McMaster nửa giờ sau đó không phủ nhận những gì báo chí đã viết.
Trên thực tế, Washington Post chưa từng nói rằng tổng thống đã tiết lộ các nguồn tin và phương pháp hoạt động tình báo mà chỉ nói tới các thông tin mật có thể dẫn tới việc các cơ quan tình báo ở nước ngoài trở thành mục tiêu bị tấn công.
Một nhóm nhỏ phóng viên bắt đầu trở lại văn phòng của Spicer vào khoảng 7h30. Một phóng viên cho biết ông vừa nhìn thấy Spicer, Dubke, Sanders và chiến lược gia trưởng của Trump, Steve Bannon, đi bộ ở gần phòng Nội các. Một người khác đã nghe thấy tiếng hét.
Nhóm người vẫn còn nán lại chỗ cửa vào ở Cánh Tây lập tức im bặt, cố gắng lắng nghe. Ngay sau đó, âm lượng chiếc tivi trong phòng báo chí được điều chỉnh to lên bất thường.
Sau đó, phó phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders xuất hiện từ Cánh Tây. Bà nói: "Chúng tôi không trả lời bất kỳ câu hỏi nào ngay bây giờ, vì vậy các bạn có thể rời khỏi hành lang này".
Khi được hỏi liệu McMaster hoặc bất cứ ai khác có thể làm rõ vấn đề, bà nhắc lại: "Tối nay, chúng tôi sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác. Tại thời điểm này".
"Vậy còn thứ 3 thì sao?", một phóng viên hỏi. "Liệu McMaster có chủ trì họp báo về chuyến công du nước ngoài của tổng thống như dự kiến không?", người này nói.
Cố gắng lên cao giọng để át đi tiếng ồn ào của đám đông phóng viên, Sanders đáp lại: "Mọi người, tôi đã nói tất cả những gì chúng tôi định nói rồi".