Đó là bình luận của nhà báo Jim Acosta, người đứng đầu nhóm phóng viên CNN phụ trách đưa tin về Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump.
Khi phát biểu tạm biệt ở Washington vào sáng 20/1, ngày ông Biden nhậm chức, ông Trump chỉ có khán giả khoảng 200 người tại căn cứ Andrews, trước khi lên chuyên cơ Air Force One cùng gia đình và đoàn phóng viên, bao gồm ông Acosta.
“Đó là cảnh tượng buồn chán”, ông Acosta bình luận trên CNN. “Tôi chưa bao giờ thấy ông ta cô độc đến vậy toàn bộ thời gian ông làm tổng thống”.
Nhà báo Jim Acosta, đứng đầu nhóm phóng viên CNN đưa tin về nhiệm kỳ Trump. Ảnh: AP. |
Sự tan rã của nhiệm kỳ
Ông Acosta, giờ chuyển sang làm mảng nội chính của CNN, nói ông Trump có thể đã có những ngày cuối khác hẳn nếu không kích động đám đông bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1.
“Chúng ta thấy ngay trước mặt mình sự tan rã của nhiệm kỳ Tổng thống Trump”, ông Acosta nói về những ngày cuối của ông Trump. “Chúng ta chứng kiến những gì ông xây dựng trong 4-5 năm, qua nhiều cuộc vận động và ở Nhà Trắng, bị sụp đổ trong những ngày cuối”.
Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, ông Trump bị chặn trên Twitter, và đa phần không lên tiếng với công chúng, ngoại trừ một số video ngắn theo kịch bản viết sẵn, và diễn văn tạm biệt sáng 20/1. Đây là giai đoạn im lặng quá dài đối với một người như ông Trump, vốn luôn chủ động lôi cuốn ánh nhìn của công chúng suốt nhiều thập kỷ nay.
Sau vụ bạo loạn, các nền tảng lớn khác như Facebook, YouTube và Snapchat đều tuyên bố chặn ông Trump vì phát tán tin giả, kích động bạo lực.
Sự soi xét “nhất cử nhất động” mà truyền thông Mỹ dành cho ông Trump, với tư cách một tổng thống, giờ đây sẽ giảm dần. CNN cho biết các báo đài lớn, bao gồm cả Fox vốn ủng hộ ông Trump, đều không điều phóng viên xuống Palm Beach, Florida để đưa tin về ông.
Cơ hội trở lại
Dù vậy, nhà báo Acosta cho rằng ông Trump sẽ không “im hơi lặng tiếng” trong thời gian dài.
“Tôi nghĩ chỉ tạm thời”, ông Acosta nói trên CNN, và cho rằng làn sóng chính trị đã đưa ông Trump vào Nhà Trắng “có tiềm năng quay trở lại trong thời gian tới. Tôi nghĩ ông Trump sẽ đứng đầu một phong trào cực đoan ở nước Mỹ”.
Vụ việc nổi tiếng năm 2018 trong đó ông Trump nổi giận vì câu hỏi và yêu cầu thực tập sinh Nhà Trắng lấy đi mic của nhà báo Jim Acosta. Ảnh: CNN. |
Nhưng với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục vào những ngày cuối, ông Trump có thể không còn khả năng vươn lên dẫn dắt một đảng chính trị lớn và giành lại được chức tổng thống, theo ông Acosta.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã “chạm đáy” sau 4 năm nhiệm kỳ. Theo một thăm dò của Gallup tuần 4-11/1, chỉ 34% người Mỹ hài lòng về những gì ông đã làm. Tỷ lệ ủng hộ trung bình của ông trong nhiệm kỳ là 41%, thấp hơn 4% so với người tiền nhiệm có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trước đó, kể từ khi Gallup bắt đầu lưu giữ số liệu.
Trước đó, một thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố ngày 16/1 cho biết ông Trump có tỷ lệ ủng hộ còn thấp hơn: chỉ 29%.
Ông Trump vốn quen thuộc với đám đông hò reo, như lần ông tranh cử ở Florida tháng 10/2020. Ông cũng thường xuyên đăng các suy nghĩ lên Twitter. Ảnh: New York Times. |
Ông Trump thích so sánh mình với Grover Cleveland, tổng thống Mỹ duy nhất từng có hai nhiệm kỳ không liền nhau. Nhưng ông Cleveland có mức ủng hộ cao hơn ông Trump khi giành nhiệm kỳ thứ hai, theo ông Acosta.
Ông Acosta có quan hệ căng thẳng với Nhà Trắng thời Trump. Nhà Trắng từng có lần lấy đi thẻ tác nghiệp của ông Acosta, mà sau đó CNN kiện lên tòa án để đòi lại, và chiến thắng.
Dù ông Trump không còn là tổng thống, nhà báo Acosta vẫn gọi ông Trump là “chúa tể của những lời nói dối” - một cách nói chơi chữ từ nhan đề bộ phim, tiểu thuyết Chúa tể của những chiếc nhẫn. Ông Acosta nói không thể loại bỏ ông Trump khỏi chính trị Mỹ. “Đây chưa phải là lúc cất vào tủ những người chuyên fact-check (kiểm chứng thông tin). Những người fact-check vẫn cần thiết để kiểm chứng những gì mà phong trào đó nói ra. Ông Trump có thể không còn, nhưng phong trào, chủ nghĩa Trump thì vẫn còn đó”.