Tới sáng 31/10, hơn 86 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tổng thống Donald Trump tin rằng ông có thể trong chờ vào những lá phiếu ở Tòa Tôi cao, giúp định đoạt kết quả bầu cử.
"Tôi nghĩ cuộc bầu cử sẽ được định đoạt ở Tòa Tối cao", AP dẫn lời Tổng thống Trump.
6/9 thẩm phán Tòa Tối cao có quan điểm bảo thủ, 3 người do ông Trump chỉ định
Hôm 30/10, Tổng thống Trump giận dữ chỉ trích một quyết định của Tòa Tối cao khi cho phép gia hạn thời gian tiếp nhận phiếu bầu qua bưu điện ở bang North Carolina.
"Điên rồ và tệ hại cho đất nước", ông Trump viết trên Twitter cá nhân về phán quyết của Tòa Tối cao.
Tổng thống Trump và Thẩm phán Amy Coney Barrett vừa được bổ nhiệm. Ảnh: AP. |
Bình luận giận dữ của Tổng thống Trump làm nổi bật xung đột giữa luật pháp và chính trị đảng phái, điều mà Chánh án Tòa Tối cao John Roberts từ lâu đã cảnh báo là điều ông muốn tránh.
Hai năm trước, trong thông điệp công khai chỉ trích Tổng thống Trump hiếm hoi, Chánh án Roberts đã bác bỏ quan điểm của ông chủ Nhà Trắng cho rằng các thẩm phán Tòa Tối cao phải trung thành với tổng thống, người đã bổ nhiệm họ.
Mặc dù vậy, trường hợp cuộc bầu cử có kết quả kiểm phiếu sát nút, đưa tới tình huống Tòa Tối cao có vai trò định đoạt kết quả, Tổng thống Trump tin ông sẽ có cơ hội giành được đa số phiếu của 9 thẩm phán để có chiến thắng chung cuộc.
Viễn cảnh này hoàn toàn có cơ sở, sau khi Thượng viện phê chuẩn việc bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào ghế thẩm phán Tòa Tối cao. Phe bảo thủ hiện nắm 6/9 ghế tại Tòa Tối cao. Và Tổng thống Trump đã bổ nhiệm 3/6 vị trí đó.
Khả năng vụ việc định đoạt kết quả cuộc bầu cử được đưa lên Tòa Tối cao không phải viễn cảnh xa vời.
Hai thập kỷ trước, khi tranh cãi nổ ra trong giai đoạn kiểm phiếu lại ở bang Florida, bang chiến trường đóng vai trò quyết định, Tòa Tối cao đã bỏ phiếu với kết quả 5-4, bác bỏ kết quả kiểm phiếu lại tại bang này.
Quyết định của Tòa Tối cao giúp mang lại chiến thắng cho ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush. Theo AP, kết quả này phản ánh lập trường tư tưởng của các thẩm phán.
Trong tổng tuyển cử năm nay, Tòa Tối cao đã bị đẩy vào các cuộc tranh chấp liên quan tới bỏ phiếu. Tổng thống Trump cũng như lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa hiểu rõ cuộc bầu cử năm nay sẽ có thêm nhiều xung đột pháp lý được đưa tới Tòa Tối cao.
Tới nay, Tòa Tối cao đã được đề nghị giải quyết nhiều vụ việc trong đó đảng Cộng hòa khiếu nại việc phe Dân chủ nới lỏng các quy định về bỏ phiếu trong bối cảnh dịch bệnh.
"Sẽ có thêm nhiều vụ kiện tụng hơn, đây là một trong những lý do Tổng thống Trump đẩy nhanh việc bổ nhiệm bà Barrett, để bà ấy kịp đảm nhiệm chức vụ trước ngày 3/11", AP bình luận.
Dĩ nhiên, các vụ kiện tụng sẽ không có nhiều tác động nếu Tổng thống Trump, hoặc ứng viên Dân chủ Joe Biden, chiến thắng với cách biệt lớn.
Tác động lớn nếu kết quả sát nút
Tới nay, các vụ kiện liên quan tới bầu cử ở Alabama, Maine, Montana, Rhode Island, và South Carolina đã được giải quyết ở Tòa Tối cao.
Chỉ trong 2 tuần qua, Tòa Tối cao đã đứng về phe Cộng hòa khi ngăn cản bang Wisconsin đếm số phiếu nhận được sau ngày 3/11.
Tuy nhiên, Tòa Tối cao cũng trao chiến thắng cho phe Dân chủ ở các bang North Carolina và Pennsylvania khi chấp nhận duy trì quy định cho phép gia hạn thời gian nhận phiếu bầu.
Mặc dù vậy, các vụ kiện ở North Carolina và Pennsylvania chưa được giải quyết hoàn toàn.
Tại Pennsylvania, Tòa Tối cao để ngỏ khả năng tiếp tục xử lý vụ việc và ra phán quyết cuối cùng sau ngày 3/11, về việc liệu quyết định cho phép kéo dài thời gian tiếp nhận và đếm phiếu bầu khiếm diện thêm 3 ngày của tòa án cấp tiểu bang có phù hợp hay không.
Phán quyết sẽ có tác động to lớn nếu Pennsylvania trở thành bang định đoạt kết quả cuộc bầu cử. Khi đó, phiếu bầu khiếm diện nhận được trong giai đoạn 4-6/11 sẽ có tiếng nói quyết định.
"Đó sẽ là tình huống cực kỳ tồi tệ", Giáo sư luật học Derek Muller của Đại học Iowa bình luận về tình hình ở Pennsylvania.
Phiếu bầu tại Pennsylvania trong giai đoạn 3 ngày sau bầu cử sẽ được tách riêng. Tình huống tương tự cũng xảy ra ở bang Minnesota, nơi một vụ kiện khác cũng đang được Tòa Tối cao thụ lý. Mặc dù vậy, Minnesota là một bang có thiên hướng Dân chủ rõ nét, ít có khả năng xảy ra tranh cãi về kết quả tại bang này.
Hơn 86 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Ảnh: AP. |
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc bỏ phiếu qua bưu điện có nhiều vấn đề, đồng thời đưa ra yêu cầu không tưởng rằng tất cả phiếu bầu phải được kiểm ngay trong đêm bầu cử.
Việc Tổng thống Trump thể hiện sự ngờ vực đối với tính công minh trong bỏ phiếu, đặc biệt về số phiếu bỏ qua bưu điện, có thể dẫn đến thêm nhiều vụ kiện ở Tòa Tối cao.
Tòa Tối cao của năm 2020 không còn giống như Tòa Tối cao giải quyết vụ kiện giữa George Bush và Al Gore năm 2000. Mặc dù vậy, lợi thế có vẻ đang nghiêng về tổng thống của đảng Cộng hòa.
Hiện tại, chỉ còn 2/9 thẩm phán của năm 2000 tại vị, gồm Clarence Thomas của phe Cộng hòa và Stephen Breyer của phe Dân chủ. Ba thẩm phán gồm John Roberts, Amy Coney Barrett và Brett Kavanaugh là các luật sự của phe Cộng hòa trong vụ việc năm 2000.
Giáo sư Nathaniel Persily, chuyên gia về luật bầu cử của Đại học Stanford, cho biết nước Mỹ không sẵn sàng để chứng kiến kịch bản năm 2000 lặp lại.
"Hệ thống chính trị và đảng phái của chúng ta không được chuẩn bị cho tình huống kịch bản Bush và Gore tái diễn, khi cách biệt giữa hai ứng viên chỉ là 500 phiếu", ông Persily nói, lo ngại bất ổn có thể bùng phát nếu kết quả bầu cử một lần nữa được định đoạt ở Tòa Tối cao, bất kể bên nào giành chiến thắng.