Tranh cãi nổ ra giữa các quốc gia G7 vào ngày 24/8 khi các nhà lãnh đạo đến dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Reuters nhận định cuộc gặp năm nay sẽ phơi bày những khác biệt rõ rệt về căng thẳng thương mại toàn cầu, Anh rời EU và cách đối phó với đám cháy đang hoành hành trong rừng nhiệt đới Amazon.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ nhà hội nghị, đã lên kế hoạch cho cuộc họp ba ngày tại khu nghỉ mát Biarritz bên bờ biển Đại Tây Dương như một cơ hội để hợp nhất nhóm các quốc gia giàu có, những nước vật lộn để tìm tiếng nói chung trong những năm gần đây.
Ông Macron đã thiết lập chương trình nghị sự cho nhóm bao gồm bảo vệ dân chủ, bình đẳng giới, giáo dục và môi trường. Ông mời các nhà lãnh đạo châu Á, châu Phi và Mỹ Latin tham gia cùng họ để thúc đẩy những vấn đề này trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong đánh giá ảm đạm về các đồng minh từng thân thiết, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nói rằng họ đang "ngày càng" khó tìm kiếm điểm chung.
Bất hòa và chia rẽ
"Đây lại là một bài kiểm tra khó khăn về sự đoàn kết và thống nhất của thế giới tự do cùng các nhà lãnh đạo của nó", ông Tush nói với các phóng viên trước cuộc họp. "Đây có thể là khoảnh khắc cuối cùng để khôi phục cộng đồng chính trị của chúng ta", ông bình luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump rời Air Force One khi hạ cánh xuống sân bay Biarritz Pays Basque ở Biarritz, Pháp, ngày 24/8, ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP/Getty. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái đến kết thúc hỗn loạn khi bỏ về sớm trong cuộc họp ở Canada và từ chối thông cáo cuối cùng.
Ông Trump đến Pháp một ngày sau khi đáp trả đợt thuế quan mới của Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng Washington sẽ áp thuế thêm 5% đối với số hàng nhập khẩu trị giá 550 tỷ USD của Trung Quốc, bước leo thang mới nhất của cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Tới giờ rất tốt. Chúng tôi sẽ hoàn thành nhiều thứ trong tuần này", ông Trump nói với các phóng viên khi ông ngồi trên sân thượng bên bờ biển với ông Macron, khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo.
Ông Macron liệt kê các vấn đề chính sách đối ngoại mà hai bên sẽ giải quyết, bao gồm Libya, Syria và Triều Tiên, và cho biết họ đã chia sẻ mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng bữa trưa với ông Macron là cuộc gặp tốt nhất mà cặp đôi này từng có và cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới vào tối 24/8 cũng "đã diễn ra rất tốt".
(Từ trái sang) Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk chụp ảnh tại Hotel du Palais ở Biarritz, Pháp, ngày 24/8. Ảnh: AFP/Getty. |
Tuy nhiên, những nụ cười ban đầu không thể che giấu các cách tiếp cận đối nghịch của Trump và Macron đối với nhiều vấn đề, bao gồm các câu hỏi rắc rối về chủ nghĩa bảo hộ và thuế.
Trước khi đến Biarritz, ông Trump đã lặp lại đe dọa đánh thuế rượu vang Pháp để trả đũa một loại thuế mới của Pháp đối với các dịch vụ kỹ thuật số nhắm vào các công ty Mỹ, điều mà ông Trump cho là không công bằng.
Hai quan chức Mỹ cho biết phái đoàn của ông Trump cũng không hài lòng vì ông Macron đã làm sai lệch trọng tâm của cuộc họp G7 sang "các vấn đề xa vời", bỏ qua nền kinh tế toàn cầu mà nhiều nhà lãnh đạo lo ngại đang chững lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Mỹ ngày càng cô lập
Nền kinh tế toàn cầu được đánh dấu là vấn đề cấp bách nhất trước hội nghị thượng đỉnh. Ông Trump đã nhấn mạnh trong phiên đặc biệt sáng 25/8 để thảo luận về nó.
Ông hy vọng sẽ sử dụng phiên họp sáng 25/8 để tán dương thành công của mình trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, đặc biệt so với các quốc gia khác đang có dấu hiệu chững lại.
Theo CNN, việc tổng thống Mỹ triệu tập một phiên họp chỉ để phô trương sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và nhận công có vẻ không phù hợp với các nhà lãnh đạo khác, đặc biệt là vì nhiều người trong số họ đổ lỗi cho chiến thuật thương mại của ông trong sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu.
Họ cho rằng việc ông Trump sử dụng thuế quan cho cả đồng minh lẫn kẻ thù đã góp phần vào sự suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến ngành sản xuất sụt giảm và đẩy thị trường chứng khoán vào tình trạng hỗn loạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) ngồi ăn trưa với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters. |
"Đây không phải là cách mọi thứ nên diễn ra. Những người ủng hộ thuế quan có nguy cơ phải chịu trách nhiệm cho sự suy thoái trong nền kinh tế toàn cầu, bất kể điều đó có đúng hay không", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.
Có sự lạc quan ít ỏi rằng các cuộc thảo luận của G7 sẽ mang lại sự đoàn kết chống lại các mối đe dọa mà nhóm tạo ra trong quá khứ.
Ông Trump ngày càng tỏ rõ sự đánh giá thấp của ông với hội nghị thượng đỉnh. Một số nguồn tin cho biết trong cuộc trò chuyện với các trợ lý những tuần qua, ông đặt câu hỏi tại sao ông phải tham dự hội nghị năm nay và cho rằng nó làm lãng phí thời gian của ông.
G7 đại diện cho các nền kinh tế lớn của thế giới và từ lâu đã là điểm dừng thường xuyên trên lịch của tổng thống Mỹ. Thành viên G7 bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Italy, Canada và Vương quốc Anh.
Trong các phiên họp nhóm nhỏ, chỉ có các nhà lãnh đạo và một vài trợ lý có mặt, các vấn đề kinh tế và địa chính trị lớn của thế giới sẽ được thảo luận kỹ càng.
Biểu tình và tranh cãi
Cảnh sát chống bạo động Pháp đã sử dụng vòi rồng và hơi cay hôm 24/8 để giải tán những người biểu tình chống chủ nghĩa tư bản ở Bayonne, gần Biarritz. Một máy bay trực thăng của cảnh sát bay vòng quanh khi những người biểu tình thách thức đội ngũ cảnh sát.
Bản thân các nhà lãnh đạo đang tụ họp dưới sự bố trí an ninh chặt chẽ tại một trung tâm hội nghị bên bờ sông. Các đường phố xung quanh đã bị cảnh sát phong tỏa.
Người biểu tình phản ứng sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay trong cuộc biểu tình phản đối hội nghị thượng đỉnh G7, tại Bayonne, Pháp, ngày 24/8. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc biểu tình chống hội nghị thượng đỉnh đã trở nên phổ biến. Hôm 24/8, hàng nghìn nhà hoạt động chống toàn cầu hóa, những người ly khai xứ Basque và những người biểu tình áo vàng đã tuần hành hòa bình qua biên giới Pháp với Tây Ban Nha để yêu cầu các nhà lãnh đạo hành động.
"Người giàu ngày càng giàu hơn còn người nghèo lại chẳng có gì", Alain Missana, một thợ điện mặc vest màu vàng - biểu tượng của các cuộc biểu tình chống chính phủ đã làm náo loạn Pháp trong nhiều tháng, nói với Reuters.
Các nhà lãnh đạo EU đã gây áp lực vào ngày 23/8 đối với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro về các đám cháy đang hoành hành trong rừng nhiệt đới Amazon.
Mặc dù vậy, Anh và Đức đã bất hòa với quyết định của ông Macron nhằm gây sức ép với Brazil bằng cách ngăn chặn một thỏa thuận thương mại giữa EU và tập đoàn Mercosur của Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng việc không ký kết thỏa thuận thương mại "không phải là câu trả lời thích hợp cho những gì đang xảy ra ở Brazil".