Sau khi FBI lục soát khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago và mang đi 5 thùng tài liệu, trong đó có 11 hồ sơ mật, phía cựu Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố ông Trump đã giải mật tất cả tài liệu trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.
Tranh cãi đã nổi lên xoay quanh việc ông Trump có thực sự đã giải mật các tài liệu hay không, và nếu có thì việc giải mật được thực hiện bằng thủ tục nào, theo New York Times.
Hệ thống tài liệu mật của Mỹ
Phân cấp tài liệu mật là một quy trình hành chính được chính phủ liên bang sử dụng nhằm kiểm soát cách các cơ quan hành pháp xử lý thông tin, tài liệu được coi có nguy cơ gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
Các quan chức có thẩm quyền có thể phân cấp thông tin, tài liệu thành ba cấp độ mật gồm "mật", "tối mật" và "tuyệt mật", mỗi cấp độ tương ứng với hạn chế tiếp cận khác nhau.
Quyền tiếp cận thậm chí bị hạn chế hơn nữa với những thông tin được đóng dấu SCI - tức "thông tin trong lĩnh vực nhạy cảm".
Những tài liệu chứa thông tin mật sẽ được đóng dấu tùy theo mức độ mật, và chỉ những người được cấp phép an ninh ở cấp độ tương ứng mới được phép tiếp cận.
Bên cạnh đó, có những quy định riêng về cách thức bảo quản, vận chuyển và truyền tải điện tử những thông tin, tài liệu mật.
Danh sách tài liệu FBI thu giữ từ Mar-a-Lago. Ảnh: Reuters. |
Các đời tổng thống Mỹ đã đặt nền móng và dần phát triển hệ thống tài liệu mật thông qua những sắc lệnh hành pháp. Sắc lệnh hành pháp đầu tiên được Tổng thống Harry Truman ban hành vào cuối Thế chiến 2. Quy định về tài liệu mật hiện nay được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp số 13526 do Tổng thống Barack Obama ban hành năm 2009.
Nhìn chung, hệ thống phân cấp tài liệu mật của chính phủ Mỹ không liên quan tới các quy định trong luật hình sự, mà chỉ có ý nghĩa về kiểm soát hành chính.
Người vi phạm quy định về tài liệu mật sẽ đối mặt các biện pháp hành chính như mất đặc quyền tiếp cận thông tin mật, hoặc nghiêm trọng hơn là sa thải.
Hệ thống phân cấp độ mật tồn tại song song với các quy định hình sự, vốn thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội.
Ví dụ Đạo luật Gián điệp được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1917 bảo vệ những thông tin, tài liệu được cho có khả năng đe dọa nước Mỹ hoặc trợ giúp kẻ thù của nước Mỹ.
Đạo luật Gián điệp ra đời trước khi hệ thống phân cấp độ mật ra đời, vì vậy không đề cập đến cấp độ mật của thông tin, tài liệu. Do đó, trong một vụ việc bị điều tra trong khuôn khổ Đạo luật Gián điệp, công tố viên không cần chứng minh tài liệu liên quan là mật.
Người có quyền giải mật thông tin
Thông thường, những quan chức của chính phủ được tổng thống trao quyền quyết định cấp độ mật của thông tin, tài liệu sẽ có quyền giải mật những thông tin, tài liệu đó.
Sắc lệnh hành pháp năm 2009 quy định lãnh đạo các bộ, cơ quan của chính phủ giám sát việc giải mật những thông tin, tài liệu mà trước đó những cơ quan này đã đóng dấu mật.
Hệ thống hành pháp của Mỹ có một loạt quy định về quy trình cần tuân thủ khi giải mật tài liệu, ví dụ như việc giải mật phải tham khảo ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan tới thông tin, tài liệu mật đó. Đồng thời, có những thủ tục riêng cho việc xóa dấu mật đã đóng trên tài liệu.
Tổng thống Mỹ được hiến pháp trao quyền giải mật mọi thông tin, tài liệu thuộc thẩm quyền của hệ thống hành pháp.
Thông thường, khi muốn giải mật một thông tin, tài liệu, tổng thống sẽ chỉ đạo cơ quan trực tiếp phụ trách rà soát, thực hiện. Nhưng cũng có số ít trường hợp tổng thống Mỹ trực tiếp ra lệnh giải mật, không thông qua các cơ quan chính phủ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước phiên trả lời chất vấn tại văn phòng Tổng chưởng lý New York. Ảnh: Reuters. |
Ví dụ, Tổng thống George W. Bush đã trực tiếp giải mật một phần các báo cáo hàng ngày gửi tới Nhà Trắng trong khoảng thời gian trước vụ khủng bố 11/9/2001. Các báo cáo này cho thấy Tổng thống Bush đã được cảnh báo về khả năng Bin Laden tấn công nước Mỹ.
Đến nay, không có quy định nào từ hệ thống luật pháp Mỹ, cũng như ý kiến của Tòa án Tối cao, yêu cầu tổng thống Mỹ tuân theo thủ tục giải mật thông thường.
"Có vẻ như trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã giải mật nhiều tài liệu mà không thực hiện các thủ tục thông thường", New York Times nhận định.
Có những ý kiến cho rằng bản thân tổng thống không bị ràng buộc bởi các quy định về giải mật, vốn áp dụng cho các cơ quan cấp dưới trong chính phủ. Những ý kiến này thậm chí cho rằng tổng thống có thể bất tuân các sắc lệnh hành pháp trong giải mật bởi quyền giải mật được trao cho tổng thống theo hiến pháp.
Thông tin mật về vấn đề hạt nhân có một số đặc điểm riêng. Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Năng lượng Nguyên tử với những hạn chế trong xử lý thông tin về chế tạo bom hạt nhân, làm giàu vật liệu hạt nhân. Những thông tin này được coi là "dữ liệu giới hạn".
Về mặt pháp lý, những thông tin thuộc dạng này không giống với các thông tin, tài liệu được phân cấp độ mật theo nhánh hành pháp.
Đạo luật Năng lượng Nguyên tử quy định một quy trình ra quyết định trong hạ cấp độ mật của thông tin.
Với vũ khí hạt nhân, quyết định hạ cấp độ mật chỉ có thể được đưa ra nếu có sự nhất trí đồng thời của Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng. Nếu hai cơ quan bất đồng, tổng thống sẽ là người ra quyết định cuối cùng.
Như thế, quyết định hạ cấp hoặc giải mật thông tin, tài liệu về vũ khí hạt nhân cần có sự tham gia của quan chức Bộ Năng lượng và Bộ Quốc phòng trước khi có sự can dự của tổng thống.
Theo Đạo luật Năng lượng Nguyên tử, hành vi tiết lộ "dữ liệu giới hạn" trái phép bị coi là vi phạm hình sự.
Trong những tuyên bố đưa ra sau vụ lục soát của FBI, phe ông Trump khẳng định cựu tổng thống đã giải mật tất cả tài liệu trước khi đưa chúng tới Mar-a-Lago. Tuy nhiên, dường như không có ghi chép nào chứng minh việc giải mật nói trên.
Theo New York Times, nếu không có bằng chứng việc giải mật và chuyển giao cho phần còn lại của chính phủ, hành động giải mật sẽ không có giá trị, các cơ quan chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quy định về hạn chế tiếp cận với tài liệu chứa thông tin mật.
"Hệ thống không hoạt động theo cách tùy tiện như vậy", Steven Aftergood, chuyên gia về quản lý thông tin mật thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, bình luận.