Khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ vào đêm 28/1 nhằm phản đối sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump, nhiều nhân viên chủ chốt của ông đã rời Nhà Trắng để tới buổi tiệc trang trọng tối thứ 7 ở Câu lạc bộ Alfafa.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, cố vấn hàng đầu của Trump, Stephen Bannon, đã ở lại Nhà Trắng cùng tổng thống. Cả hai đều quyết định bỏ buổi gặp thường niên của giới tinh hoa ở thủ đô Washington.
Cánh tay phải của Trump
Trong vòng 10 ngày kể từ khi Trump nhậm chức, Bannon, cựu tổng biên tập của Breitbart News, một trang hữu khuynh khét tiếng, đã nhanh chóng củng cố quyền lực ở Cánh Tây, vượt qua Chánh Văn phòng Reince Priebus.
Bannon vừa giành được ghế thường trực trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), cơ quan cố vấn quan trọng nhất về an ninh, điều giúp ông có thể nắm giữ các hoạt động tình báo nhạy cảm nhất nước Mỹ.
Bannon và cố vấn cao cấp của tổng thống, Stephen Miller, đã góp phần đặt nền móng chính trị và tư tưởng cho sự trỗi dậy của Trump trước khi vị tỷ phú chính thức trở thành tổng thống Mỹ.
Breitbart là công cụ truyền bá tư tưởng rằng các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã phản bội người lao động Mỹ trong các vấn đề như nhập cư hay thương mại, luận điệu đã dẫn Trump tới chiến thắng vào tháng 11 năm ngoái.
Họ chịu trách nhiệm thiết lập "kế hoạch hành động" cho tuần đầu tiên của Trump ở Nhà Trắng, xây dựng các sắc lệnh, biên bản ghi nhớ và quyết định mỗi khi Trump ký một văn bản mới.
Cho đến nay, kế hoạch này đã sản sinh ra một loạt sắc lệnh làm suy yếu Obamacare, tăng cường kiểm soát di trú, đóng băng việc tuyển dụng liên bang, ngăn chặn những người tị nạn và những người có visa nhập cảnh vào Mỹ từ các nước Hồi giáo.
“Ông ấy nói với Trump rằng ông ấy có thể làm tất cả những gì đã hứa trong chiến dịch tranh cử", một người thân cận với chính quyền cho biết. Điều này giúp Bannon chiếm được cảm tình của Trump và khiến ông được Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn của tổng thống, yêu mến.
Cố vấn chính trị Steve Bannon ngày càng được Tổng thống Donald Trump coi trọng và có nhiều ảnh hưởng trong việc điều hành Nhà Trắng của chính phủ mới. Ảnh: Getty. |
Ít xuất hiện truyền hình
Theo những người thân thiết, Bannon, một triệu phú tự thân, được Trump xem như người ngang hàng hơn là nhân viên cấp dưới. Ông chọn cho mình vị trí kề sát bên Trump, chống lại giới tinh hoa ở Washington, bao gồm cả đảng Cộng hòa.
Không giống như một số cố vấn khác của Trump, Bannon không thường xuyên xuất hiện trên truyền hình hoặc các bữa tiệc tối ở Washington. Ông thường chửi thề và ăn vận xuề xòa hơn hầu hết nhân viên Nhà Trắng. Ông có vẻ thoải mái nhất những khi gặp riêng Trump hoặc đứng nép sang một bên trong các cuộc họp lớn.
"Ông ấy có sự hiểu biết rộng về công chúng Mỹ, ông ấy hiểu vì sao Trump thắng cử. Ông ấy nói với Trump về những gì mọi người đang thực sự lo lắng và quan tâm. Và Trump thường đồng ý với ông ấy", cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani cho biết.
Miller, cánh tay phải của Bannon, là một đồng minh có cùng chí hướng và là người đồng hành cùng Trump hầu như trong suốt chiến dịch tranh cử. Bannon và Miller đã cùng viết diễn văn nhậm chức của Trump. Sau lễ nhậm chức, họ thúc đẩy Trump thể hiện những quan điểm gây hấn nhất, đặc biệt đối với các phương tiện truyền thông.
Đối đầu với các nhân viên Nhà Trắng
Cả hai đều có đôi lúc đụng độ với các nhân viên khác của đảng Cộng hòa và Nhà Trắng, những người cáo buộc họ ém thông tin. Các trợ lý khác của Nhà Trắng lo ngại rằng chính sách của họ đang được thực hiện quá nhanh với rất ít kế hoạch được chuẩn bị trong khi Trump lại có vẻ coi trọng cả hai người.
“Steve điều khiển tiếng nói của Trump”, một người thân cận với chính quyền nói. “Ông ấy đưa ra những thứ mà ông ấy biết tổng thống sẽ thích, rồi ông ấy đặt nó vào trong ngôn từ mà tổng thống sẽ muốn nói ra”.
2 ngày sau khi lệnh cấm người tị nạn Syria và du khách từ các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ được ban hành, hashtag “Ngăn Tổng thống Bannon” nổi lên trên Twitter cùng với các cuộc biểu tình nổ ra ở các sân bay trên toàn quốc.
Các nhà phê bình sắc bén nhất của tổng thống đã chỉ ra rằng sự bổ sung của Bannon vào Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) là dấu hiệu cho thấy Trump sẽ áp dụng hướng tiếp cận cực hữu trong điều hành chính phủ.
"Steve Bannon không trở thành nhân viên Nhà Trắng vì có chuyên môn về an ninh quốc gia" Paul Begala, cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Bill Clinton, nhận định. "Ông ấy ở đó vì ông ấy là một chủ biên thành công của những gì ông ấy mô tả là kênh truyền bá cho phong trào Alt-right (cánh hữu mới), một phần trong nền tảng của Trump. Đó là chính trị. Người này lẽ ra không nên có chỗ tại NSC".
Cố vấn chính trị của Tổng thống George W. Bush, Karl Rove, người thường được gọi là "bộ não của Bush" và được coi là trợ lý có ảnh hưởng lớn đối với tổng thống, từng bị chính ông Bush cấm tham dự các cuộc họp an ninh quốc gia.
Cố vấn chính trị của Tổng thống Barack Obama, David Axelrod, từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng đôi khi ông quan sát các cuộc họp tại Phòng Tình huống nhưng cũng có những lúc mà người ta nói thẳng rằng ông không được tham dự.
Để lấy ví dụ về một trợ lý chính trị có ảnh hưởng đến chính sách an ninh quốc gia ở mức độ tương tự, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đã nói tới Harry Hopkins, cố vấn chính trị thân cận với Tổng thống Franklin Roosevelt, người đã góp phần vào chính sách gây ảnh hưởng trong chiến tranh thế giới II.
"Nếu Trump tin tưởng vào bản năng và sự phán đoán của mình thì đó là một kế hoạch hoàn toàn hợp lý. Bannon lúc nào cũng suy tính về chiến lược và một phần lớn của NSC là về chiến lược", Gingrich nói.
Gingrich cũng chỉ ra rằng Bannon là một cựu sĩ quan hải quân, điều đã được phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nhắc đi nhắc lại như một lý do cho thấy ông ấy đủ điều kiện đảm nhận vai trò này.