Đêm 28/1, sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp, bà Donnelly ngồi trong văn phòng tại tòa án ở Brooklyn (New York) trong khi những người bị ảnh hưởng vì lệnh cấm của Trump đang bị bắt giữ và gào khóc ở sân bay.
Lệnh cấm bất ngờ của ông Trump với người tị nạn và cư dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gây ra sự hỗn loạn ở sân bay khiến nhiều người cha, mẹ đột ngột bị chia cắt với con cái giữa hàng rào an ninh tại phi trường.
Cũng trong đêm đó, thẩm phán Donnelly trở thành cái tên được cả thế giới chú ý khi là người tiên phong trong nhánh tư pháp ra phán quyết chặn đứng quyết định của Trump. Lúc này, bà trở thành thẩm phán liên bang được hơn một năm, sự nghiệp chưa bao giờ gây tiếng vang được như thế.
Thẩm phán tòa án liên bang quận đông New York Ann Donnelly. Ảnh: WP. |
Hành trình trở thành thẩm phán liên bang
Darcy Gibson Berglund, người bạn cùng phòng thời đại học của bà Donnelly, cho biết bà vốn học chuyên ngành tiếng Anh vào cuối thập niên 1970 nhưng sau đó nhanh chóng chuyển đam mê sang ngành luật.
Donnelly tốt nghiệp trường luật vào năm 1984, sau đó trải qua 20 năm trong ngành công tố ở New York. Một trong những vụ ghi dấu ấn trong sự nghiệp của bà là chống lại 2 giám đốc đã bòn rút tài sản của chính công ty mình.
Chiến thắng tại phiên tòa vào năm 2004 khép lại 6 tháng điều trần mà New York Times gọi là tẻ nhạt. Biên bản tòa án cho biết những lập luận để khép lại vụ việc của bà Donnelly tại tòa khi đó "giống như cô giáo đang 'lên lớp' các sinh viên".
Năm 2009, bà trở thành thẩm phán cấp bang và xử lý nhiều vụ án hình sự. Khi điều trần trước các thượng nghị sĩ, Donnelly nói "tuyên án tù với một bị cáo là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của một thẩm phán".
Tuy nhiên, trong một số vụ án khủng khiếp, nữ thẩm phán không ngần ngại khép tội kẻ phạm tội. Trong một phiên tòa năm 2010, bà tuyên mức 19 năm tù giam với kẻ đã sát hại và chôn vùi thi thể bạn gái cũ trong khối bê tông; đồng thời tuyên bố trục xuất bị cáo ngay sau khi mãn hạn tù do y nhập cảnh trái phép vào Mỹ.
Bà Donnelly trong phòng xử án. Ảnh: Twitter/GuthrieGF. |
Tháng 11/2014, Tổng thống Barack Obama đề cử bà vào vị trí thẩm phán liên bang cùng lời khẳng định "Donnelly sẽ phụng sự người dân Mỹ bằng phẩm giá và cam kết không thay đổi với luật pháp".
Khi đó, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã trì hoãn không tổ chức phiên điều trần dành cho Donnelly tới nhiều tháng trời. Đây không phải là chuyện hiếm trong giai đoạn Nhà Trắng và Quốc hội đối đầu.
"Tôi mừng run người khi ủy ban cuối cùng đã xúc tiến về đề cử. Tôi biết Ann rất rõ", Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer (đảng Dân chủ, bang New York), nói.
Theo ông Schumer, đồng nghiệp của Donnelly ca ngợi "danh tiếng của bà ấy là một huyền thoại. Bà ấy là một người đầy nhiệt huyết và luôn suy nghĩ thấu đáo".
Buổi điều trần của Donnelly có sự tham dự đông đủ của người mẹ và các anh chị em, chồng và các con. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ chỉ hỏi bà 2 câu và đều xoay quanh luật hình sự.
Trong một số vụ việc, Donnelly nói bà cố gắng "cải tạo thay vì trừng phạt một bị cáo trẻ". "Tôi hy vọng có thể cứu ai đó không bị gắn chặt cuộc đời với tội ác. Nhưng đó cũng là rủi ro mà thẩm phán phải chấp nhận".
Nửa năm sau đó Thượng viện mới phê chuẩn đề cử, với số phiếu gần như đa số và chỉ có 2 phiếu chống.
Quyết định chấn động
Trong hơn một năm ở cương vị mới, cột mốc sự nghiệp đến với bà Donnelly vào buổi tối 28/1 sau khi Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh.
Giữa lúc nước Mỹ chấn động vì sắc lệnh của Trump, một quan chức Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nói với người biểu tình rằng hãy đến tìm gặp Donnelly. "Hãy đi ngay bây giờ nếu có thể", người này nói.
Những tiếng kêu khóc vì bị chia cắt người thân, các yêu cầu khẩn cấp đề nghị ngừng trục xuất của ACLU đã tới được văn phòng của bà Donnelly tại New York. Từng là một luật sư nhà nước nhưng Donnelly không mất nhiều thời gian để lắng nghe lập luận trong đêm 28/1.
Văn bản phán quyết chặn lệnh trục xuất của Tổng thống Trump do bà Donnelly ban hành. Ảnh: Twitter/OmarJadwatACLU. |
Một luật sư của ACLU đã đề nghị bà Donnelly can thiệp ngay trước khi một chuyến bay chở những người tị nạn bị trục xuất trở về Syria. Nữ thẩm phán chất vấn các quan chức rằng chính quyền có thể bảo đảm cho sự an toàn của những người này hay không.
Khi không nhận được câu trả lời thuyết phục, bà đã ra phán quyết trước 21h.
"Gửi trả những người này về nước có thể gây ra các hậu quả không thể khắc phục", nội dung phán quyết của Donnelly nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới cho biết.
Cho đến sáng sớm 29/1, nhiều gương mặt mệt mỏi và đẫm nước mắt rời khỏi khu vực an ninh tại các sân bay Mỹ.
Trên thực tế, phán quyết của bà Donnelly tạo ra vùng xám do những người bị chặn không thể được bảo đảm tương lai ở Mỹ. Nhưng ít nhất, họ không còn lo sợ bị trục xuất ngay lập tức bởi vì trở về đồng nghĩa đối mặt với hàng loạt mối nguy hiểm ở quê hương.