Chia sẻ tại Toạ đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" chiều 1/8, Chủ tịch kiêm CEO của Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết nhận định trong trường hợp hãng đi thuê Boeing 787-9 để khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ thì hoàn toàn có thể có lãi.
Cụ thể, ông Quyết cho hay với phương án bán 1.100 USD một vé, Bamboo Airways sẽ chịu lỗ nhẹ nhưng ở mức 1.300 USD, mỗi máy bay khai thác chặng khứ hồi Việt - Mỹ có thể giúp hãng lãi 8 tỷ đồng.
Đường bay tiềm năng
Chủ tịch Bamboo Airways nhẩm tính tổng cộng chi phí thuê máy bay, nhiên liệu, chi phí kỹ thuật, mỗi chuyến bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ tiêu tốn của hãng 113 tỷ đồng/tháng cho một máy bay Boeing 787-9 với tần suất khai thác 17 chuyến mỗi tháng.
Ông Quyết khẳng định nếu bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến, Bamboo Airways sẽ lỗ nhẹ nhưng chỉ cần đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của Bamboo Airways chia sẻ theo hãng tính toán, nếu bán vé ở mức giá 1.300 USD, đường bay thẳng Việt - Mỹ hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế. Ảnh: Ngô Minh. |
Doanh nhân này cũng nhận định với phương án thuê Airbus A350, hãng có thể lãi 28 tỷ đồng mỗi lượt khứ hồi Việt - Mỹ. Ông Quyết cũng tính toán nếu bay một điểm dừng tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, Bamboo Airways còn lãi nhiều hơn nhờ gom khách tại các thị trường này.
Hiện mức giá mà Cathay Airlines đang đưa ra cho chặng bay này là hơn 1.300 USD/vé trong khi Japan Airlines ở mức 1.600 USD/vé.
Chủ tịch Bamboo Airways cũng cho rằng rủi ro là vẫn có như về lượng vé bán ra hay về biến động giá nhiên liệu. Tuy nhiên ông cho rằng "đã bàn thì nên bàn để làm chứ không bàn lùi".
Theo lộ trình mà hãng bay đưa ra, khoảng quý I/2021, Bamboo Airways sẽ có chuyến bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam sang bờ Tây nước Mỹ.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại buổi tọa đàm, lượng khách Mỹ sang Việt Nam mỗi năm khoảng 700.000 lượt, trong khi lượng khách Việt Nam sang Mỹ cũng ở mức 100.000 lượt.
Dẫn ví dụ thành công của đường bay TP.HCM - Thanh Hóa, Cục trưởng Hàng không Vũ Huy Cường nhận định chỉ cần 60.000 lượt khách là đã có thể mở đường bay.
Các diễn giả cũng nhận định với tiềm năng về hợp tác kinh tế song phương Việt - Mỹ, vị thế mới của kinh tế Việt Nam và cộng đồng 2 triệu kiều bào sẽ là điều kiện thuận lợi cho các hãng bay Việt tự tin khai thác đường bay thẳng.
TS. Lâm Thùy Dương từ Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá việc mở đường bay thẳng nối hai quốc gia có triển vọng phát triển mạnh mẽ. Hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, kết nối con người trên đà phát triển mạnh sẽ làm gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trực tiếp giữa hai nước.
Cũng theo bà Dương, ngoài hợp tác kinh tế và du lịch, một "điểm tựa" nữa cho đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ là lượng khách đi máy bay là Việt kiều và du học sinh dự kiến tăng nhanh. Số liệu năm 2017 ghi nhận có đến hơn 1,3 triệu người Việt cư trú tại Mỹ, chiếm 3% trên tổng số 44,5 triệu người nhập cư và trở thành nhóm dân ngoại quốc lớn thứ 6 trong toàn nước Mỹ.
"Hãng nào tiên phong chứng tỏ đẳng cấp"
Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định việc lập đường bay thẳng Việt - Mỹ là mục tiêu từ lâu của ngành hàng không Việt Nam, không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước.
"Hãng nào tiên phong bay thẳng Mỹ là khẳng định đẳng cấp", Cục phó Cục Hàng không khẳng định.
Cũng theo ông Cường, hiện không còn rào cản nào về pháp lý trong việc lập đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ. Bài toán chỉ nằm ở khía cạnh kinh tế và ở việc cần hãng bay tiên phong thử nghiệm.
Thậm chí, với phương án bay một điểm dừng, ông Cường khẳng định với thương quyền 5 các hãng bay Việt hoàn toàn có thể thiết lập điểm dừng tại các quốc gia Đông Bắc Á trước khi bay sang Mỹ.
Cục phó Hàng không cho hay quá trình đàm phán với các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong đều đang diễn ra thuận lợi.
Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyện thiết lập đường bay thẳng Việt - Mỹ là chuyện "tất yếu, vấn đề chỉ là khi nào, thế nào và ai là người tiên phong".
Ông Lộc dẫn ví dụ về việc 2 hãng bay lớn của Mỹ là United Airlines và Northwest đều đã phải bỏ cuộc với đường bay thẳng Việt - Mỹ cho thấy đây không phải là đường bay trải hoa hồng.
"Quyết định bay, nếu có, của Bamboo Airways là dũng cảm. Tuy nhiên sự trỗi dậy của kinh tế Việt Nam sẽ là đường băng cho chuyến bay này thành công", Chủ tịch VCCI nhận định.
Về tính khả thi về thương mại của đường bay thẳng Việt - Mỹ, lãnh đạo Vietnam Airlines từng chia sẻ nếu bay thẳng Mỹ, hãng sẽ lỗ trong khoảng 5-10 năm đầu tiên, mức lỗ có thể lên tới hơn 30 triệu USD.
United Airlines từng mở đường bay thẳng San Francisco - TP.HCM, tuy nhiên đã phải dừng khai thác vào năm 2016, mà lý do được giải thích là đường bay này không hấp dẫn về mặt thương mại.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, mở đường bay thẳng tới Mỹ vào năm 2018 là không thể. Mọi thứ vẫn là tương lai, hi vọng đến cuối năm 2019 hoặc sang năm 2020 sẽ bay được.