Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có quy mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển. Cơ sở đào tạo này của hãng sẽ nằm tại Phù Cát, Bình Định.
Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung trong các chuyên môn nghiệp vụ ngành như phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất, điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…
Khởi công hôm nay, Bamboo Airways cho biết sẽ đủ khả năng và trang thiết bị để đào tạo một phi công từ giai đoạn khởi đầu tới lái được các mẫu máy bay như A320, A321 của Airbus từ năm 2021.
Ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch thường trực của Bamboo Airways, cho hay hãng sẽ mất khoảng 1,5 năm để đào tạo một phi công và mỗi năm sẽ cho “ra lò” 200-300 phi công.
Ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch thường trực của Bamboo Airways, khẳng định hãng sẽ đào tạo 200-300 phi công mỗi năm từ năm 2021. Ảnh: Ngô Minh. |
”Chúng tôi nhận thấy rõ nguồn nhân lực hiện nay của ngành hàng không Việt Nam đang rất thiếu, đặc biệt là thiếu cả cơ sở đào tạo trong nước. Hiện nguồn phi công chủ yếu phải đào tạo ở nước ngoài và với việc ra mắt viện đào tạo, chúng tôi hy vọng sẽ đào tạo được phi công 100% trong nước”, ông Thắng nhận định.
Cũng theo ông Thắng, viện đã có thể bắt đầu đào tạo tiếp viên hoàn chỉnh từ cuối năm 2019. Đến năm 2020 viện sẽ nhập về đủ các thiết bị cần thiết như phòng SIM (phòng giả lập bay) để thực hiện đào tạo phi công.
Bên cạnh bay giả lập, Bamboo Airways cũng khẳng định sẽ phối hợp cùng sân bay Phù Cát để thực hiện bay huấn luyện cho học viên phi công.
Phó chủ tịch thường trực của hãng chia sẻ chi phí đào tạo một phi công tại nước ngoài hiện dao động ở mức 50.000-100.000 USD một người. Bamboo Airways dự kiến nếu đi vào hoạt động, viện sẽ giúp chi phí đào tạo phi công Việt Nam giảm 50%.
Vị này cũng cho hay trước mắt việc đào tạo phi công sẽ nhằm phục vụ nhu cầu phát triển đội bay của Bamboo Airways. Sau đó hãng sẽ tính tới việc “xuất khẩu” học việc phục vụ thị trường lao động hàng không kỹ thuật cao.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề cập tới những yêu cầu mà Bamboo Airways phải thoả mãn để nâng quy mô đội bay từ 10 lên 30 máy bay. Bộ yêu cầu Bamboo Airways phải xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay) phù hợp với quy mô tăng trưởng tàu bay đến năm 2023 để phát triển ổn định, bền vững và phù hợp với năng lực quản trị, khai thác an toàn tàu bay của hãng, năng lực phục vụ của cơ sở hạ tầng hàng không, năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không.
“Không để xảy ra tình trạng tranh giành phi công thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam”, văn bản nêu rõ.
Vingroup trước đó cũng tuyên bố sẽ tham gia mở trường đào tạo phi công. Tập đoàn cho biết đã thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) để đào tạo phi công và thợ máy. Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên.
Theo ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, để đào tạo một phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm.