Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với khoản lợi nhuận hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ. Báo cáo bán niên 2019 cũng đánh dấu quý thứ 2 liên tiếp FLC chính thức đưa hãng hàng không Bamboo Airways vào vận hành khai thác thương mại.
Lợi nhuận FLC giảm mạnh
Quý II và nửa đầu năm, kết quả kinh doanh của công ty mẹ - FLC vẫn ghi nhận đà tăng trưởng mạnh. Trong đó, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 80%.
Tuy nhiên, khi hợp nhất kết quả kinh doanh cùng các công ty con đang vận hành (bao gồm cả Bamboo Airways), lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn thu về đã sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Báo cáo bán niên 2019 của FLC đánh dấu quý thứ 2 tập đoàn này vận hành và khai thác thương mại hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: Kobi Ben Navi. |
Cụ thể, tính riêng quý II, FLC thu về 3.255 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 9%. Tuy nhiên, giá vốn tăng tới 25% khiến tập đoàn này lỗ gộp gần 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi gộp 347 tỷ.
Hầu hết chi phí FLC phải chịu trong kỳ này đều tăng mạnh, từ chi phí bán hàng cho tới quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí lãi vay tại đây đã tăng hơn gấp đôi (173 tỷ đồng).
Phải nhờ tới 729 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là tiền lãi từ bán các khoản đầu tư), hoạt động kinh doanh của tập đoàn này mới thoát lỗ và báo lãi thuần 102 tỷ đồng.
Kết quả, FLC thu về tổng cộng 79 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý II. Sau khi trừ chi phí thuế TNDN, công ty này còn lại vỏn vẹn 13 tỷ đồng lãi ròng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn này đạt 6.235 tỷ, tăng 19% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 23%, đạt 151 tỷ đồng.
Thậm chí, chi phí thuế TNDN tăng mạnh khiến FLC chỉ thu về tổng cộng 21 tỷ đồng lãi ròng sau nửa năm, chỉ tương đương 1/5 so với số thu cùng kỳ.
Lãnh đạo tập đoàn cũng thừa nhận nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận kỳ vừa qua là do lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong đó, nửa năm qua, biên lãi gộp của tập đoàn này đạt được chỉ 0,5%, tương ứng 33 tỷ đồng lãi gộp. Trong khi cùng kỳ năm nước tỷ suất này là hơn 10,4%.
Mảng dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch, golf, hàng không... lỗ gộp
Trong cơ cấu doanh thu của FLC, lớn nhất hiện nay vẫn là hoạt động bán hàng hóa bao gồm doanh thu từ các hoạt động kinh doanh hàng hóa, thiết bị, vật liệu xây dựng nửa năm qua mang về hơn 3.038 tỷ đồng, tăng 10%.
Trong khi đó, doanh thu kinh doanh bất động sản giảm nhẹ do lượng căn hộ bán ra thị trường trong kỳ này giảm.
Đáng chú ý, doanh thu từ cung cấp dịch vụ của FLC đã tăng gấp 6 lần từ mức 336 tỷ đồng nửa năm 2018 lên 1.813 tỷ đồng năm nay.
Tài liệu cổ đông công bố của FLC cũng cho biết hoạt động vận tải hàng không của Bamboo Airways được hạch toán vào mục kinh doanh dịch vụ cùng với các dịch vụ khác như nghỉ dưỡng, du lịch, golf...
Tuy nhiên, khác với mọi năm, ở kỳ kinh doanh này, dịch vụ trở thành mảng kéo lùi lợi nhuận gộp của FLC khi kinh doanh dưới giá vốn.
Nửa năm qua, mảng này đã khiến FLC lỗ gộp 295 tỷ đồng, kéo lợi nhuận gộp hợp nhất toàn tập đoàn đi xuống.
Mảng kinh doanh dịch vụ (bao gồm cả hàng không) của FLC đang lỗ gộp. Ảnh: Bamboo Airways. |
Tính đến cuối tháng 6, FLC đang có tổng cộng 18.462 tỷ đồng nợ phải trả, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, nợ có phát sinh lãi suất là 5.789 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, toàn bộ phần tăng thêm nằm ở phần vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Điều này khiến chi phí lãi vay của công ty tăng hàng chục tỷ đồng trong kỳ.
FLC cũng đã phải đẩy mạnh xoay vòng vốn kỳ này với 2.353 tỷ đồng tiền thu từ đi vay, trong khi cùng thời điểm năm trước giá trị này chỉ là 825 tỷ đồng.
Cùng với đó, công ty cũng trả nợ gốc vay tổng cộng 1.668 tỷ đồng.
Không công bố cụ thể kết quả kinh doanh của Bamboo Airways sau nửa năm đi vào khai thác thương mại, nhưng theo các chuyên gia các hãng hàng không mới như Bamboo rất khó để có lãi ngay, đặc biệt với thị trường cạnh tranh khốc liệt như Việt Nam.
Theo tài liệu cổ đông trước đó của FLC, hiện nay hãng hàng không của tập đoàn này đã sở hữu trên 17 đường bay nội địa. Dự kiến, năm nay hãng sẽ phục vụ tối thiểu 5 triệu lượt khách và sẽ bắt đầu khai thác các đường bay quốc tế từ quý II năm nay với các điểm đến đầu tiên là Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.
Báo cáo về thị trường hàng không của Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây cũng cho biết tính đến hết tháng 5, hãng hàng không mới của tập đoàn FLC đã giành được 4-5% thị phần chỉ sau bốn tháng cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên.