Theo ông Trần Tuấn Anh, thực tế ở Việt Nam lẫn khu vực và quốc tế, nội hàm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang có sự chuyển biến do nhiều tác động khác nhau.
Theo ông, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như các xu thế phát triển mới của kinh tế, thương mại quốc tế đang định hình lại chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng sản xuất thông minh sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo cho sự thành công và phát triển bền vững của bất cứ chiến lược công nghiệp hóa nào. Ảnh: HMG. |
Do đó, sẽ có những yêu cầu, mục tiêu, định hướng và cách thức tổ chức mới. Điển hình như nói đến hạ tầng sẽ không chỉ có vật chất, giao thông hay năng lượng mà còn cần đến hạ tầng số. Mặt khác, nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng đào tạo các kỹ năng công nghệ số.
"Sản xuất thông minh sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo cho sự thành công và phát triển bền vững của bất cứ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nào ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Đồng thời, diễn biến mới của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt dịch bệnh, cũng tác động sâu sắc đến mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh và đời sống tiêu dùng của người dân.
Chính vì vậy, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức được kỳ vọng giúp làm rõ những định hướng, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong bối cảnh mới.
Dự kiến, Diễn đàn quy tụ sự tham gia của khoảng 100-150 đại biểu trực tiếp cùng hơn 2.000 đại biểu dự trực tuyến là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp...
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và đồng chủ trì phiên thảo luận cấp cao vào sáng 6/12 cùng Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Sau Diễn đàn, các nội dung ý kiến và đề xuất sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp để xây dựng Đề án trình Ban chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Trước đó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra những chủ trương, đường lối về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới, trong đó chú trọng ngành công nghiệp nền tảng và những ngành mới, công nghệ cao.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 6/12 tại Hà Nội theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với 10 phiên chuyên đề và 1 phiên cấp cao.
Với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, quy mô của Diễn đàn bao gồm một phiên Diễn đàn cấp cao sẽ diễn ra vào ngày 6/12; chuỗi 10 phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức xuyên suốt trong tháng 11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội).