Người chỉ huy tình báo huyền thoại ấy, ông Trần Quốc Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban, vừa qua đời sáng 11/6, ở tuổi 97.
Có tờ báo viết về ông là “người thầy của các huyền thoại tình báo” ấy, nhưng với sự khiêm tốn, ông Trần Quốc Hương, tức Mười Hương, đã nói với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải rằng: “Chỉ huy là Trung ương Đảng, là cả một lực lượng cách mạng, tôi là người được giao lại các đầu mối. Cái chính của tôi là cái anh chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh ấy giỏi nên lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng”.
Và tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, trong cuốn sách chân dung Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo (NXB xuất bản lần đầu năm 2000, NXB Hồng Bàng tái bản năm 2011), đã phải lần theo sự “chỉ trỏ”, “chỉ tay năm ngón” của ông để hình dung ra công việc của một trong những người xây dựng mạng lưới tình báo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông đã chỉ đạo điệp viên Lê Hữu Thúy bám vào lực lượng Hòa Hảo, sau đó là Bình Xuyên, để rồi làm phụ tá cho Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm, phụ tá cho Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị - mật vụ Trần Kim Tuyến, cho cả Giám đốc Nha An ninh quân đội Đỗ Mậu, để tìm hiểu cặn kẽ kẻ thù, khoét sâu vào mâu thuẫn vốn có để phân hóa và làm suy yếu từ bên trong lực lượng địch.
Các cán bộ tình báo huyền thoại của Việt Nam. Từ trái qua: Vũ Chính, Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trần Hiệu, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Ảnh tư liệu, Bộ Quốc phòng. |
Với Vũ Ngọc Nhạ, ông chỉ đạo nhà tình báo này bám vào Giám mục Lê Hữu Từ, rồi dần dần được cả Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu tin cậy, mời làm cố vấn. Điều đặc biệt, ông Hương đưa ra những chỉ đạo này khi cả ông và ông Nhạ còn đang bị địch bắt giam ở Tòa khâm, Huế. “Không phải vô cớ mà thế giới đánh giá cao những người tình báo ở tù rồi mà vẫn phát huy được tác dụng”, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải viết.
Còn với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, thì điều chủ yếu thành công là ở một cách nhìn, cách đánh giá tình hình. Xác định đối tượng sắp tới của cách mạng Việt Nam sẽ là Mỹ, ông bàn với ông Ẩn, lúc đó đang làm việc trong quân đội Sài Gòn: “Phải chuyển nghề, phải làm nghề tự do”. Chính ông Hương đã nhớ tới việc cụ Hồ thời xưa cũng từng là ký giả để hướng ông Ẩn đi học nghề báo chí, vì “Báo chí là đệ tứ quyền, đụng tới họ, họ la to lắm”.
Ông Mười Hương cũng đã tính rất sâu xa, để ông Ẩn đi học báo chí tại Mỹ, viết báo Mỹ hẳn hoi chứ không phải chỉ về làm báo lá cải. Người điệp viên hoạt động với Mỹ phải hiểu rõ văn hóa Mỹ, thấy rõ tính cách Mỹ để có thể nghĩ và viết như người Mỹ.
“Cho nên suốt cuộc đời hoạt động của Ẩn sau này, cách ứng xử của anh ấy tôi ưng lắm. Kết hợp văn minh hiểu biết với nhân văn, văn hóa Việt Nam mới ra được con người như Ẩn”, ông Mười Hương nói với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.
Chính vì niềm tin sắt đá với người lãnh đạo của mình, mà sau khi nghe tin ở trong nước, rất nhiều người hoạt động cách mạng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, trong đó có cả ông Mười Hương, cả một đồng đội là ông Tư Tùng, tức Dương Minh Sơn, và cả em trai ông Ẩn là Phạm Xuân Định đều bị bắt, mà ông vẫn quyết định trở về nước sau khi kết thúc khóa học. Ông Ẩn có lúc đã tâm sự với ông Mười Hương: “Anh làm lãnh đạo chỉ huy, chứ người khác, chắc em không dám trở về”.
Còn nói về lý do làm sao ông được ông Ẩn thương và tin tưởng, ông Mười Hương trả lời: “Làm việc với nhau, thấy được con người thì thương thôi!”.
Với nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, người từng có thành tích chiến đấu lẫy lừng trong kháng chiến chống Pháp, chính ông Mười Hương đã phân tích: Không thể giấu đi cái lý lịch kháng chiến của ông Thảo được. Phải công khai điều đó, còn để cho gia đình nhà Ngô tin, phải dựa vào lý lịch gia đình của ông Thảo và thông qua các linh mục ở Mỹ Tho.
Ông Mười Hương cũng đưa ra lời khuyên với ông Phạm Ngọc Thảo là không vội hăm hở đóng góp với gia đình nhà Ngô, mà cứ từ từ. Cần thì viết báo, dùng các tích cũ để nói kiều nước đôi, như Mao Tông Cương ngày xưa bình trận Xích Bích. Ông Thảo đã làm theo, khiến sĩ quan địch rất phục.
Tổng kết lại hoạt động với các huyền thoại tình báo Việt Nam, ông Mười Hương vẫn khiếm tốn đúc kết: “Các anh ấy (những nhà tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn…) chỉ nhận chỉ đạo đường hướng thôi, còn tự tài năng của mình đã lập công lớn. Chứ công việc bí mật, độc lập như vậy, sao cầm tay chỉ việc được”.
Cũng qua cuốn sách chân dung của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, chúng ta mới biết ông Mười Hương còn góp công khôi phục lại danh dự cho nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Hữu Đang, hay nhà tình báo Nguyễn Tài.
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải dẫn lời đúc kết của ông Mười Hương về công tác an ninh, tình báo: “Làm công an, công tác tình báo và an ninh cái đầu phải lạnh, trái tim phải nóng, và bàn tay phải sạch, như thế làm cái gì cũng dễ, làm cái gì cũng được, trăm trận trăm thắng”.