"Công nghiệp hỗ trợ giống như bộ rễ của một cái cây. Cái cây này là ngành công nghiệp ra sản phẩm cuối cùng, nhưng chính bộ rễ mới giúp cái cây tồn tại", ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO), ví von để nói lên tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ.
Tại Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao diễn ra ngày 24/12, Chủ tịch THACO cảnh báo nếu không cải thiện công nghiệp phụ trợ thì khi doanh nghiệp FDI đem linh kiện vào sản xuất mà thấy không hiệu quả cũng sẽ rút đi.
Không nơi nào rẻ hơn TP.HCM về chi phí logistics khi xuất khẩu
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương nhận định TP.HCM có ngành công nghiệp hỗ trợ lợi thế trong 2 lĩnh vực là cơ khí, điện và chế biến thực phẩm. Nếu làm được khu công nghiệp hỗ trợ cho 2 ngành này sẽ là thành công rất lớn cho TP.HCM.
Nói rõ hơn, vị tỷ phú này cho rằng làm gì cũng cần cơ khí. Vật liệu kim loại, hợp kim, phi kim suy cho cùng vẫn phải kết hợp với cơ khí; nhiều loại máy móc đều cần đến cơ khí và hệ thống điện.
Ông nêu thực tế khi doanh nghiệp FDI mang nguyên liệu vào Việt Nam sản xuất, giá thành rẻ thì kể cả phải trả thêm chi phí vận chuyển, đóng thêm thuế mà bán ra nước ngoài đủ cạnh tranh thì họ vẫn tiếp tục ở lại.
Dẫn chứng việc THACO vừa ký hợp đồng gần 600 triệu USD trong 2 năm để sản xuất sơmi rơ-moóc. Khách hàng là một nhà sản xuất tại Mỹ và giá logistics mà người mua phải chịu là 2.600 USD/sơmi rơ-moóc.
"Chất lượng vẫn vậy mà sản xuất ra mắc hơn thì họ mua của mình", ông Dương phân tích và nhận định công nghiệp hỗ trợ có thể chính là đầu ra nếu biết tổ chức mô hình.
Ông gợi ý TP.HCM xây dựng mô hình trung tâm nguyên vật liệu cho cơ khí, các loại thép. Đây không chỉ là địa điểm tập trung mà có sự tương tác để ra sản phẩm rẻ nhất, trong đó có cả phòng thí nghiệm, gia công, bán thành phẩm.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO). Ảnh: Thu Hằng. |
Mô hình thứ hai được ông đề xuất là khu công nghiệp hỗ trợ chuyên cho thực phẩm. Nguyên liệu của ngành này xuất phát từ 2 loại: Ngũ cốc, đặc biệt là từ gạo và trái cây. Nếu có một trung tâm cung cấp nguyên liệu đã được sơ chế tại nông trường thì sẽ rất thuận tiện.
Ông Trần Bá Dương nhấn mạnh vai trò của TP.HCM là nơi tiêu thụ sản phẩm bởi "không nơi nào rẻ hơn TP.HCM về chi phí logistics khi xuất khẩu". Do đó, công nghiệp hỗ trợ để sơ chế, xử lý nguyên liệu thô là rất cần thiết.
Thời điểm chín muồi để làm khu công nghiệp hỗ trợ
Chia sẻ tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ hình thành Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, tạo ra cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành này lớn mạnh.
Dự kiến khu công nghiệp này được đặt tại Khu công nghiệp Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh). Hiện, toàn bộ diện tích này không có đất ở, diện tích đất quy hoạch thành khu công nghiệp và dân cư liền kề là đất nông nghiệp.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông Võ Văn Hoan nhận định đây là "thời điểm chín muồi" để thực hiện hóa khu công nghiệp này và cần làm nhanh. Cụ thể, quỹ đất đã sẵn sàng; chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thành phố đã có; doanh nghiệp có nhu cầu. Thành phố có kinh nghiệm trong đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng như đội ngũ kỹ sư lao động trình độ cao có thể tham gia.
Để hiện thực hóa, TP.HCM sẽ khẩn trương trình Chính phủ phê duyệt Khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao vào danh sách khu công nghiệp. Song song với đó, thành phố sẽ nhanh chóng xây dựng đề án lập khu công nghiệp này, lập quy hoạch 1/2.000, 1/500, xây dựng bộ tiêu chí để nhà đầu tư tham gia.
"Mục tiêu của chúng tôi là phấn đấu làm sao đến cuối năm 2022 lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao", Phó chủ tịch TP.HCM cho biết.