Chiều 23/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch.
Tại buổi họp báo hôm 20/12, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về số đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM mua kit xét nghiệm nhanh của Công ty Việt Á cũng như kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế, Công an TP.HCM trong việc mua sắm thiết bị.
Khi đó, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết các đơn vị cần thời gian tìm hiểu vấn đề và sẽ cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp ngày 23/12.
Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM từ 2/10 tới nay | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 2/10 | 3/10 | 4/10 | 5/10 | 6/10 | 7/10 | 8/10 | 9/10 | 10/10 | 13/10 | 14/10 | 15/10 | 16/10 | 17/10 | 20/10 | 21/10 | 22/10 | 23/10 | 24/10 | 25/10 | 26/10 | 27/10 | 30/10 | 31/10 | 1/11 | 2/11 | 3/11 | 4/11 | 5/11 | 6/11 | 7/11 | 8/11 | 9/11 | 10/11 | 11/11 | 12/11 | 13/11 | 14/11 | 15/11 | 16/11 | 17/11 | 18/11 | 19/11 | 20/11 | 21/11 | 22/11 | 23/11 | 24/11 | 25/11 | 26/11 | 27/11 | 28/11 | 1/12 | 2/12 | 3/12 | 4/12 | 5/12 | 6/12 | 7/12 | 8/12 | 9/12 | 10/12 | 11/12 | 12/12 | 13/12 | 14/12 | 15/12 | 16/12 | 17/12 | 18/12 | 19/12 | 20/12 | 21/12 | 22/12 | |
Nhập viện | Ca | 1631 | 1449 | 1354 | 1150 | 1205 | 1085 | 968 | 1170 | 906 | 878 | 1022 | 911 | 681 | 640 | 748 | 934 | 896 | 809 | 689 | 789 | 793 | 1272 | 770 | 624 | 989 | 1025 | 944 | 1137 | 937 | 908 | 953 | 1001 | 1095 | 1228 | 1196 | 1126 | 1326 | 1150 | 1325 | 1421 | 1447 | 1373 | 1441 | 1237 | 1223 | 1504 | 1594 | 1582 | 1512 | 1516 | 1326 | 1094 | 1249 | 1262 | 1296 | 1027 | 958 | 1084 | 1213 | 1217 | 1116 | 1145 | 893 | 920 | 1062 | 1032 | 1065 | 877 | 784 | 747 | 674 | 799 | 645 | 620 |
Xuất viện | 4069 | 2743 | 2940 | 2768 | 2740 | 1817 | 2141 | 1736 | 1925 | 1408 | 870 | 1438 | 835 | 664 | 630 | 882 | 889 | 814 | 539 | 731 | 794 | 869 | 730 | 473 | 785 | 673 | 770 | 688 | 973 | 800 | 533 | 832 | 735 | 865 | 1009 | 1109 | 747 | 713 | 948 | 838 | 1076 | 1158 | 911 | 815 | 749 | 1097 | 940 | 1148 | 1104 | 1022 | 1030 | 1047 | 1070 | 1181 | 1257 | 805 | 927 | 1112 | 1039 | 1167 | 1169 | 1173 | 956 | 1028 | 1110 | 1209 | 1011 | 978 | 911 | 794 | 817 | 1031 | 805 | 911 | |
Thở máy | 1536 | 724 | 662 | 658 | 631 | 588 | 596 | 600 | 533 | 481 | 458 | 443 | 430 | 404 | 333 | 318 | 296 | 291 | 286 | 279 | 265 | 257 | 254 | 255 | 241 | 246 | 246 | 246 | 254 | 255 | 255 | 242 | 230 | 232 | 237 | 244 | 259 | 258 | 271 | 284 | 302 | 305 | 332 | 332 | 327 | 350 | 341 | 357 | 372 | 379 | 387 | 374 | 410 | 410 | 419 | 434 | 431 | 439 | 455 | 472 | 477 | 489 | 473 | 488 | 511 | 508 | 505 | 501 | 467 | 461 | 462 | 472 | 477 | 463 | |
Số ca tử vong | 79 | 93 | 104 | 88 | 92 | 78 | 74 | 82 | 73 | 61 | 61 | 58 | 38 | 51 | 41 | 33 | 42 | 30 | 40 | 27 | 32 | 25 | 21 | 25 | 31 | 40 | 28 | 33 | 32 | 31 | 35 | 38 | 43 | 38 | 42 | 38 | 22 | 45 | 35 | 26 | 42 | 55 | 42 | 50 | 59 | 62 | 77 | 59 | 60 | 65 | 72 | 62 | 80 | 68 | 75 | 69 | 94 | 57 | 75 | 76 | 72 | 67 | 78 | 75 | 64 | 74 | 65 | 60 | 65 | 57 | 56 | 58 | 46 | 44 |
Việt Á từng hỗ trợ HCDC xét nghiệm PCR
Trả lời tại họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết khoảng đầu tháng 6, khi diễn biến dịch của thành phố có chiều hướng phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng, việc điều tra, truy vết phải tiến hành khẩn trương; lãnh đạo TP.HCM kêu gọi tất cả tầng lớp nhân dân cùng tham gia chống dịch.
Công ty Việt Á có đơn gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đề nghị tham gia mở rộng năng lực xét nghiệm của TP.HCM. Sau đó, HCDC có văn bản gửi Sở Y tế vào 1/6/2021 đề xuất chủ trương hợp tác cùng Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm PCR tại TP.HCM.
Người dân TP Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm hồi tháng 8/2021. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Sở Y tế có văn bản trả lời trên tinh thần chấp nhận, cho phép chủ trương để Công ty Việt Á phối hợp với quận/huyện đặt trang thiết bị, triển khai xét nghiệm nhằm mở rộng năng lực sàng lọc người mắc Covid-19. Nhờ đó, TP.HCM có thể kiểm tra, chẩn đoán nhanh hơn đối tượng mắc bệnh. Công ty Việt Á đặt máy tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đưa sinh phẩm, con người vào để giúp TP.HCM.
Sau đó, Tập đoàn Vingroup đã ngỏ lời trả hết toàn bộ phí mà Công ty Việt Á đã làm cho TP.HCM và được chấp thuận. Từ khi đó đến khi hoàn thành nhiệm vụ, TP.HCM không tham gia mua sắm trang thiết bị cũng như vật tư liên quan vụ việc.
Nói rõ thêm, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết vào thời điểm giữa tháng 6, thành phố có chủ trương tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm từ 100.000 mẫu/ngày lên 300.0000 đến 500.000 mẫu/ngày. Thành phố cho phép tận dụng tối đa năng lực xét nghiệm của thành phố dù công hay tư. Do đó, HCDC đã tận dụng tất cả bệnh viện có khả năng xét nghiệm để thực hiện.
Tuy nhiên trước tình hình số mẫu xét nghiệm tăng, HCDC có xin chủ trương phối hợp Công ty CP công nghệ Việt Á. Ngày 14/6, Sở Y tế TP.HCM có đồng ý chủ trương nhưng không triển khai vì lúc đó có phương án tốt hơn là được Vingroup đề nghị hỗ trợ.
“Đó là một trong những phương án HCDC có hướng đến tuy nhiên thực tế không diễn ra, HCDC đã không mua, không sử dụng và cũng không hợp tác với Công ty Việt Á”, ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). Ảnh: Thu Hằng. |
Nói thêm về doanh nghiệp cung ứng nguồn kit test nhanh, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết HCDC căn cứ theo danh mục của Bộ Y tế cho phép. Theo ông Tâm, việc HCDC mua được kit test có giá thành thấp từ 50.000 đồng đến 178.000 đồng/kit một phần do đơn vị sử dụng nhiều, mua với số lượng lớn. Hai là HCDC luôn cố gắng đàm phán để được giá thấp nhất thị trường.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Công ty Việt Á có triển khai xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên địa bàn thành phố hay không, bà Mai khẳng định là có. Bà cho biết Công ty Việt Á đã phối hợp hỗ trợ xét nghiệm cho thành phố được 2 tuần.
Thời điểm dịch bùng phát nhanh, các địa bàn quận Bình Tân, quận 8, quận 12 có số ca tăng rất nhanh. Những cơ sở xét nghiệm đều quá tải.
“Do đó, nơi nào quá tải đều được đẩy về cơ sở xét nghiệm của Công ty Việt Á đặt tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2. Họ đã làm rất nhiều cho thành phố”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Theo thông tin cập nhật đến ngày 23/12, Sở Y tế TP.HCM xác định 2 bệnh viện đã mua sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 test với tổng số tiền là 636.562.500 đồng, theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Bệnh viện TP Thủ Đức mua 65.870 test với tổng giá trị 32.022.967.500 đồng bằng hình thức chỉ định thầu.
Trước đó, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện công, trung tâm y tế quận huyện và TP Thủ Đức báo cáo về việc mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm Việt Á. Các đơn vị phải báo cáo về Sở chậm nhất ngày 22/12, với các nội dung: Tên sản phẩm, số lượng, đơn giá, số tiền, hình thức mua sắm và thời gian thực hiện hợp đồng.
Công an TP.HCM: Không nên nghĩ cứ liên quan Việt Á là vi phạm
Sau khi xác định 2 đơn vị sử dụng kit test của Công ty Việt Á, Công an TP.HCM có vào cuộc để kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các cơ sở này hay không?
Trả lời câu hỏi này, thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM) nhắc lại Công an TP.HCM đã phối hợp rà soát tất cả trường hợp mua bán trang thiết bị y tế nhằm kiểm tra xem có vấn đề tiêu cực, vụ lợi hay vi phạm về tham ô, tham nhũng hay không.
Liên quan Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện TP Thủ Đức có sử dụng kit test của Việt Á, thượng tá Hà cho rằng khi thông tin nên khách quan vào từng thời điểm, từng hoàn cảnh cụ thể chứ không nên gán ghép suy nghĩ là chỉ liên quan đến Việt Á là vi phạm.
“Ví dụ, thời điểm cần mua thì phải mua. Nếu có tư lợi trong thi hành công vụ thì cơ quan điều tra hay các đơn vị mới xử lý. Với giá đó thì trước mắt là không thấy có dấu hiệu vi phạm so với hướng dẫn”, thượng tá cho hay.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Đại diện Công an TP.HCM đề nghị "khách quan trong việc đưa tin về nội dung này và tránh tạo áp lực cho các cơ quan y tế".
"Đơn vị y tế đang làm việc rất tích cực. Báo chí không nên liên hệ họ như đơn vị vi phạm trong khi hiện nay mới đang xác minh", ông Hà nói.
Thông tin về việc kiểm soát mua bán thuốc trên mạng, Công an TP.HCM đã khởi tố một vụ liên quan đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Thượng tá Hà cho biết thêm Công an TP.HCM đang xác minh 3 vụ theo đầu mối.
TP.HCM chủ động xử nghiêm hành vi tham nhũng, trục lợi từ dịch bệnh
Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM) cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Công an và lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu các cục nghiệp vụ và công an các địa phương trên cả nước phải thực hiện mục tiêu kép về đảm bảo an ninh trật tự gắn với phòng chống Covid-19.
Ban Giám đốc Công an TP.HCM trong các chỉ đạo đều coi nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các đơn vị phải thực hiện trên lĩnh vực kinh tế, nắm tình hình, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Về kết quả, Công an TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước phát hiện và xử lý hình sự với hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ để trục lợi liên quan đến thuốc điều trị Covid-19 và tiêm ngừa vaccine. Công an đã khởi tố 18 vụ liên quan nhiều hành vi như: Sản xuất vật tư y tế giả; lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi; lừa đảo, mua bán vật tư y tế giả…
Thượng tá Hà cho hay Công an TP.HCM đang phối hợp với các ngành chức năng rà soát, nắm tình hình chung về công tác mua sắm, trang thiết bị y tế để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Nếu có thông tin mới Công an TP.HCM sẽ thông tin.
“Đây là nhiệm vụ thường xuyên và đã được lãnh đạo công an thành phố chỉ đạo xuyên suốt”, thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Chuẩn bị chu đáo nếu học trực tiếp từ 3/1/2022
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT), cho biết thành phố chuẩn bị kết thúc tuần thứ 2 dạy học trực tiếp với học sinh lớp 9, lớp 12. Sau khi hoàn thành, các địa phương sẽ báo cáo kết quả về thành phố. Sở GDĐT và Sở Y tế đang làm việc với nhau để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thí điểm học trực tiếp 2 tuần qua.
Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch, tuần sau, hai sở sẽ có báo cáo, đề xuất lãnh đạo TP.HCM về việc tổ chức dạy học trực tiếp từ 3/1/2022. Các phòng chuyên môn của Sở GDĐT cũng đang lấy ý kiến phụ huynh học sinh nhằm nắm bắt lại sự đồng thuận, sẵn sàng của cha mẹ học sinh về việc cho trẻ đến trường. Các nhà trường nắm bắt lại băn khoăn, khó khăn của học sinh nếu học trực tiếp từ 3/1 để có sự chuẩn bị chu đáo hơn.
Tại họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, cho biết đến ngày 22/12, TP.HCM đã tiêm 50.959 mũi vaccine bổ sung và 141.890 mũi vaccine nhắc lại.
TP.HCM không bắn pháo hoa Tết Dương lịch 2022
Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc trong dịp Tết Dương lịch tới, TP.HCM có dự định bắn pháo hoa như mọi năm.
Ông Phạm Đức Hải cho biết ngày 20/12, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản về tổ chức các hoạt động đón chào năm mới 2022 theo 2 phương án - cấp độ dịch 1, 2 và cấp độ dịch 3, 4. Căn cứ kế hoạch này và tình hình dịch, các đơn vị sẽ quyết định giảm quy mô và tạm dừng tổ chức sự kiện nếu cần thiết.
“Tết Dương lịch này, TP.HCM không bắn pháo hoa”, ông Hải thông tin.
Đại diện Ban Chỉ đạo nói thêm tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Ông dẫn lại lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Khi một nước trong Đông Nam Á có ca nhiễm biến chủng mới, ta đều xác định như biến chủng mới đã có trong nước. Ta phải trong tâm thế biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam. Do đó, ông Hải mong người dân khi dự các sự kiện cần tuân thủ 5K và quy định của ban tổ chức sự kiện.
Trả lời câu hỏi về việc điều phối việc sản xuất oxy y tế, ông Hải cho biết trong đợt dịch cao điểm tháng 7-9/2021, TP.HCM sử dụng 380 tấn oxy lỏng/ngày; hiện, con số này giảm xuống còn khoảng 170 tấn oxy lỏng/ngày. Tuy nhiên, dự báo số ca mắc mới còn nhiều và số người phải sử dụng máy thở còn cao, TP.HCM cần khoảng 350 tấn oxy lỏng/ngày.
Thời kỳ cao điểm, TP.HCM có 11 đơn vị cung cấp oxy y tế. Nhưng hiện nay, số đơn vị giảm xuống 5; còn lại chuyển qua sản xuất oxy công nghiệp.
“Nếu không có kiến nghị, giải pháp, TP.HCM không thể có số oxy cần thiết. Do đó, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương điều phối việc sản xuất giữa oxy công nghiệp và oxy lỏng nhằm đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, ông Hải cho hay.
TP.HCM còn hơn 20.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa tiêm vaccine
Về kết quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao sau 15 ngày triển khai, ông Hải cho biết tính đến 22/12, TP.HCM đã lập danh sách 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ cao. Trong đó, 41.379 người tiêm một mũi vaccine (7,1%); 518.304 người tiêm 2 mũi vaccine (88,7%).
Đáng chú ý, 24.420 người chưa tiêm mũi vaccine nào, chiếm tỷ lệ 4,2%. Đến 22/12, TP.HCM mới tiêm vaccine 4.397/24.420 người (18%).
“Nghĩa là tốc độ tiêm với nhóm người nguy cơ này còn chậm. Đề nghị ngành y tế tăng tốc hơn”, ông Hải nhắc nhở.
Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Để tầm soát nhóm này, TP.HCM đã tiến hành 2 đợt xét nghiệm với tổng số 737.753 lượt (có trường hợp xét nghiệm hơn một lần). Trong đó, 733.835 lượt âm tính (chiếm 99,47%); 3.918 lượt dương tính (chiếm 0,53%).
“Với những người nguy cơ cao mà âm tính với Covid-19, dù không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn phải được nhận gói thuốc C”, ông lưu ý.
Phân tích kết quả chiến dịch, ông Hải nhắc lại ngày 7/12 bắt đầu chiến dịch, TP.HCM có 75 ca tử vong; đến 22/12, số ca tử vong giảm còn 44. “Có thể đó chính là một trong những thành công của chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ”, ông nói.
Để chứng minh chiến dịch có chuyển biến, ông so sánh và cho biết số người nhập viện liên tục ít hơn số người xuất viện trong những ngày qua.
Tiêm nhắc mũi 3 cho công nhân, học sinh trong tháng 1/2022
Liên quan việc TP.HCM chuẩn bị kế hoạch tiêm thế nào trong điều kiện Bộ Y tế cho rút ngắn thời gian, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết có nhiều thay đổi trong hoạt động này. Do đó, UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM đã có ban hành hướng dẫn gửi các đơn vị, chính quyền quận, huyện về hoạt động tiêm tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Trong hoạt động tiêm đợt này, ngành y tế ưu tiên số 1 đối với nhóm nguy cơ, người suy giảm miễn dịch. Theo đó, người chưa tiêm sẽ được rà soát, tìm hiểu nguyên nhân chưa tiêm để xử lý. Bà Mai cho biết các địa bàn đang tiến hành chiến dịch này.
Đối với nhóm công nhân, học sinh, người dân sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 sẽ được rà soát để tiếp tục mũi tiêm nhắc (mũi 3) trước Tết Nguyên đán, dự kiến kế hoạch tiêm diễn ra trong tháng 1/2022.
“Công tác chuẩn bị tại cơ sở là phải nắm được danh sách đối tượng cần được tiêm, từ đó ngành y tế có kế hoạch bố trí lực lượng để triển khai tốt”, bà Mai nói.
TP.HCM cần thêm nhân sự nhưng không quá cấp thiết
Zing đặt câu hỏi về việc trước đây, TP.HCM có công văn đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 nhân viên y tế, đến nay, thành phố đã nhận được hồi đáp của Bộ hay chưa.
Trả lời câu hỏi này, Sở Y tế cho biết chưa nhận được 3.000 nhân sự như đề xuất. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói thêm, tại thời điểm tham mưu thì tình hình dịch của TP.HCM đang diễn biến phức tạp và làn sóng Omicron đã lan truyền. Thành phố dự báo tình hình có thể diễn biến xấu. Nhưng sau 2 tuần, hoạt động kiểm soát F0 trên địa bàn làm rất tốt.
Thành phố đã triển khai chiến lược y tế đúng hướng, chiến lược chăm sóc người có nguy cơ có tác động tốt tới công tác phòng chống dịch, số F0, số ca tử vong đều giảm… Nhân lực đã có sự điều phối tương đối hài hòa. Hoạt động điều phối nhân sự hiện tập trung cho việc tiêm vaccine và hồi sức cấp cứu để hỗ trợ điểm tiêm.
Đây là nhiệm vụ quan trọng mà TP.HCM đang cố gắng thực hiện. Trước đây, có những ngày TP.HCM tiêm được 100.000-200.000 mũi tiêm/ngày với lực lượng trên 1.400 nhân sự. Sở Y tế sẽ phối hợp với các quận/huyện và cố gắng điều phối nhân sự hiệu quả.
“Nhân sự đến giai đoạn này cũng cần nhưng không quá cấp thiết”, Chánh văn phòng Sở Y tế cho hay