Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM muốn chia sẻ thông tin địa lý, nhưng vướng quy định dữ liệu mật

TP.HCM muốn chia sẻ một số dữ liệu nền về thông tin địa lý cho tổ chức, cá nhân sử dụng nhưng lại vướng quy định về dữ liệu mật của ngành tài nguyên môi trường.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) hôm 21/12 về việc tích hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 khu vực TP.HCM.

Theo đó, để thực hiện đề án đô thị thông minh, TP.HCM đang xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Trong đó, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 khu vực TP.HCM. Đây là nền tảng phát triển các ứng dụng quan trọng phục vụ công tác quản lý đô thị và phát triển hệ sinh thái mở.

Tuy nhiên, việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 khu vực TP.HCM cho các đơn vị chưa thể thực hiện do vướng quy định về danh mục bí mật Nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Quyết định 1660 của Thủ tướng ngày 26/10/2020). Trung ương cũng chưa có văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng dữ liệu mật ngành tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, Quyết định 1660 nêu trên cũng quy định dữ liệu ảnh LiDAR (ảnh hàng không kỹ thuật số), dữ liệu GIS nền địa lý TP.HCM chưa được chia sẻ để khai thác và sử dụng thông qua dịch vụ web.

Để có thể chia sẻ, sử dụng được thông tin, dữ liệu tài nguyên môi trường mà không vi phạm quy định về dữ liệu mật, UBND TP.HCM đưa ra 2 kiến nghị với Bộ TNMT.

Thứ nhất, Bộ TNMT hướng dẫn việc tích hợp, chia sẻ, quản lý và sử dụng dữ liệu thuộc danh mục dữ liệu mật ngành tài nguyên và môi trường để các đơn vị có nhu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư. Cụ thể là dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000; dữ liệu ảnh LiDAR; mô hình số độ cao khu vực TP.HCM.

Thứ hai, TP.HCM dự kiến cung cấp dịch vụ web dạng API để các tổ chức, cá nhân có thể khai thác và sử dụng các dữ liệu ảnh trực giao LiDAR và mô hình số độ cao (hiện thuộc danh mục dữ liệu mật ngành tài nguyên môi trường).

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không thể tải tệp dữ liệu gốc trên môi trường điện tử được lưu trữ, quản lý tại máy chủ của UBND TP.HCM. Dữ liệu gốc sẽ không được cung cấp cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào và được UBND TP.HCM lưu trữ, quản lý bảo đảm an toàn, an ninh. TP.HCM đề nghị Bộ TNMT cho ý kiến giải pháp nêu trên có vi phạm về sử dụng dữ liệu mật hay không.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa cho ra mắt cổng thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường TP.HCM.

Hệ thống này đưa ra mô tả, chỉ dẫn đến cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường; cung cấp phần mềm cho phép cán bộ quản lý, nhà chuyên môn cũng như người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn dữ liệu. Dữ liệu tài nguyên và môi trường sau khi hoàn chỉnh cũng có khả năng tích hợp được với các nguồn dữ liệu khác, đáp ứng yêu cầu quản lý thông tin động theo xu thế hiện nay.

Ban chỉ đạo chống dịch TP.HCM thêm nhiệm vụ phục hồi kinh tế

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có quyết định kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm