Năm nào cũng vậy, cứ vào thời khắc giao thừa, David John Whitehead đều ghé thăm một ngôi chùa ở Hà Nội. David cũng chắp tay, lầm rầm khấn vái để cầu may mắn cho những người thân yêu. Chỉ khác là, ông khấn bằng... tiếng Anh. Đã 10 năm qua, không năm nào vị doanh nhân người Úc này vắng mặt tại Việt Nam, vào dịp Tết.
Bén duyên
Nhìn cách David phóng xe máy trên phố, đủ biết ông thông thạo Việt Nam như thế nào. David kể, ông đã gắn bó với đất nước này suốt gần 20 năm qua. Là một giảng viên đại học tại Úc, David đến Việt Nam lần đầu năm 1998 để tìm kiếm sinh viên Việt Nam đưa sang Úc đào tạo. Ông đã ngay lập tức cảm mến sự thân thiện của con người và sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. “Tôi bén duyên với đất nước này từ những cái nhìn đầu tiên”, ông thừa nhận.
Trong suốt nhiều năm sau đó, David trở lại Việt Nam nhiều lần để công tác và làm việc. Ông phối hợp với các trường đại học của Việt Nam, giảng dạy tiếng Anh, kết nối và trao học bổng cho những sinh viên có nhu cầu sang học tập tại Úc.
Năm 2004, việc đi về giữa hai nước không còn là việc bình thường với David khi có nhiều biến cố xảy ra với cuộc đời ông. Ông chia tay người bạn đời của mình ở Úc, và hết hạn hợp đồng làm việc với các trường đại học tại Việt Nam. Thời điểm đó, David đã ra một quyết định trong đời mà đến giờ ông vẫn cho là mạo hiểm: dừng công việc ở Úc và chuyển sang ở hẳn Việt Nam để tìm cơ hội mới.
“Đây là quyết định lớn nhưng rủi ro vì không ai có thể lường trước điều gì sẽ xảy ra. Lúc đó tôi chỉ thấy Việt Nam phù hợp với tính cách của mình, con người cởi mở, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, nhiều cơ hội kinh doanh tại đất nước còn rất nhiều tiềm năng này”, David nhớ lại.
Không cần hỏi, chỉ nhìn gương mặt rạng rỡ và những “cơ ngơi” mà David đã xây dựng tại Việt Nam trong 10 năm qua, cũng biết chắc ông rất hài lòng với quyết định táo bạo của mình.
David hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Austfeed Việt Nam (chuyên sản xuất thức ăn gia súc), Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược thú y Cai Lậy - Mekovet, Phó chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh Thực phẩm Mavin. Ngoài ra, ông còn là Phó chủ tịch Phòng Thương mại Úc (AusCham) tại Việt Nam.
Nhưng, với David, những chức danh trên vẫn chưa phải là tất cả. Quan trọng hơn, trong quá trình sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông đã tìm thấy một nửa của mình và trở thành... rể Việt. Điều đó, theo David, mới là thành công nhất.
“Phụ nữ Á Đông luôn đề cao nữ tính. Họ dịu dàng hơn, ngọt ngào hơn và làm cho cuộc sống gia đình dễ chịu hơn”, David nói, nhưng ai cũng hiểu ông đang dành lời khen cho bà xã, một thạc sĩ tiếng Anh.
Thiên thời, địa lợi...
David cho hay, ban đầu khi mới ở lại Việt Nam, ông định tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng sau đó lại nhìn thấy tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp chăn nuôi, thực phẩm.
Với số vốn ban đầu là 5 triệu đôla, David đã hợp tác với một người bạn Việt Nam mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Austfeed tại Hưng Yên.
“Khi đó có rất ít nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, vì vậy chúng tôi có được thiên thời”, David nói. Bản thân Việt Nam đã là “địa lợi”. Và kiến thức của một thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Công nghệ Hoàng Gia Melbourne kết hợp với kinh nghiệm tám năm lăn lộn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của người bạn Việt là yếu tố “nhân hòa”, giúp Austfeed đạt được nhiều thành công.
“Sau 10 năm, Austfeed đã mở thêm ba nhà máy tại Hưng Yên và một tại Bình Định, sử dụng thường xuyên 700 lao động, với mức doanh thu năm 2014 là 75 triệu đôla, dự kiến năm 2015 là 80 triệu đôla và trong vòng năm năm tới sẽ đạt tham vọng khoảng 100 triệu đôla mỗi năm”, David hào hứng.
Nói nghe thì dễ, nhưng để có được như hôm nay, David không thể quên những ngày tháng vất vả, dò dẫm từng siêu thị, cửa hàng, khách sạn, từ thành phố đến nông thôn, để tìm hiểu về lợn, gà, gia súc, thức ăn, thuốc thú y, chế biến và phân phối thực phẩm...
Trớ trêu là, một chuyên gia về thực phẩm như David lại gặp phải sự cố đáng nhớ trong lĩnh vực thực phẩm. Đó là một lần, ông dẫn con gái từ Úc sang thăm, đến một nhà hàng rất xịn ở Hà Nội. Ngay khi ăn xong, con ông đã bị nhiễm khuẩn salmonella phải nhập viện, và lập tức phải quay trở về Úc.
Sau biến cố đó, David cho rằng, nhà hàng xịn thôi chưa đủ khiến thực khách yên tâm về an toàn thực phẩm, mà nguồn cung cấp thực phẩm mới là yếu tố quan trọng.
Từ đó, ông nảy sinh ý định chinh phục thị trường Việt Nam bằng thực phẩm sạch từ nguồn, với khẩu hiệu là “Từ nông trại tới bàn ăn”. Austfeed lập tức theo đuổi việc sở hữu Công ty Thuốc thú y Cai Lậy, Tiền Giang, sau đó mở các trang trại nuôi heo mang tên Hưng Việt, với con giống được nhập khẩu từ Anh.
Cuối cùng, mới đây Austfeed đã thành lập Công ty Chế biến thực phẩm Mavin, với công nghệ nhập khẩu từ Đức. Đến nay, các trại Hưng Việt đã có nhiều vệ tinh trên khắp cả nước, cung cấp thịt sạch 20.000 con ra thị trường trong năm 2014. Mavin đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ nằm trong tốp 3 nhà sản xuất thực phẩm chế biến từ thịt tại Việt Nam. Tham vọng của David là sẽ xuất khẩu các sản phẩm của Austfeed ra nước ngoài trong năm 2015.
David tâm sự: “Các công ty nước ngoài khác ở Việt Nam thường mang tiền lãi về nước họ. Còn tôi, tôi cũng như người Việt, có tiền tôi lại tái đầu tư phát triển công ty. Nếu có xuất khẩu hàng thì tiền đó tôi cũng mang trở lại Việt Nam. Tôi tự hào về điều này”.
Năm nay là năm thứ 11 liên tục David ăn Tết ở Việt Nam. Ông đã tự lên cho mình một kế hoạch đón Tết rất thú vị: sau vài ngày đầu tiên đi chùa, thăm bạn bè ở Hà Nội, David sẽ lên đường đi phượt bằng xe máy ở những vùng khác nhau. Mười năm qua, anh đã kịp cảm nhận không khí Tết ở Điện Biên, Móng Cái, Hà Giang, Mai Châu, thậm chí Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Năm nay cũng sẽ là một điểm đến mới. Tuy nhiên, David tâm sự: “Tết Việt Nam dài quá. Sau nhiều ngày nghỉ Tết, người lao động có tâm lý làm việc uể oải, năng suất lao động giảm. Trước đó vài tuần, mọi người cũng chỉ nghĩ đến... Tết”.
Và Tết đã sắp đến rồi.