Trả lời về khó khăn khi đầu tư tại Peru, Quyền cho biết: “Chúng tôi cứ đùa nhau là đi thị trường nước ngoài, phải toàn người không biết gì mới dám làm, chứ biết rồi có khi lại sợ. Thực sự, đúng là tôi thuộc dạng không biết sợ”.
Chỉ sau một năm kể từ thời điểm nhận nhiệm vụ đi Peru, 8x đời đầu (Hoàng Quốc Quyền sinh năm 1982) đã có thể giao tiếp tự tin bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha.
Hoàng Quốc Quyền chia sẻ: "Muốn có cơ hội, phải nghĩ khác". Ảnh: NVCC |
Không giống như những quốc gia mà Viettel từng đầu tư trước đó, Peru là nước đầu tiên có trình độ phát triển kinh tế cao hơn nhiều so với Việt Nam (GDP bình quân đầu người cao gấp 3 lần). Bên cạnh đó, mật độ phổ cập thông tin di động tại đây đã tới ngưỡng bão hoà, với những thương hiệu viễn thông khổng lồ của châu lục như Movistar và Claro.
Tổng giám đốc Bitel (thương hiệu viễn thông của Viettel tại Peru) chia sẻ là: “Tôi xác định đi nước ngoài là mình đi 'làm dâu' nên chắc chắn phải học hỏi nhiều”.
Và cũng đúng như dự kiến của Quyền, Peru là thị trường thuộc dạng khó nhất từ trước đến nay mà Viettel từng đầu tư. Tại Haiti, quốc gia vừa trải qua thảm hoạ động đất khiến 80% cơ sở hạ tầng bị phá huỷ và hơn nửa triệu người thiệt mạng, Viettel chỉ mất hơn 1 năm để dựng nên mạng viễn thông lớn nhất.
Thế nhưng, với Peru, phải mất nhiều hơn thời gian đó thì hạ tầng viễn thông di động cho Bitel mới cơ bản dựng xong và bắt đầu cung cấp dịch vụ.
Cái khó của Peru không phải nằm ở chỗ thiếu thốn về vật chất như Haiti mà là những quy định chặt chẽ của chính quyền từng địa phương đối với việc xây dựng trạm phát sóng.
Từ việc quy định cột phát sóng không được cao quá bao nhiêu mét đối với từng khu vực, cho đến việc cột đó phải được ngụy trang thành thùng nước, cây xanh hay ống khói... để đảm bảo mỹ quan thành phố chỉ là một trong hàng trăm quy định khác nhau ở từng nơi trên đất nước này.
“Peru là một thử thách hoàn toàn khác biệt với chúng tôi. Có rất nhiều thủ tục và quy định phức tạp mà chúng tôi chưa từng biết đến ở Việt Nam hay các thị trường đang phát triển trước đó”, một lãnh đạo của Tổng công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global - công ty mẹ của Bitel) tiết lộ.
Còn với Quyền, câu chuyện lại rất đơn giản: “Thủ tục khó thì mình tìm hiểu, giao quyền cho những nhân viên bản địa có năng lực. Đi ‘làm dâu’ mà, khó khăn cũng bình thường thôi, mình phải hiểu và hoà thuận với họ thì mới ở lâu được”.
Cơ hội đến từ nghĩ khác
Vượt qua thử thách xây dựng hạ tầng, vẫn có rất ít người tin Quyền và những đồng nghiệp của mình tại Bitel có thể thành công tại Peru. Lý do cũng đơn giản, quốc gia này có trình độ phát triển cao hơn nhiều so với Việt Nam, mật độ di động cũng đã vào ngưỡng bão hoà, Bitel có cơ hội gì ở một nơi “đất đã chật, người còn đông”?
Thị trường viễn thông Peru vẫn thiếu "ngon, khác, lạ" và đây là cơ hội của Bitel. Ảnh: NVCC. |
Thế nhưng, Quyền lại nghĩ khác. “Thị trường Peru đã ‘no, đủ, đầy’ nhưng thiếu ‘ngon, khác, lạ’ và đó là cơ hội của chúng tôi”, CEO của Bitel nói với Zing.vn. Lãnh đạo 8x giải thích, quốc gia này đã “no” về dịch vụ, “đủ” về viễn thông và “đầy” các nhà cung cấp.
Tuy nhiên, Bitel đem đến “ngon” – mạng 3G Only; “khác” – thương hiệu viễn thông của người Peru (các mạng khác là những thương hiệu toàn cầu). Còn với “lạ”, thương hiệu này đem đến nhiều dịch vụ gia tăng miễn phí như Bchat (một loại OTT của riêng Bitel cho phép gọi điện nhắn tin miễn phí trên nền 3G), Daleplay trang nhạc dành riêng cho người Peru…
Dù thị trường di động Peru đã bão hoà nhưng đó là với mạng 2G. Riêng thị trường 3G thì các thương hiệu chiếm 96% thị phần di động chưa đầu tư mạnh. Hai mạng dẫn đầu chủ yếu phủ sóng ở đô thị, bỏ trống nông thôn.
Trong khi đó, Bitel chỉ tập trung đầu tư cho mạng 3G (3G Only) và quảng bá mạnh mẽ cho khả năng kết nối Internet trên di dộng ở mọi lúc mọi nơi. “Khi thị trường đã chật, muốn có cơ hội, phải nghĩ khác, với những thứ đơn giản thôi. Chúng tôi chỉ đầu tư vào mạng 3G để nắm lấy cơ hội tạo ra cuộc cách mạng về Mobile Internet tại quốc gia này”, Quyền chia sẻ.
Khi khai trương một chi nhánh tại Loresto, tỉnh nằm giữa khu vực rừng Amazon, Bitel không tổ chức tại trụ sở. Công ty này làm buổi lễ tại trường tiểu học số 61006 Sara Saberbein, thành phố Iquitos. Đây là nơi Bitel đã sửa sang, trang bị và cung cấp kết nối Internet băng rộng miễn phí trong thời gian 10 năm.
Làm cách mạng ở nước giàu
Tại Peru, việc chỉ có 2 mạng di động chiếm tới 96% thị phần tạo nên thế độc quyền đôi từ nhiều năm nay. Thị trường di động đã bão hoà nhưng dịch vụ cung cấp cho khách hàng không có nhiều cải thiện. Riêng với 3G, cước rất cao trong khi dịch vụ bị khách hàng đánh giá kém (tới 40% theo kết quả khảo sát độc lập).
Niềm vui của CEO Bitel đến từ chính những chia sẻ của nhân viên người Peru. Ảnh: NVCC. |
Cũng vì thế, khi một thương hiệu di động mới ra đời, đánh vào ngách dịch vụ mà 2 ông lớn viễn thông đang bỏ quên thì người tiêu dùng Peru bỗng “tỉnh giấc”.
Đầu tháng 9/2014, tại một điểm bán hàng ở tỉnh Puno (Peru), người dân địa phương xếp hàng dài để chờ mua sim di động của Bitel. Tại quốc gia này, đây là một cảnh tượng khá lạ lùng bởi Peru đã có trình độ phát triển cao về viễn thông.
Khuyến mại cao, sóng 3G ổn định ở khắp mọi nơi, giá rẻ cùng nhiều dịch vụ gia tăng đặc sắc miễn phí là những yếu tố khiến họ xếp hàng…
“Tại đây, Bitel là mạng duy nhất có 3G phủ sóng toàn quốc và chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về Mobile Internet tại quốc gia này”, Hoàng Quốc Quyền hào hứng chia sẻ với Zing.vn khi trở về Việt Nam tham dự hội nghị vinh danh những điển hình tiên tiến của Viettel trên toàn thế giới vào đầu năm 2015.
Trải qua nhiều khó khăn tại quốc gia này, điều khiến Quyền thực sự xúc động là khi nghe được tâm sự của những cán bộ người Peru đang làm việc tại Bitel.
Luis Membrillo, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Bitel đã chia sẻ lý do anh đầu quân cho Bitel, thay vì làm việc tại các tập đoàn lớn hơn với thu nhập cao hơn: "Tôi ở đây 40-50 năm nữa cũng sẽ già và chết đi. Nhưng tôi có thể để lại gì cho đất nước tôi?".
Anh chọn Bitel vì một cơ hội mới và tin rằng mình sẽ cùng xây dựng nên một nhà mạng của người Peru. Thực tế, ngay khi khai trương, Bitel đã đầu tư mạng cáp quang để phủ sóng tới vùng sông nước Loresto xa xôi, điều mà nhà mạng lớn nhất tại đây phải mất hàng chục năm mới hoàn thiện.
Tại Peru, Bitel phải đương đầu với 2 ông lớn viễn thông hiện chiếm tới 96% thị phần là Movistar và Claro.
Movistar – hãng viễn thông lớn nhất Peru với 61% thị phần, là thành viên của Tập đoàn viễn thông Telefonia đứng thứ 3 thế giới về thuê bao (250 triệu) và đứng thứ 5 về doanh thu; đang kinh doanh viễn thông tại 22 nước trong đó có 12 nước ở Mỹ La tinh.
Claro – thương hiệu viễn thông đứng thứ 2 với 35% thị phần, là thành viên của tập đoàn viễn thông American Movil do Clarlos Slim (người từng giữ vị trí giàu nhất thế giới) làm chủ. Tập đoàn này đứng thứ 5 thế giới về thuê bao (246 triệu tại 18 nước) và đứng thứ 9 về doanh thu trên thế giới.